Lễ viếng nghệ sĩ diễn ra lúc 14h20 ngày 7/8 tại nhà riêng ở thôn Hàm Hy, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ. Lễ truy điệu diễn ra lúc 20h10 cùng ngày. Anh sẽ được an táng tại Nghĩa trang Nhân dân thôn Hàm Hy.
Nhạc sĩ Quang Long cho biết Trần Văn Xâm giấu bệnh nên bạn bè ít người biết chuyện. Những năm qua, nghệ sĩ vẫn lăn lộn với nhiều show diễn lớn nhỏ, hàng tuần đưa học trò ra phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội, biểu diễn.
"Tiếng đàn của Xâm rất đặc biệt, có chất say, tựa như một người nghiện rượu, trong cơn mê man mà quên hết đất trời. Với tôi, Xâm là quái kiệt đàn nhị", nhạc sĩ Quang Long nói. Nhiều đồng nghiệp như nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa, ca sĩ Thái Thùy Linh cũng gọi Trần Văn Xâm là "quái kiệt" ở bộ môn nghệ thuật cổ truyền.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - nói ấn tượng về Trần Văn Xâm là nghệ sĩ trẻ, tài năng, đam mê âm nhạc. Trong công tác giảng dạy, nghệ sĩ nhiệt tình, trách nhiệm. Lần cuối họ gặp nhau là hồi tháng 6, trong cuộc thi tài năng của trường, Trần Văn Xâm lúc ấy còn đệm đàn piano cho học sinh. Khi thầy Lê Anh Tuấn hỏi thăm sức khỏe, anh trả lời: "Cháu vẫn ổn chú ạ".
"Xâm không có biểu hiện của người mắc bệnh hiểm nghèo, luôn lạc quan, vui vẻ. Tôi thậm chí còn đưa tên cậu vào một số chương trình biểu diễn lớn của trường. Sau đợt thi tốt nghiệp của sinh viên tháng 6, cậu nhập viện trong tháng 7. Vì Xâm giấu bệnh, không ai biết để đến thăm hỏi, động viên, đó là điều chúng tôi tiếc nuối", tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói.
Trần Văn Xâm sinh năm 1984 ở Hải Dương, học sơ cấp tại Học viện Âm nhạc Việt Nam khi mới lên 7. Khi còn sống, anh từng kể mới học được hai tháng, anh đã chơi tốt nhiều bài nhạc thiếu nhi. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh ở lại trường làm giảng viên.
Năm 2012, anh vượt qua hơn 2.000 thí sinh, đoạt giải nhì cuộc thi Đàn nhị quốc tế, tổ chức ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ở vòng chung kết, anh chơi bản Kể chuyện ngày mùa của nhạc sĩ Thao Giang. Ngoài âm nhạc truyền thống, nghệ sĩ chơi đàn nhị theo lối phá cách, giao thoa nhiều dòng nhạc khác.
Năm 2005, anh từng gia nhập ban nhạc Jazz Phương Bắc, trở thành người chơi nhị giữa dàn nhạc hiện đại. Nghệ sĩ cũng làm mới nhiều bản nhạc như Tiếng chày trên sóc Bom Bo (Xuân Hồng), Nổi lửa lên em (Huy Du) với các hiệu ứng độc đáo. Trần Văn Xâm tự thành lập nhóm Nét nhị cầm, chuyên biểu diễn ở phố đi bộ Hồ Gươm và một số tụ điểm.
Đàn nhị là nhạc cụ thuộc bộ dây có cung vĩ, do đàn có hai dây nên được gọi là đàn nhị. Đàn xuất hiện ở Việt Nam khoảng thế kỷ 10, có nhiều tên gọi khác như líu, nhị líu, cò ke, đờn cò.
Nhạc cụ này giữ vai trò quan trọng trong giúp đệm cho bộ môn hát xẩm, là thành phần không thể thiếu trong nhạc phường bát âm, dàn nhã nhạc, ban nhạc chầu văn, tài tử và dàn nhạc tổng hợp. Trong dòng nhạc hiện đại, đàn nhị không được tận dụng nhiều, số lượng người trẻ biết sử dụng loại nhạc cụ này cũng không nhiều.
Hà Thu