Theo Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận, sau gần 3 tháng lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường quận đã đạt được những kết quả tích cực, nhận được sự đồng thuận. "Trong tổng số 134 tuyến đường trên địa bàn thì cơ bản có 100 tuyến thông thoáng, không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè hay bán hàng rong; còn 34 tuyến đang tiếp tục giải quyết, trong số này có 70% các tuyến được giao cho phường xử lý", ông Thuận nói.
Người đứng đầu chính quyền quận 1 cũng cho biết, quận đã phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức sàng lọc trong 280 hộ buôn bán trên vỉa hè thì có 260 hộ trong diện nghèo. Quá trình vận động có 130 hộ đồng ý chuyển đổi nghề nghiệp thông qua việc học nghề hay hỗ trợ dịch vụ vệ sinh, bảo vệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn...
Vừa qua, UBND thành phố cũng duyệt đề án phố bán hàng rong theo giờ trên đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp. Quận sẽ bố trí cho 100 hộ buôn bán ở những nơi này; 30 hộ còn lại thuộc diện nghèo, không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, người già, khuyết tật... địa phương sẽ có những biện pháp khác.
"Quận chỉ đạo Ban Quản lý chợ Bến Thành vận động tiểu thương và có khoảng 1.200 hộ kinh doanh đồng ý chuyển đổi từ sử dụng túi nylon sang túi giấy. Với mức tiêu thụ mỗi tháng khoảng 110.000 túi giấy (từ 600 đồng - 1.000 đồng mỗi kg) thì có thể đảm bảo được việc làm và thu nhập cho 30 hộ này", ông Thuận nêu giải pháp.
Từ giữa tháng 1, với quyết tâm lập lại trật tự đô thị, đoàn liên ngành của quận 1 không chỉ xử lý người dân vi phạm mà còn phá bỏ nhiều công trình của cơ quan công quyền, xử phạt hàng loạt ôtô biển xanh lấn chiếm vỉa hè.
Động thái mạnh tay của quận 1 nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người dân và lãnh đạo TP HCM. Các quận khác sau đó cũng đồng loạt ra quân chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. "Làn sóng" này cũng lan ra Hà Nội, Cần Thơ... và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng ủng hộ, dặn dò "đừng để đầu voi đuôi chuột".
Hữu Công