Hình ảnh cua nhện Nhật Bản lột bỏ lớp vỏ cũ của nó được camera trong thủy cung San Diego Seaworld ghi lại, Mirror hôm 8/2 đưa tin. Trong video, con cua có màu sắc cơ thể tươi tắn hơn dần chui ra từ lớp vỏ cũ qua khe hở ở gần mắt.
Ban đầu, cơ thể mới bị ép chặt để chui qua khe hở với phần chân và càng gập sát vào thân, sau đó mới sải rộng khi con cua thoát hoàn toàn khỏi lớp vỏ cũ. Cơ thể non mềm của nó trông giống như bản sao chính xác của lớp vỏ cũ, chỉ khác về màu sắc.
Cua nhện Nhật Bản là loài cua lớn nhất thế giới và rất dễ nhận biết nhờ cơ thể nhỏ hơn nhiều so với chiều dài chân. Chúng có sải chân lên tới 5,5 mét và độ dài giữa hai càng 3 mét.
Các loài giáp xác có lớp vỏ cứng bên ngoài không thể lớn dần cùng với cơ thể, do đó cách duy nhất để chúng phát triển là bỏ toàn bộ lớp vỏ cũ. Quá trình này gọi là lột xác và thường gặp ở cả loài rắn. Việc lột xác diễn ra đều đặn vài tháng hoặc vài năm một lần.
Cua rất dễ bị tấn công sau khi lột xác do không có lớp vỏ cứng bảo vệ. Chúng cần khoảng một tuần để lớp vỏ mới cứng dần. Cảnh quay ở thủy cung San Diego là bản tua nhanh của quá trình lột xác kéo dài 15 phút.