Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngay từ khi xây dựng dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), việc "xin tăng thêm một ngày nghỉ" đã là chủ trương nhất quán của Bộ này.
"Cá nhân tôi cũng như ban soạn thảo đã thai nghén ý tưởng tăng thêm ngày nghỉ cho người lao động. Tuy nhiên, chọn ngày nào thì lại phải bàn. Lúc đầu chúng tôi đưa ra 3 đến 4 phương án như nghỉ vào dịp 30/4, dịp 27/7...", ông Dung nói.
Theo ông Dung, sau khi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố nội dung dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), "báo điện tử VnExpress tổ chức lấy ý kiến độc giả, tôi theo dõi thấy đa số bình luận của bạn đọc ủng hộ thêm ngày nghỉ, nhưng chọn ngày nào thì còn tranh luận".
Qua tổng hợp đợt đầu, Bộ dự kiến chọn ngày 27/7 để trình Quốc hội. "Có thể ý nghĩa của ngày 27/7 - tri ân các anh hùng liệt sĩ và tâm lý muốn có thêm ngày nghỉ nên ngày này được nhiều người ủng hộ. Nhưng đến khi ra Quốc hội, cách nhìn của đại biểu và các tổ chức có trách nhiệm lại khác", ông Dung kể.
Lúc đó, một số đại biểu nói nếu nghỉ thêm một ngày mà vào 27/7 thì không thuyết phục, "vì không cần nghỉ lễ, theo truyền thống chúng ta vẫn tri ân các anh hùng liệt sĩ". Hơn nữa nghỉ lễ vào 27/7 không phù hợp với chủ trương đại đoàn kết trong điều kiện đất nước từng trải qua chiến tranh.
Trước các ý kiến trái chiều, ông Đào Ngọc Dung với tư cách Trưởng ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã tiếp thu theo tinh thần rút đề xuất nghỉ ngày 27/7, nhưng vẫn để ngỏ nghiên cứu tiếp việc tăng thêm một ngày nghỉ cho người lao động.
Sau này có lãnh đạo Quốc hội trao đổi với ông Dung một ngày nghỉ thì ngắn quá, người lao động không kịp giải quyết được việc gì. Nhưng nếu bổ sung một ngày nghỉ lễ vào dịp Quốc khánh để các gia đình có thêm thời gian (cùng với một ngày nghỉ hiện nay) chăm lo, chuẩn bị cho con em bắt đầu năm học mới thì lại rất hay.
Nội dung này được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội và đa số tán thành. Vì vậy, Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội xin nghỉ thêm một ngày dịp lễ vào dịp 2/9. "Đến lúc này tôi thấy quyết định như vậy là hợp lý và được xã hội chấp nhận", ông Dung nói.
Giải thích việc tại sao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không đề xuất nghỉ thêm 2 đến 3 ngày trong năm, vì số ngày nghỉ của Việt Nam đang thấp hơn các nước, ông Dung nói "điều này không phải tự nhiên đặt ra được".
"Tôi cũng rất muốn nghỉ nhiều hơn, nhưng chúng ta phải tính toán ảnh hưởng đến năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập người lao động. Nghỉ nhiều ngày có thể một bộ phận lao động thích, nhưng chưa chắc bộ phận khác đã đồng tình vì nó liên quan đến thu nhập", ông Dung phân tích.
Vì vậy, ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã phải tính kỹ lưỡng, nhiều chiều. "Nghỉ bao nhiêu này phải tính kỹ và tham khảo các bên liên quan chứ không phải chúng tôi tự nghĩ ra và đề xuất cảm tính được", ông Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ngoài 10 ngày nghỉ theo quy định hiện hành (gồm Tết Dương lịch, Tết âm lịch, ngày thống nhất đất nước, Quốc tế lao động, Quốc khánh, Giỗ tổ Hùng Vương), người lao động có thêm một ngày nghỉ vào dịp Quốc khánh. Chính phủ sẽ lựa chọn ngày nghỉ vào 1/9 hoặc 3/9 tuỳ theo lịch từng năm. Quy định này có hiệu lực từ năm 2021.