Theo CEO Qualcomm Steve Mollenkopf, việc hợp tác trước mắt chỉ ở mức ngắn hạn và dành cho một số mặt hàng nhất định. Tuy nhiên, cả hai đang tìm cách đảm bảo một thỏa thuận lâu dài hơn trong tương lai.
Trở lại tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố bắt đầu cấp giấy phép đặc biệt cho các doanh nghiệp trong nước muốn tiếp tục mối quan hệ kinh doanh với Huawei, trong đó có lĩnh vực chip di động. Tháng 8 vừa qua, công ty Trung Quốc cũng được chính quyền Donald Trump gia hạn các giao dịch thương mại thêm 90 ngày. Cuối tháng đó, báo cáo từ Reuters cho biết đã có hơn 130 công ty Mỹ nộp đơn xin giấy phép đặc biệt.
Một số chuyên gia đánh giá, việc Qualcomm bắt tay trở lại với Huawei cho thấy công ty đã nộp đơn lên chính phủ để xin giấy phép mới. Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho cả hai, khi Huawei có thể tiếp tục dùng công nghệ Mỹ cho sản phẩm của mình, còn Qualcomm tiếp tục bán được hàng.
Sau khi bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách thực thể do liên quan đến chiến tranh thương mại hồi giữa tháng 5, Huawei không thể nhập linh kiện nguồn gốc từ Mỹ, trong đó có chip bán dẫn. Dù đã tự chủ về chip xử lý, Huawei vẫn dựa vào Qualcomm ở các mảng khác, từ đó ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất thiết bị di động.
Ngược lại, những công ty như Qualcomm cũng thiệt hại lớn do không bán được hàng. Theo thống kê, Huawei đã chi khoảng 11 tỷ USD cho các giao dịch thương mại với doanh nghiệp Mỹ, bao gồm Qualcomm, Intel và Micron chỉ tính riêng trong 2018.
Bảo Lâm (theo GSM Arena)