Krishna Kripalani -
1. Sự phong phú trong đời sống tinh thần là một trong những tiền đề của quá trình hiện đại hóa văn học Ấn Độ
Thành tựu đầu tiên của nó là sự tạo thành những hình thức biểu đạt mới và sự khám phá trong văn xuôi cái phương tiện truyền đạt sống còn của tư tưởng thời kỳ hiện đại. Một vài thể loại mới được đồng hóa vào các thể loại truyền truyền thống của Ấn Độ, như thể thơ không vần, thơ sonnet, tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, v.v. Nhưng quan trọng hơn vấn đề hình thức hay vấn đề cái bình chứa vấn đề cái được chứa hay nội dung chứa bên trong nó. Không phải cái bình đẹp là cái bình có giá trị nếu nội dung chứa trong nó thiếu sự dồi dào, nóng bỏng của tâm hồn. Đó chính là sự phong phú của tinh thần đang căng tràn nhiệt huyết với những kích thích từ phương Tây - yếu tố vốn được coi là người tạo dựng lý tưởng một nền văn học hiện đại Ấn Độ.
Đáng mừng là nội dung về tư tưởng và ý nghĩa dường như không gây ra sự mâu thuẫn đáng kể nào dù cho nó được đựng trong cái bình cũ hay cái bình đi mượn. Thực sự, một vài hình thức văn học phương Tây đó không còn được tán thành ngay trên quê hương của chúng, nhưng trong điều kiện đó, nó lại được ngôn ngữ Ấn Độ chấp nhận. Các truyện hư cấu mang tính lịch sử của Walter Scott là những hình mẫu mà tiểu thuyết Bankim (nhà văn, nhà thơ viết bằng tiếng Bengal của Ấn Độ -ND) thường viện dẫn. Tuy nhiên, những gì Bankim đã làm là kết hợp cả truyền thống và sự đổi mới mạnh mẽ trong các văn bản viết bằng tiếng Bengal tại thời điểm đó. Bankim có đủ dũng cảm để chống lại tính chất chính thống của niềm tin vào sự bảo đảm của bia mộ - một cứu cánh điên khùng chỉ dựa vào cái chết. Nói theo cách khác, công lao của Bankim là đã thắp sáng và đưa những tư tưởng, những hình thức vốn đã trở nên cổ hủ và kiệt sức tại một nước phương Tây nào đó và đưa vào các văn bản bằng tiếng Ấn.
Điều này có thể được minh chứng rõ ràng hơn trong các tác phẩm sử thi của Madhusudan (1824 - 1873, nhà thơ lớn nhất đặt giữa hai nhà thơ lớn của Ấn Độ là Bharatchandra Ray và Rabindranath Tagore, được coi là nhân vật nổi bật nhất trong lịch sử văn học Bengal - ND). Bankim, dù sao đi nữa, đã có nhiều người noi gương và tiếp nối nhưng Madhusudan thì rất hiếm, mà một trong những lý do của nó là sử thi đã không còn phù hợp với không khí và sự cần thiết của thời đại này. Tuy nhiên, nếu nói Madhusudan đã hoàn thành sứ mệnh của mình, thì điều đó là bởi, ông đã biểu đạt một cách phong phú tinh thần cái mới theo cái cách mà có thể ví như sự khuấy tung của một đại dương. Ông đã khám phá và chỉ ra rằng ngôn ngữ Bengal có khả năng với tất cả.
Do yếu tố thời đại cộng với năng khiếu thiên bẩm, Rabindranath Tagore hoàn toàn không giống các bậc tiền bối, và bị đánh giá là có ác cảm với các vị đi trước, nhưng ông đã trả về cho họ món quà rực rỡ này: "Những cải cách táo bạo nhất được tạo thành bởi Michael Madhusudan, người tiên phong trong nền thơ ca Bengal hiện đại. Không có gì có thể là lạ và không quen thuộc với người đọc Bengal hơn là sự xuất hiện của cơn lũ lụt những từ khó mà kêu như a la, với điều mà Michael đã làm cho ngôn ngữ Bengal chao đảo với những đợt sóng ngôn từ... Nhờ có thiên tài khác thường của Madhusudan, phương Đông và phương Tây đã gặp nhau lần đầu tiên trong thơ ca Bengal". (1)
Biểu hiện của sự phong phú về tinh thần này là sự lãng mạn tự nhiên trong cảm xúc và phong thái diễn đạt. Những cú huých đầu tiên trong khám phá thế giới, cùng với năng khiếu riêng của từng người cũng như những cơ hội sẵn có, luôn tạo nên sự sôi động trong đời sống văn học Ấn Độ. Các viễn cảnh không có điểm kết dường như mở ra trước cả trí tưởng tượng và không có giới hạn nào đối với lòng trung thành của con người vào sức mạnh và số phận của anh ta. Iqbal (1877 - 1938, tên đầy đủ Muhammad Ikbal, là nhà thơ nhà triết học Ấn Độ, có ảnh hưởng lớn đối với sự ra đời của bang Muslim độc lập (nay thuộc Pakistan)- ND) nói trong một bài thơ:
Mày tạo ra đêm tối còn Tao tạo ra ánh sáng
Mày tạo ra đất sét còn Tao tạo ra cốc chén
Mày tạo ra sa mạc còn tao tạo ra rừng cây
Tao làm ra vườn cây ăn quả, vườn trồng rau và những khu rừng nhỏ
Đó là Tao người tạo ra thủy tinh từ đất sỏi
Và đó là Tao người chuyển một chất độc thành thuốc giải độc (2)
Cùng với đặc điểm này của chủ nghĩa lãng mạn mở rộng điểm nhìn là một phương diện khác đến từ sự say sưa đối với cái tôi, cái giả định sai lầm; và trong sự cuồng nhiệt ban đầu ấy, người ta xác định, bản ngã và cá nhân là giống hệt nhau. Sự hồ hởi này được thể hiện rõ nhất trong trường hợp của những tác giả vĩ đại vốn luôn khuôn mình tuân thủ các kỷ luật cứng nhắc của Kinh Thánh và Chủ nghĩa tuân thủ xã hội. Tagore thuật lại trong Hồi ký của mình sự thiên khải đột ngột về giá trị của cái tôi như thế nào, rằng Tôi là những gì của chính bản thân tôi (I am what I am), đã có ảnh hưởng đến ông và đương thời trong giới trẻ và đã trích đoạn văn xuôi phổ biến của thời đó:
Trái tim tôi là của tôi
Tôi không bán nó cho ai cả
Nó bị xé vụn, bị giằng co và bị bào mòn
Trái tim tôi là của tôi!
Những câu trên gợi nhắc đến những dòng nổi tiếng hơn của nhà thơ Ghalib viết bằng tiếng Urdu:
Nó là trái tim – không phải là một viên gạch hay hòn sỏi
Tại sao nó sẽ không đổ đầy nỗi đau
Vâng, tôi sẽ khóc thương một nghìn lần
Tại sao một ai đó cần quấy nhiễu tôi
Iqbal thậm chí còn đi xa hơn:
Cho dù một mảnh nhỏ bị thu hẹp từ cơ thể tôi
Tôi sẽ không chấp nhận cuộc sống bất tử với cái giá như vậy
Và tiếp tục:
Nếu như nỗi đau đớn của niềm khát khao trở thành mặt hàng vô giá
Tôi sẽ không đổi loài người thậm chí cho cả ngay thần thánh.
Sự thắng lợi mạnh mẽ, chắc chắn của vũ đài cái Tôi được củng cố bởi những ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn mà bản thân văn học phương Tây đang đi qua hoặc vừa mới đi qua. Ảnh hưởng của tư tưởng phương Tây có kết quả xa hơn, không chỉ trực tiếp liên quan tới văn học.
Sự nhấn mạnh vào nền dân chủ và sự thể hiện cái tôi cá nhân trong nền văn học và thể chế Anh, Pháp và Mỹ không thể không kích động giới trí thức Ấn Độ vốn trung thành với chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước phản ứng lại sự áp chế từ bên ngoài bằng những tìm tòi của họ về các nguồn gốc đáng được đề cao của đất nước, bằng thái độ kiêu hãnh về di sản do tổ tiên để lại. Tiểu thuyết Gora của Tagore đã phân tích một cách có hệ thống về cuộc xung đột rất tự nhiên của sự hồi sinh về văn hóa này, một cuộc xung đột vẫn đeo bám và tô điểm không chỉ nền văn học của chúng ta mà còn hầu hết các phương diện khác của đời sống. Kết quả là đã gây ra tình trạng lưỡng phân tất yếu trong đời sống tinh thần và thỏi độ đạo đức của các tác giả, một vài người nhiệt liệt chào đón sự chuyển động mới này, một vài người thì phẫn nộ.
Do đó, sự cắm rễ bền chắc này đã và đang tạo ra tình hình lưỡng phân mà ở đó các tác giả vừa bâng khuâng nuối tiếc nhìn về quá khứ, và khao khát tha thiết với điều khác lạ trong tương lai. Sự nồng nhiệt của Aurobindo * đối với các giá trị văn hóa Ấn Độ vốn đã nhiều người biết đến, mặc dù ông được giáo dục ở phương Tây, tại các trường học và đại học công lập Anh và gặp nhiều khó khăn khi nói tiếng mẹ đẻ (tiếng Cancutta – ND khi trở về quê hương.
Luôn luôn tồn tại ở hầu khắp các nước và hầu hết thời thời cuộc xung đột giữa cái mới và cái cũ, nhưng, tại Ấn Độ, vì cái mới bị đồng nhất với sự thống trị ngoại quốc và thứ văn hóa xa lạ, nên sự bất đồng này trở nên sâu sắc hơn. Trường hợp của Bankimchandra, vốn được coi là sứ giả của cái mới, nhưng càng về sau lại càng ngoái nhìn về quá khứ với đôi mắt đầy tiếc nuối là một ví dụ. Tilak (1856 – 1920, là nhà nghiên cứu học thuật và nhà thiên văn học vĩ đại của Ấn Độ - chú thích của người dịch) tại Marathi và Bharati tại Tamil thậm chí còn thể hiện lòng tự hào dân tộc một cách ngông cuồng hơn và tạo ra những lớp người ủng hộ ở tại hầu khắp các ngôn ngữ của Ấn Độ. Thơ của Bharati tràn trề sự sùng bái, bợ đỡ kiểu như:
Dãy Himalaya hùng vĩ là của chúng tôi –
Không có nơi nào trên thế giới sánh được
Sông Hằng màu mỡ là của chúng tôi –
Liệu có dòng sông nào trên thế giới có thể
sánh với sự duyên dáng, yêu kiều của nó?
Những tập Upanishad thiêng liêng là của chúng tôi
Có tập kinh nào trên thế giới sánh được với chúng?
Mặt đất đầy ánh nắng và màu mỡ này là của chúng tôi
Nữ thần đất là vô song, hãy để chúng tôi xưng tụng nàng (3)
Ông cũng viết lời tụng ca say mê đối với sự ủy mị kiểu Tilak bằng những vần thơ sau:
Anh là mật ngọt chăm sóc tình yêu đang nhỏ giọt
là hoa mới hé của Thời phục hưng;
Anh là biểu tượng và là sự đảm bảo
cho sự thống nhất dân tộc đang hồi sinh
Được tác động bởi khát vọng mang tính chính trị, niềm tự hào về quá khứ của Ấn Độ ngày càng trở nên rõ nét, và đã cung cấp năng lượng dồi dào cho ý tưởng về tự do của dân tộc. Trong khi phục vụ lợi ích lịch sử, lòng tự hào về quá khứ dân tộc không phải là không có những phương diện có hại như kích động sự thổi phồng lẽ phải và xuyên tạc sự thật lịch sử. Thậm chí một tinh thần giản dị và phổ quát như tinh thần của Mahatma Gandhi cũng đã có lúc ngã dưới những bùa mê của chúng và thành thật thốt đầy cuồng nhiệt về cái gọi là nửa sự thật buồn thảm (under half - truth) rằng người Anh đã phá hủy không chỉ nền kinh tế mà còn trí tuệ, đạo đức và tinh thần dân tộc. (4) Một phản ứng như vậy, tuy nhiên, là không thể tránh được do điều kiện hoàn cảnh và bản thân nó cũng là bài học tiếp thu được từ sự phát triển có hại của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở phương Tây.
Niềm tin đầy lãng mạn của con người vào tương lai, sự quan tâm bất ngờ đối với xứ sở thần tiên của cuộc sống và tự nhiên, sự nhiệt thành đối với ý thức về cái tôi cá nhân và sự khẳng định rõ ràng về các quyền đầy đủ của con người với tư cách là con người - nhân loại, tất cả những điều này là những phương diện khác nhau của những ảnh hưởng mà chủ nghĩa nhân bản phương Tây đem lại cho Ấn Độ. Truyền thống lâu đời của những tìm tòi có phần phóng khoáng về những bí ẩn của đời sống và vũ trụ; và sự chấp nhận khái niệm moksha hay còn gọi là sự tự do như là mục tiêu của sự phấn đấu tinh thần, từ thời đạo Phật và thời Upanishad đến thời thơ ca trung đại với đạo Hồi và đạo Vaishnav, đã mang trong nó những dấu hiệu phong phú của chủ nghĩa nhân bản. Tuy nhiên, tất cả những gì được coi là mới nằm ở sự chú trọng vào đời sống thế tục của chủ nghĩa nhân bản, nó tách khỏi ảnh hưởng của tôn giáo và thờ ơ với những giá trị tinh thần kiểu tôn tôn giáo.
2. Những thay đổi vĩ đại trong nền văn học Ấn Độ
Như vậy, văn học Ấn Độ, từ giai đoạn sơ khai đến giai đoạn hiện đại, cứ từng bước được làm phong phú bởi sức hút nồng hậu của nó đối với tất cả các ngôn ngữ của hầu hết các dân tộc trong cả nước. Những ghi chép mang tính tôn giáo của truyền thống thơ ca Ấn Độ - truyền thống vốn đã đạt được sự cuồng nhiệt và sâu sắc trong cảm hứng dạt dào của các nhà thơ - tu sĩ cổ xưa và các nhà thần bí, nay đã trở nên mờ nhạt cho đến khi hoàn toàn mất hẳn do thúc ép mạnh mẽ của nỗi đau và niềm khát khao trần tục. Gitanjali là tiếng hát vĩ đại của truyền thống này. Nội dung mộ đạo của tập thơ nhanh chóng được thay thế bởi nội dung chính trị, nội dung thiên về luân lý đạo đức được thay bằng ý thức hệ, giai điệu buồn thương ai oán được thay thế bởi tiếng thách thức ồn ào, cho đến khi vai trò nổi trội của văn phong Ấn Độ đương thời ấy là đối tượng của sự phản đối và những lời chế nhạo.
Ảnh hưởng của Tagore, sau giải thưởng Nobel năm 1913, vượt qua biên giới Bengal và trong một khoảng thời gian được coi là cội nguồn của niềm khao khát mới nếu không nói là luôn luôn truyền cảm hứng thời đại trên toàn Ấn Độ, từ người thầy giáo Zinda Kaul ở Kashmia đến Kumaran Asan ở Kerala. Thật hiếm có nhà thơ, nhà văn nào được coi là người đặt nền móng cho thơ ca hiện đại Ấn Độ ở tất cả các ngôn ngữ, trừ Urdura, lại không chịu tác động của Tagore. Những ảnh hưởng về văn học này, tuy nhiên, đã kém sâu sắc hơn, kể từ khi hầu hết người hâm mộ không biết tiếng Bengali của Tagore mà chỉ biết tác phẩm của ông qua bản dịch tiếng Anh. Ảnh hưởng của Tagore sẽ có ý nghĩa hơn trong trường hợp những nhà thơ trẻ tiếp xúc với bản thảo đầu tiên của ông. Sự di chuyển của phong trào lãng mạn vào trong thơ ca Hindi, được dẫn dắt bởi các dịch giả nổi tiếng như Nirala, Pant..., vốn có vai trò như là nguồn khuyến khích hiệu quả cho sự phát triển của văn học Ấn Độ hiện đại, phần nào được truyền cảm hứng từ Tagore.
Nói một cách tổng quát, ảnh hưởng chủ yếu của Tagore bên ngoài khu vực ngôn ngữ Bengal là không trực tiếp. Ông mang niềm tin đến cho các tác giả Ấn Độ và khuyến khích họ tin vào ngôn ngữ và nguồn tri thức dân tộc. Tất cả những gì được làm trong một ngôn ngữ Ấn Độ có thể được làm trong bất cứ ngôn ngữ nào khác. Niềm tin sáng tạo này cùng với sự truyền cảm hứng của ông tới các tác giả phải viết bằng ngôn ngữ của chính họ, lấy nguồn dinh dưỡng từ chính cội nguồn của họ là những cống hiến vĩ đại nhất của Tagore cho văn học Ấn Độ. Tất nhiên, không phải lúc nào Tagore cũng tạo ra những ảnh hưởng như vậy, nhưng dù sao ông cũng xứng đáng được đánh giá như vậy.
( Còn nữa)
Phạm Phương Chi trích dịch
Nguồn: Krishna Kripalani. Literature of Modern India a panoramic glimpse (Một cái nhìn tổng quan về văn học Ấn Độ hiện đại). National Book Trust, India, 1982.
----------------------------
Chú thích:
*Aurobindo (1872 – 1950): Nhà thơ, nhà tư tưởng Ấn Độ, nổi tiếng với câu nói: "Một người không cần rời bỏ trái đất để tìm Sự thật, một người không cần rời bỏ cuộc sống để đi tìm linh hồn, một người không cần ruồng bỏ thế giới hay chỉ cần có một niềm tin giới hạn để bước tới quan hệ với Đấng tối cao. Đấng tối cao có ở khắp mọi nơi, trong mọi thứ và Đấng vĩnh hằng chưa hiển hiện là bởi vì chúng ta chưa cố gắng để khám phá ra Người" (One need not leave the earth to find the Truth, one need not leave the life to find his soul, one need not abandon the world or have only limited beliefs to enter into relation with the Divine. The Divine is everywhere, in everything and if He is hidden, it is because we do not take the trouble to discover Him). - ND.
(1) Trích trong Adhunik Bangla Kabita, Rabindranath Tagore, Kabi O Kabita, tập 1, số 1, Cacutta. Bản dịch tiếng Anh (của phần trích dẫn) là của TS. Lokenath Bhattacharya.
(2) Trích trong Iqbal: Nghệ thuật và tư tưởng, Syed Abdul Vahid, Lahore, 1944
(3) Prema, S., Bharati in English Verse, Madras, 1958.
(4) Thái độ của Tagore, ở một nghĩa nào đó, rất khác với Gandhi. Ông cho rằng sự cường tráng của hệ thống tư tưởng Ấn Độ phụ thuộc vào chất lượng sự đồng hóa các ảnh hưởng từ bên ngoài. Điều này được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Bài thơ nổi tiếng của ông, Bharat - tirtha, xuất bản lần đầu trong tập Gitanjali (nhà xuất bản Bengali), 1910, là sự gọi lên truyền thống này của đất nước Ấn Độ, và kết thúc bằng những dòng đáng ghi nhớ sau:
Đến đây, người Aryan, đến đây không phải người Aryan,
người theo đạo Hindu, người theo đạo Hồi, đến đây
đến đây, người Anh, người thuộc đạo Cơ đốc, xin chào đón tất cả
đến đây người thuộc đẳng cấp Bramin, tẩy rửa tâm hồn bạn
và hãy xiết chặt tay với tất cả
đến đây, những người bị xã hội ruồng bỏ, đến đây những
người thuộc tầng lớp tiện dân, hãy chạy tung phấp phới.
vứt bỏ sự xấu hổ
đến đây, một và tất cả,...
để hòa chung với biển này rộng lớn không cùng của loài người
đó là đất nước Ấn Độ