Tôi đang ở độ tuổi không già mà cũng không trẻ, 32 tuổi, một vợ hai con đúng tiêu chuẩn nhà nước, việc làm ổn định, lương bổng tương đối. Tính tôi trước giờ luôn chỉn chu, lãnh lương tháng 13 xong là tôi hồ hởi, phấn khởi, nghĩ đến chi tiền quà cáp để biếu ông bà, cha mẹ, thủ trưởng, anh chị em, con cái... của ít lòng nhiều, miễn mọi người vui là tôi hạnh phúc lắm rồi.
Đây là chậu mai bonsai có thế nằm nghiêng độc đáo để ông bà nội ngồi uống trà bên cửa sổ ngắm những mai vàng rực rỡ xen kẽ những búp nụ xanh mướt. Đó là các giỏ quà gồm rượu, bánh, kẹo, cà phê là Tết hai bên nội, ngoại. Chúng sẽ được bày hai bên bàn thờ gia tiên để tăng phần trang trọng. Với anh chị em thì dễ rồi, tôi đưa tiền mặt để mua theo ý thích. Còn bà xã, đưa cô ấy món tiền gấp đôi số tiền đóng góp hàng tháng và dặn đừng quên mấy thùng bia và làm món nhậu để cùng bạn bè chén chú chén anh.
Quà cho thủ trưởng là gì nhỉ? Biếu sếp, phải là cái gì độc và lạ để sếp lưu giữ trong nhà, thứ tầm thường thì quà của mình có khi chu du qua nhà người quen của sếp. Nói là làm, tôi chạy xe lên vùng “ Đất thép thành đồng” Củ Chi tìm đến nhà một “đồng chí” của ông bà tôi khi xưa, ông ấy còn giữ một nghề mà bây giờ đã bị mai một, đó là làm “ Lò rèn": trên đe, dưới búa, có những thứ gần như vô dụng, nhưng dưới bàn tay khéo léo của người thợ thì những đồ sắt thép trở thành những đố tinh xảo và hữu dụng.
Tết này biếu sếp là bình hoa bằng vỏ đạn. Những cái vỏ đạn cũ kỹ từ thời chiến tranh đã được ông ấy thu gom từ nơi bán phế liệu, rồi chế tác thành những bình hoa độc đáo để bán.
Sếp tôi thích thú khi nhận bình hoa bằng vỏ đạn cối cắm thêm những nhánh hoa lan rừng và dây leo phủ xuống thân bình cao. Sếp nói rằng nó là “ đồ cổ” có giá trị về thời gian cách đây mấy chục năm. Tôi cũng làm cho mình một bình hoa tương tự như thế để trong phòng khách. Tôi muốn khách của ba má, bạn bè tôi ở Thành phố đến nhà sẽ thích bình hoa “ đôi mắt mang hình viên đạn” bởi vì nó là vật chứng thời chiến tranh. Tôi sinh ra và lớn lên trong thời bình, học lịch sử và qua những câu chuyện của ông bà nội và ba má tôi kể thì thời đó mặt trận có khi nơi chiến tuyến, vùng ven hay trong thành phố.
Giờ đây, có nhiều cái bình cắm hoa để trang hoàng nhà cửa trông rất hiện đại, nó là những bình gốm men sứ trạm trổ cầu kỳ, là những bình pha lê mài dũa hoa văn phản chiếu lung linh dưới ánh đèn, còn bình cổ chơi Tết của tôi tuy nhìn đơn giản, mộc mạc, nhưng khi xưa nó là thứ “ dữ dội” nhất, ai thấy cũng phải co giò, bịt tai, chạy chết khiếp. Đấy mới là thứ độc đáo.
![img-2475-1423894217-3296-1424063879.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/16/img-2475-1423894217-3296-1424063879.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QK0r7LO5tksj6yyC8qKzWg)
Tết đem đến niềm vui và có khi là nỗi buồn cho những ai xa quê hay gợi nhớ về tháng ngày đã đoàn tụ với người thân yêu mà nay người đó đi xa hay đã khuất. Thế hệ ông bà tôi mỗi độ xuân về là nhớ các chiến hữu đã từng “vui xuân mới không quên nhiệm vụ” ở chiến khu. Ba má và tôi 9X tâm nguyện giữ gìn truyền thống gia đình từ thế hệ trước. Tết là dịp để mọi người làm đẹp nhà cửa, quây quần bên nhau, phong bao lì xì, họp mặt ăn uống, chúc điều may mắn, gắn kết tình cảm yêu thương mọi lứa tuổi. Tuy “già đầu” nhưng tôi vẫn thích và mong nhanh đến Tết.
Đỗ Thị Bích Ngân
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". |