Trung Quốc có 21 lò phản ứng hạt nhân đang trong quá trình xây dựng, có tổng công suất hơn 21 gigawatt điện, theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Con số đó cao gấp 2,5 lần số lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng ở bất kỳ nước nào khác. Ấn Độ có số lượng lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng lớn thứ hai với 8 lò, có thể sản xuất hơn 6 gigawatt điện. Vị trí thứ ba thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ với 4 lò và tổng công suất dự kiến là 4,5 gigawatt, theo CNBC. (Một gigawatt điện đủ cung cấp cho thành phố cỡ vừa).
"Trên thực tế, Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về công nghệ hạt nhân hiện tại", Jacopo Buongiorno, giáo sư khoa học và kỹ thuật hạt nhân ở Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định. Kenneth Luongo, chủ tịch kiêm nhà sáng lập Partnership for Global Security, tổ chức phi lợi nhuận về chính sách năng lượng, hạt nhân và an ninh xuyên quốc gia, cũng chung ý kiến với Buongiorno. Xét về số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động, Trung Quốc xếp thứ 3 trên thế giới với 55 lò và công suất hơn 53 gigawatt.
Nhu cầu về điện xuất phát từ nhu cầu, vì vậy những lò phản ứng hạt nhân mới thường được xây ở nơi các nền kinh tế phát triển nhanh cần điện để phục vụ tăng trưởng. Trong khi hơn 70% công suất hạt nhân hiện nay nằm ở những nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gần 75% lò phản ứng hạt nhân đang xây dựng nằm ở các nước không thuộc OECD, 1/2 trong số đó nằm ở Trung Quốc, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc phát triển dẫn tới sản lượng điện cũng tăng theo. Tổng sản lượng điện của Trung Quốc đạt 7.600 terawatt giờ năm 2020, tăng mạnh từ mốc 1.280 terawatt giờ năm 2000, theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ. Hiện nay, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 5% tổng lượng điện sản xuất ở nước này, than đá vẫn chiếm khoảng 2/3, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Nhưng việc sử dụng than đá để đáp ứng nhu cầu điện tăng vọt của Trung Quốc đi kèm vấn đề ô nhiễm không khí. Sản xuất điện hạt nhân không giải phóng khí nhà kính góp phần gây ô nhiễm không khí và ấm lên toàn cầu, vì vậy Trung Quốc chuyển sang năng lượng hạt nhân như một cách sản xuất năng lượng sạch nhanh chóng.
Trung Quốc khởi động chương trình hạt nhân bằng cách mua lò phản ứng từ Pháp, Mỹ và Nga, sau đó chế tạo lò phản ứng riêng mang tên Hualong (hợp tác với Pháp). Một nguyên nhân giúp Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu về năng lượng hạt nhân là sự hỗ trợ từ chính phủ cho phép xây dựng nhiều lò phản ứng với chi phí thấp hơn.
Trung Quốc liên tục cải tiến các thiết bị điện hạt nhân then chốt do nước này tự phát triển, đẩy mạnh năng lực sản xuất thiết bị điện hạt nhân và khả năng đảm bảo chuỗi công nghiệp liên quan. Họ cũng phát triển khả năng cung cấp bộ thiết bị điện hạt nhân hoàn chỉnh cho các lò phản ứng nước áp suất (PWR) với công suất một triệu kW. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất 54 bộ thiết bị điện hạt nhân, đạt mức cao mới trong 5 năm qua.
"Hơn 90% lò phản ứng điện hạt nhân lớn của Trung Quốc hiện được sản xuất trong nước. Trình độ công nghệ xây dựng kỹ thuật điện hạt nhân của Trung Quốc duy trì thứ hạng quốc tế tốt, với khả năng xây hơn 40 tổ máy điện hạt nhân cùng lúc", Zhang Tingke, tổng thư ký của Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CNEA), cho biết.
Tính đến năm 2030, Trung Quốc dự kiến dẫn đầu thế giới về công suất lắp đặt điện hạt nhân. Theo CNEA, sản lượng điện hạt nhân của nước này dự kiến chiếm 10% tổng sản lượng điện vào năm 2035, giúp nâng cao tầm quan trọng của điện hạt nhân trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, qua đó thúc đẩy chuyển đổi sang cơ cấu năng lượng ít carbon.
An Khang (Tổng hợp)