Bega, người phụ nữ gốc Peru 32 tuổi, là một trong hàng chục người nhập cư có nguồn gốc chủ yếu từ Mỹ Latin, đang cố gắng kiếm sống bằng cách hóa thân thành những nhân vật hoạt hình nổi tiếng giữa trung tâm sôi động của New York.
Trong bộ dạng của những con quái vật từ chương trình truyền hình thiếu nhi Sesame Street, hay những siêu anh hùng như Batman và Hulk, họ tạo dáng chụp ảnh với khách du lịch để kiếm tiền, cạnh tranh với những cô gái thả ngực trần sơn vẽ khắp cơ thể và một chàng cao bồi bán khỏa thân chơi guitar.

Hai người hóa thân thành nhân vật hoạt hình, trong đó có quái vật Elmo (trái), chụp ảnh với một du khách trên Quảng trường Thời đại. Ảnh: Reuters
Dưới ánh đèn rực rỡ và những cửa hiệu hoành tráng, giao lộ nổi tiếng này là một biểu tượng của thành phố không bao giờ ngủ và những cơ hội tiềm ẩn, nơi làm nên những giấc mơ. Tuy nhiên, với Bega, thực tế lại hơn cả một cơn ác mộng. Cô cho hay mình thi thoảng chỉ kiếm được 20 USD một ngày.
"Bạn đến đây để lãng phí thời gian của mình, để chết rét và thi thoảng không kiếm đủ ăn", Bega nói bằng tiếng Tây Ban Nha, trong bộ váy màu xanh với bím tóc tết.
Bega bước chân vào công việc này nhờ một người bạn và có các đồng nghiệp đến từ Mexico, Colombia, Dominica, Guatemala và Ecuador. Nhiều người mang trang phục từ quê nhà đến đây vì giá mua rẻ hơn, hoặc mua online tại Mỹ với mức giá thường lên tới 200 USD. Họ không cần giấy phép hoạt động.
"Một số người hơi khó chịu nhưng hầu hết họ đều tốt. Họ đến đây để kiếm sống như bao người khác", Dave Duke, 62 tuổi, một du khách đến từ bang Kentucky, nói, khi chụp ảnh cho vợ mình cùng một người hóa trang thành Tượng Nữ thần Tự do.
Họ cho hay việc kiếm tiền đang trở nên khó khăn hơn sau khi một số du khách tố cáo bị quấy rồi và sàm sỡ, khiến những tờ báo địa phương viết một loạt bài về "những sự ghê rợn hóa trang".
Hồi tháng 9, một người đóng giả quái vật Elmo đã bị bắt sau khi bị cáo buộc sàm sỡ vòng ba của một thiếu nữ 14 tuổi.
"Vì việc này mà cảnh sát đã đến làm phiền chúng tôi. Họ hầu như không để chúng tôi làm việc", Bega nói. Cô đang làm thêm một công việc khác vào các buổi tối để có tiền nuôi hai con 2 và 10 tuổi.
Jose, từ Mexico, một người đóng vai Elmo khác, cho rằng vài kẻ vụ lợi đang làm ảnh hưởng đến những người khác. "Trẻ em từng ùa đến chỗ tôi, nhưng bây giờ chúng đọc được những bài viết Elmo là một kẻ quấy rối trẻ em và không dám lại gần nữa", anh giải thích.
Gần đó, Robert Burck đang tấu những giai điệu trên cây đàn guitar của mình trong ngoại hình của một chàng cao bồi chỉ mặc quần lót. Người đàn ông 48 tuổi nổi tiếng với biệt danh "cao bồi khỏa thân" đã làm việc ở Quảng trường Thời đại 20 năm và kiếm được khoảng 150.000 USD tiền boa một năm.
"Tôi hoàn toàn thích thú với thực tế mình đang làm việc giữa một nhóm trộm", ông đùa, khi những người bán CD hối hả mời chào du khách.

Những người làm nghề hóa trang cầm biểu ngữ trước cuộc họp báo hồi tháng 8/2014, do hội Các Nghệ sĩ New York Thống nhất tổ chức tại Quảng trường Thời đại, nhằm kêu gọi đối xử công bằng và quyền được biểu diễn để kiếm sống. Ảnh: AP
Ước tính có 450.000 người băng qua Quảng trường Thời đại mỗi ngày, nhưng một số người New York luôn cố tìm một con đường khác nếu có thể. Trong cuộc thảo luận "Tại sao người New York không thích Quảng trường Thời đại" trên trang web hỏi đáp Quora, người dân địa phương dẫn ra các lý do như đông đúc, nhà hàng chặt chém, các cửa hiệu bán đồ "rởm" cho du khách và các nhân vật hóa trang gây phiền toái.
Liên minh Quảng trường Thời đại, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, muốn cải thiện giao lộ nổi tiếng này bằng cách siết chặt quản lý những người làm nghề hóa trang. Họ phản đối hiện tượng người hóa trang lợi dụng du khách không để ý để choàng tay qua người họ rồi những người khác đổ xô tới đứng vào chụp ảnh và đòi trả tiền.
"Quảng trường Thời đại luôn có chút điên rồ. Đó là chủ nghĩa tư bản", Tim Tompkins, chủ tịch của Liên minh, nói. "Nhưng điều chúng tôi phản đối ở đây là việc kiếm sống của họ không phải khi nào cũng đến từ sự tự nguyện của du khách".
Từ năm 2016, chính quyền New York quy định những người làm nghề hóa trang ở Quảng trường Thời đại chỉ được hoạt động trong một số khu vực nhất định, nhưng có những người vẫn vượt ra khỏi khu vực cho phép.
Liên minh tin rằng việc giới chức thành phố quản lý tốt hơn những người làm nghề hóa trang sẽ giúp Quảng trường Thời đại thân thiện hơn với các gia đình.
"Chúng tôi đang nỗ lực tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho những người có cơ hội đến thăm nơi này", ông Tompkins nói.
Quảng trường Thời đại có biệt danh là "Ngã tư của Thế giới". Ở đó, Bega thấy cô cũng đang đứng giữa ngã tư của riêng mình. "Công việc này không bền vững. Tôi không biết liệu mình có thể tiếp tục như thế này được nữa không", cô nói trước khi chạy đến chỗ người bạn hóa thân thành gấu Pooh.
Anh Ngọc (Theo AFP)