3 tháng gần đây, quán Cơm gà 110 của chị Trần Đặng Phương Thảo (32 tuổi), quận 8, TP HCM trở nên tấp nập. "Doanh thu cửa hàng có tháng tới 120 triệu đồng, tăng gấp đôi so với 3 tháng trước. Đặc biệt có những ngày doanh thu tăng hơn gấp 8 lần so với thông thường", chị nói.
Chị Thảo cho biết, doanh thu tăng phần lớn đến từ số lượng đơn hàng online, sau khi ký với một ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến hồi tháng 8.
Thông qua việc bán hàng online trên các ứng dụng giao đồ ăn nhanh, quán Bánh canh cua gia truyền An Bình của chị Huỳnh Thị Cẩm Bình, quận 5, TP HCM cũng tăng 300% doanh thu chỉ sau vài tháng. "Giờ mỗi ngày bán quán gần 150 tô bánh canh so với số lượng khiêm tốn 40 tô như trước, mà chủ yếu mua online là từ app GoViet", chị nói.

Quán bánh canh cua Gia truyền An Bình.
Giống như Cơm gà 110 hay Bánh canh cua Gia truyền An Bình, bắt tay với các ứng dụng giao đồ ăn đang là xu hướng tại nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống lớn nhỏ, trong bối cảnh nở rộ của thị trường giao đồ ăn trực tuyến.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây do Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM công bố, 99% người tham gia khảo sát sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần mỗi tháng, có đến 39% đặt món với tần suất 2-3 lần mỗi tuần.
Đại diện GoFood (thuộc GoViet) - một trong những nền tảng đặt và giao thức ăn trực tuyến cho biết, đơn vị đang có trên ứng dụng khoảng 80.000 nhà hàng từ cao cấp tới quán ăn bình dân, với tổng số hơn 1 triệu món ăn.
Theo đại diện GoFood, thị trường dịch vụ ăn uống (Food and Beverage) tại Việt Nam sẽ còn sôi động và trở nên đa dạng trong thời gian tới". Mô hình ứng dụng đặt món, giao hàng nhanh, theo vị này, được ưa chuộng bởi mang về đơn hàng, doanh thu, đồng thời tiết kiệm cho các chủ quán chi phí nhân công, mặt bằng.

Quán cơm gà 110.
"Chủ quán thay vì đầu tư quá nhiều vào địa điểm và nhân viên, có thể tiết kiệm ít nhất 2 phần 3 chi phí, tập trung nguồn lực vào chất lượng và sự đa dạng món ăn", ông cho biết.
Ngoài ra, chính các tài xế GoViet qua quá trình phục vụ khách hàng, còn góp ý cho chủ quán về thực đơn, phản hồi của khách để cải thiện dịch vụ. "Nhiều tài xế quen còn giúp lấy túi, kê ghế để tập trung vào chuẩn bị đơn hàng", chủ quán Cơm gà 110 chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải cứ đưa quán lên mạng là đã có thể "ăn nên làm ra". Theo gợi ý của đại diện GoFood, các quán ăn trong danh sách "hot" của ứng dụng này thường có tên nổi bật, dễ nhận.
"Công thức phổ biến thường là tên món, tên riêng của quán, để khi người dùng gõ tên món ăn, quán của bạn có thể hiện lên đầu trong phần kết quả tìm kiếm", vị này cho biết.
Ngoài ra, hình ảnh cũng cần được đầu tư chăm chút, bởi khách hàng thường bị hấp dẫn bởi những món ăn đẹp. Minh họa bắt mắt thực tế có thể tác động không nhỏ đến số lượng đơn hàng và lợi nhuận. Bởi thế, hầu hết các ứng dụng giao đồ ăn hiện nay trong đó có GoFood đều hỗ trợ hàng quán "thay áo" thực đơn hay tư vấn các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Mây Phạm