Phát hiện cho thấy thằn lằn cá, một nhóm bò sát biển có hình dạng giống cá sinh sống ở biển vào thời khủng long, phát triển tới kích thước khổng lồ (17m) trong khoảng thời gian chỉ 2,5 triệu năm. So với chúng, cá voi mất gần 50 triệu năm để đạt kích thước tương tự. Nghiên cứu được công bố hôm 23/12 trên tạp chí Science.
"Chúng tôi phát hiện thằn lằn cá tiến hóa tới kích thước khổng lồ nhanh hơn nhiều cá voi, trong thời gian thế giới phục hồi từ sự kiện tuyệt chủng cuối kỷ Permi", nhà nghiên cứu Lars Schmitz, phó giáo sư ở Trường Scripps ở Claremont, California, cho biết. "Đó là dấu hiệu của sức sống bền bỉ. Nếu điều kiện môi trường phù hợp, quá trình tiến hóa sẽ xảy ra rất nhanh chóng và sự sống có thể phục hồi".
Nhóm nghiên cứu lần đầu tiên chú ý tới hóa thạch của thằn lằn cá cổ đại năm 1998 nằm trong lớp đá ở dãy núi Augusta ở tây bắc bang Nevada. Theo Schmitz, chỉ có vài chiếc xương sườn nhô ra từ lớp đá, nhưng rõ ràng con vật rất lớn. Tuy nhiên, mãi tới năm 2015, với sự hỗ trợ của trực thăng, các nhà nghiên cứu mới có thể khai quật đầy đủ cá thể. Hóa thạch còn sót lại bao gồm hộp sọ, xương vai và chân chèo. Họ chuyển nó tới Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quận Los Angeles để phân tích.
Nhóm nghiên cứu đặt tên cho loài mới là Cymbospondylus youngorum. Loài bò sát biển có bộ hàm lớn này sống cách đây 247 triệu năm vào kỷ Tam Điệp. Giống như những sinh vật cùng thời, con vật rất kỳ lạ. "Hãy tưởng tượng một con vật giống rồng biển với cơ thể thuôn dài, các chi biến đổi thành vây và chiếc đuôi dài", Schmitz nói. Với hộp sọ dài gần 2 mét, C. youngorum dài hơn 17 m, lớn hơn cả một chiếc xe kéo một cầu.
Khi còn sống, C. youngorum nặng 41 tấn, sống ở siêu đại dương Panthalassa ngoài khơi phía tây Bắc Mỹ. Dựa theo kích thước và hình dáng răng, C. youngorum nhiều khả năng ăn những con thằn lằn cá nhỏ hơn, cá và mực.
Có nhiều quái vật khổng lồ sống ở thời khủng long, nhưng C. youngorum rất nổi bật vì vài lý do. Ví dụ, C. youngorum sống chỉ 5 triệu năm trước sự kiện đại tuyệt chủng "Great Dying" xảy ra cách đây 252 triệu năm ở cuối kỷ Permi, giết chết khoảng 90% sinh vật trên thế giới. Sự sống trên Trái Đất mất khoảng 9 triệu năm để phục hồi từ sự kiện đó, theo nghiên cứu công bố năm 2012 trên tạp chí Nature Geoscience.
An Khang (Theo Live Science)