Một loài khủng long dài 30 m mới phát hiện được đặt tên theo thần Shiva trong Ấn Độ giáo từng lang thang khắp Argentina cùng với các loài megatitanosaur (siêu thằn lằn hộ pháp) cổ dài khác cách đây hơn 90 triệu năm. Nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà cổ sinh vật học María Edith Simón ở Đại học Quốc gia Córdoba mô tả con khủng long khổng lồ với biệt danh "kẻ hủy diệt" cuối năm ngoái từ hóa thạch phát hiện ở miền tây Argentina. Giờ đây, họ làm việc với một họa sĩ để phục dựng hình ảnh của nó, Live Science hôm 19/4 đưa tin.
B. shiva nằm trong số những loài khủng long chân thằn lằn lớn nhất trong lịch sử, với trọng lượng ước tính khoảng 67 tấn, theo nghiên cứu công bố hôm 18/12/2023, trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica. Nó không phải loài khủng long lớn nhất. Danh hiệu đó thuộc về khủng long titanosaur Argentinosaurus nặng ước tính 70 tấn, nhưng B. shiva vẫn là một thành viên to lớn trong hệ sinh thái Argentina cổ đại. Phát hiện về B. shiva ở vùng Bắc Patagonia phía nam Nam Mỹ chứng minh khủng long megatitanosaur nặng trên 55 tấn tiến hóa riêng biệt bên trong nhóm titanosaur.
Một nông dân tên Manuel Bustingorry tìm thấy hóa thạch đầu tiên của B. shiva trên mảnh đất của ông ở tỉnh Neuquén năm 2000. Simón, người phụ trách phòng thí nghiệm và khu vực nghiên cứu ở Bảo tàng khảo cổ học Ernesto Bachmann gần đó, khai quật trang trại năm 2001. Khi nhóm nghiên cứu tới nơi, chiếc xương bị vỡ nhưng trông giống xương chày.
Chiếc xương chân lộ ra chỉ là khởi đầu. Các nhà nghiên cứu tìm thấy bộ xương của ít nhất 4 con khủng long thuộc loài mới, bao gồm một bộ xương tương đối hoàn chỉnh và 3 mẫu vật kém nguyên vẹn hơn. B. shiva đến từ thành hệ đá Huincul 93 - 96 triệu năm (nơi Argentinosaurus cũng được tìm thấy). Tuy nhiên, bộ xương có những đặc điểm không khớp với những loài sauropod đã biết, bao gồm hình chỏm đặc trưng ở xương cánh tay và xương đùi.
Nghiên cứu mới chỉ ra có ít nhất hai dòng dõi khủng long titanosaur khổng lồ là B. shiva và Argentinosaurus cùng tồn tại ở Bắc Patagonia vào giữa kỷ Phấn Trắng (từ 66 đến 145 triệu năm trước) cùng với những loài sauropod nhỏ hơn.
Một sự kiện biến động vào giữa kỷ Phấn Trắng dẫn tới sự tuyệt chủng của nhiều loài như khủng long diplodocoid sauropod và vài loài titanosaur. Các nhà nghiên cứu cần tìm hiểu thêm điều gì đã xảy ra với B. shiva, nhưng một số hậu duệ của nó vẫn sống sót sau biến động và tồn tại tới gần cuối kỷ Phấn Trắng, khi thiên thạch rơi xuống và xóa sổ những loài khủng long không phải chim.
An Khang (Theo Live Science)