Theo Williams, Oryon sử dụng rất ít công nghệ do Arm phát triển, dù chúng dựa trên kiến trúc tập lệnh Armv8.
Lõi Oryon trong chip xử lý mới của Qualcomm có nguồn gốc từ Nuvia, công ty Gerard Williams III cùng các đối tác sáng lập năm 2019. Mục tiêu của Nuvia là thiết kế lõi CPU hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng với mã Phoenix cho các trung tâm dữ liệu. Họ mua hai giấy phép không chuyển nhượng từ Arm là Thỏa thuận Giấy phép Công nghệ (TLA) để làm lại các lõi hiện có và Thỏa thuận Giấy phép Kiến trúc (ALA) để thiết kế lõi tùy chỉnh. Trong đó, Nuvia đã phát triển các lõi xử lý từ đầu, không sử dụng IP vật lý của Arm hoặc chỉ sử dụng rất ít.
Thực tế, Williams cho biết kỹ sư của Nuvia tự thiết kế hệ thống đường ống, đơn vị thực thi, hệ thống bộ nhớ cache và các thành phần nội bộ khác của CPU, do đó lõi cuối cùng không tích hợp khối mạch độc quyền hoặc thiết kế sẵn có của Arm. Do đó, dù là lõi Armv8, chúng không sử dụng nhiều công nghệ do Arm thiết kế, ngoài tập lệnh và thông số kỹ thuật cơ bản.
Sau khi mua lại Nuvia năm 2021 với giá 1,4 tỷ USD, Qualcomm tuyên bố lõi của Nuvia sẽ được sử dụng trong máy tính cá nhân thay vì trung tâm dữ liệu. Khi đó, Arm yêu cầu Qualcomm đàm phán lại điều khoản giấy phép. Qualcomm từ chối, khẳng định ALA của họ bao gồm cả công ty Nuvia. Arm tuyên bố Qualcomm vi phạm thỏa thuận và yêu cầu hủy các thiết kế của Nuvia được phát triển trước khi sáp nhập.
Năm 2022, Arm thu hồi giấy phép của Nuvia. Đến tháng 10, họ thông báo hủy bỏ Thỏa thuận Giấy phép Kiến trúc với Qualcomm. Cuộc tranh chấp giữa hai bên xoay quanh việc liệu giấy phép kiến trúc của Nuvia và các thiết kế tùy chỉnh của công ty này có thể được chuyển giao hay sử dụng bởi Qualcomm sau khi mua lại hay không. Luật sư Arm nhắc lại các điều khoản trong thỏa thuận cấp phép, còn luật sư Qualcomm yêu cầu Williams trình bày chi tiết về các đổi mới của Nuvia và vai trò đóng góp hạn chế của Arm vào sự phát triển này.
Trong cuộc chiến tại tòa, nếu chiến thắng, Arm có thể buộc Qualcomm và hơn 20 đối tác, trong đó có Microsoft, dừng bán máy tính Copilot+, chủ yếu là laptop. Nó cũng có thể khiến thương vụ Qualcomm - Nuvia bị lật ngược.
Android Authority đánh giá việc hủy bỏ thỏa thuận cấp phép thiết kế chip có thể khiến Qualcomm thiệt hại nặng. Vấn đề thậm chí ảnh hưởng sâu rộng hơn với thị trường di động. Snapdragon của Qualcomm, bộ vi xử lý phổ biến nhất trên thiết bị Android, và một số mẫu chip khác đang sử dụng kiến trúc Arm, tạo ra doanh thu khoảng 39 tỷ USD. Qualcomm có thể đối mặt với việc dừng bán hàng, đi kèm hàng loạt tranh chấp pháp lý về sau.
Trong khi đó, thị trường di động có thể rơi vào tình thế khó khăn liên quan đến sự gián đoạn sản xuất và khả năng hoạt động liền mạch của thiết bị chạy chip Snapdragon trong tương lai.
Huy Đức (theo Tom's Hardware)