Thứ bảy, 14/12/2024
Thứ sáu, 5/6/2020, 17:42 (GMT+7)

Quá trình 'tiến hóa' của tên lửa và tàu vũ trụ SpaceX

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, công ty SpaceX của Elon Musk từng bước tạo ra tên lửa tái sử dụng có thể hạ cánh ở tàu không người lái giữa biển.

Falcon 1 là tên lửa đầu tiên SpaceX sản xuất, cao 21 m hoạt động nhờ một động cơ, sử dụng oxy lỏng và kerosene. Tên lửa có thể chở 670 kg hàng hóa lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Falcon 1 hoạt động từ năm 2006 đến 2009. Sau 3 lần phóng hỏng, Falcon 1 đưa một hình nộm vào không gian vào ngày 29/9/2008. Trong lần phóng thứ 5 và cuối cùng vào ngày 14/7/2009, tên lửa này đưa vệ tinh quan sát Trái Đất của Malaysia, RazakSAT, lên quỹ đạo.

SpaceX từng cân nhắc phát triển một tên lửa trung gian gọi là Falcon 5, nhưng quyết định bỏ qua và tiến thẳng tới phát triển Falcon 9. Tên lửa này có thể đưa hàng hóa nặng 13.150 kg lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Đây là tên lửa 2 tầng cao 70 m và rộng 3,7 m. Falcon 9 cất cánh lần đầu hôm 7/6/2010 từ Trạm không quân Cape Canaveral ở Florida.

Ngay khi bắt đầu phát triển Falcon 9, SpaceX luôn chú trọng tái sử dụng tầng đẩy thứ nhất của tên lửa để tiết kiệm chi phí phóng. Tuy nhiên, những thử nghiệm hạ cánh ban đầu không thành công. SpaceX đã thử nghiệm với lần phóng thứ 1, 2 và 6 của Falcon 9 để kiểm soát quá trình hạ cánh tầng đẩy, nhưng mỗi lần, bộ phận này đều rơi xuống biển.

SpaceX thực hiện hạ cánh có kiểm soát giữa đại dương trong lần phóng thứ 9 của Falcon 9 vào ngày 18/4/2014. Lần hạ cánh thành công trên mặt đất đầu tiên của Falcon 9 diễn ra vào ngày 21/12/2015 ở Landing Zone 1, bãi đáp của SpaceX tại Trạm không quân Cape Canaveral tại Florida.

Tàu Dragon. SpaceX giữ kín thông tin về 18 tháng đầu tiên phát triển tàu chở hàng Dragon. Tháng 3/2006, công ty công khai mẫu tàu này khi gửi đề án tới chương trình Dịch vụ Vận chuyển Quỹ đạo Thương mại (COTS) của NASA. Mục tiêu cuối cùng là phát triển tàu vũ trụ tư nhân chở hàng lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Tháng 12/2008, NASA chọn SpaceX là một trong những công ty cung cấp dịch vụ thương mại chở vật tư cho ISS với giá trị hợp đồng lúc đó là 1,6 tỷ USD.

Tàu Dragon thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên hôm 8/12/2010 từ Trạm không quân Cape Canaveral. Ngày 22/5/2012, Dragon cất cánh trong thử nghiệm quan trọng để ghép nối với ISS. Tàu tới ISS an toàn hôm 25/5/2012, dù gặp một số trục trặc với hệ thống laser tính khoảng cách. Đây là lần đầu tiên một tàu vũ trụ tư nhân ghép nối với ISS. Sau đó, SpaceX đã nâng cấp tàu chở hàng Dragon không người lái để tái sử dụng thêm ít nhất hai chuyến bay.

Cùng với sự phát triển không ngừng của tàu vũ trụ, tên lửa cũng luôn được SpaceX liên tục cải tiến. Grasshopper là nguyên mẫu tên lửa cao bằng tòa nhà 100 tầng ở cơ sở của SpaceX tại McGregor, Texas, cung cấp thêm kinh nghiệm để công ty hạ cánh tầng đẩy theo phương thẳng đứng. Dù Grasshopper không được chú ý nhiều như các chương trình khác của SpaceX, nguyên mẫu này đóng vai trò quan trọng giúp phát triển tầng đẩy thứ nhất tái sử dụng của Falcon 9. Tên lửa Grasshopper thực hiện 8 chuyến bay từ năm 2012 đến 2013 và bay cao 744 m trong chuyến bay cuối cùng. Sau đó, SpaceX kết thúc chương trình Grasshopper để tập trung nguồn lực phát triển Falcon 9.

Phương tiện phát triển tái sử dụng Falcon 9. SpaceX công bố Phương tiện phát triển tái sử dụng Falcon 9 năm 2012 dựa trên tầng đẩy thứ nhất của Falcon 9. Công ty thực hiện 5 chuyến bay với hệ thống này ở cơ sở tại McGregor từ tháng 4 đến tháng 8/2014, với độ cao tối đa trong một số chuyến bay đạt hơn 1.000 m. Tầng đẩy cuối cùng của hệ thống này phóng vào ngày 22/8/2014 phát nổ do lỗi cảm biến.

Trong ảnh là Landing Zone 1, khu vực hạ cánh trên mặt đất dành cho Falcon 9 ở Trạm không quân Cape Canaveral. Đây là nơi SpaceX cho tên lửa này tiếp đất có kiểm soát lần đầu tiên vào ngày 21/12/2015.

Hạ cánh trên mặt đất. Lần hạ cánh thành công đầu tiên của Falcon 9 là bước ngoặt đối với tái sử dụng tên lửa. Tuy nhiên, SpaceX vẫn tìm cách cải tiến xa hơn. Công ty trải qua nhiều lần hạ cánh thành công và thất bại trong khoảng năm 2014 - 2015. Năm 2015, SpaceX tìm cách hạ cánh tên lửa trên tàu không người lái giữa đại dương. Dù những nỗ lực hạ cánh này luôn thất bại, Musk thường chia sẻ video và ảnh chụp trên tài khoản Twitter và ghi nhận những lỗi gặp phải.

Lần hạ cánh đầu tiên trên tàu không người lái. Sự kiên trì của Musk và cộng sự cuối cùng đã được đền đáp vào ngày 8/4/2016 khi tầng đẩy thứ nhất của Falcon 9 hạ cánh nhẹ nhàng trên tàu không người lái "Of Course I Still Love You" ở Đại Tây Dương. SpaceX còn có một tàu không người lái khác mang tên "Just Read the Instructions" dùng cho hạ cánh ở Thái Bình Dương sau khi phóng tên lửa từ Trạm không quân Vandenberg ở California.

Ảnh: Space