Nhiều năm qua, giới công nghệ chứng kiến cuộc chạy đua không ngừng giữa các hãng sản xuất để nâng cao megapixel hay còn gọi là số "chấm" trên camera của smartphone.
Đây là thông số thật sự quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của bức ảnh, tuy nhiên không phải là yếu tố quyết định tất cả. Ngoài megapixel, ảnh chụp từ điện thoại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác gồm khẩu độ (f) ống kính, kích thước cảm biến, thuật toán xử lý hay khả năng của người chụp.
Trong các thông số trên, hiện tại khẩu độ ống kính nhận sự quan tâm hàng đầu. Đây là tiêu chí quan trọng giúp kiểm soát nguồn ánh sáng đi vào máy ảnh, vừa hữu ích trong việc làm chủ độ sâu trường ảnh (DOF). Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc chụp ảnh vào ban đêm, trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc khi chụp chân dung, cận cảnh (marco, close-up). Chẳng hạn với 2 smartphone cùng cấu hình, thiết bị nào có khẩu độ lớn hơn (chỉ số f nhỏ hơn, như khẩu độ f/1.9 sẽ lớn hơn khẩu độ f/2.0 và f/2.2), ảnh chụp thu được sẽ sáng hơn, nhất là khi chụp trong nhà hoặc lúc trời tối.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của các tính năng phụ trợ đi kèm, có khả năng giải quyết rắc rối của người dùng trong một số trường hợp. Ví dụ trong trường hợp muốn chụp chiếc xe đang chuyển động nhanh trên đường hoặc bắt khoảnh khắc hồn nhiên của một em bé đang chơi đùa. Lúc này, nếu không có sự trợ giúp của công nghệ chống rung tích hợp, một chiếc camera thông thường của smartphone khó lòng mà đáp ứng nhu cầu đó.
Ngoài ra, dù nhỏ nhưng không kém phần quan trọng đó là cảm hứng và sự tiện lợi mà thiết bị mang lại cho chủ sở hữu. Một chiếc smartphone có tốc độ lấy nét quá chậm, thời gian khởi động quá lâu hoặc rườm rà trong việc tinh chỉnh sẽ làm giảm cảm xúc trong việc chụp ảnh. Một thiết bị chụp ảnh đêm quá yếu không đủ khả năng ghi lại những khoảnh khắc diễn ra rất nhanh trong cuộc sống, selfie trong quán bar hay ghi lại cảnh dòng xe chạy hối hả trên đường vào lúc chiều tà…
Ở phân khúc smartphone chụp ảnh tầm trung hoặc cận cao cấp, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, đa dạng về cả mẫu mã lẫn nhà sản xuất. Đơn cử Samsung tung ra dòng Galaxy A (2016) trang bị camera độ phân giải lớn cùng khẩu độ lớn f/1.9 cho cả camera trước và sau kèm theo công nghệ chống rung quang học OIS tiên tiến. Sản phẩm này cho khả năng chụp ảnh tốt không thua kém những thiết bị cao cấp, được người dùng đón nhận với mức tăng trưởng bình quân 50% so với những phiên bản cùng phân khúc của hãng r mắt trước đó.
Với Galaxy A (2016), ảnh chụp không chỉ đẹp vào ban ngày mà người dùng còn có thể tạo ra những bức ảnh đêm rực rỡ sắc màu với độ chi tiết cao. Khẩu độ f/1.9 còn cho phép việc xử lý các đối tượng chuyển động với tốc độ nhanh và giảm thiểu yếu tố rung, nhiễu (noise) của bức hình.
Khẩu độ f/1.9 giúp chụp chân dung và chế độ cận cảnh xóa phông đẹp hơn. Khi đó, bức hình chụp lên sẽ có phông nền mờ, tách biệt giữa chủ thể và hậu cảnh như khi chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp. Thậm chí, người dùng có thể tận dụng ưu điểm này để selfie trong điều kiện thiếu sáng không đèn flash.
Bên cạnh đó, dòng Galaxy A (2016) còn mang đến cho giới trẻ loạt hỗ trợ nâng cao cho nhu cầu chụp ảnh "tự sướng", từ chụp ảnh nhanh chóng nhờ Palm Selfie, không bỏ lỡ các khung cảnh phía sau do góc chụp selfie rộng hơn với Wide Selfie cho đến bộ hiệu ứng làm đẹp Beauty Effects được tích hợp sẵn.
Máy còn tạo sự tiện lợi khi người dùng có thể dễ dàng kích hoạt nhanh camera trong chưa đầy một giây bằng cách nhấn đúp vào nút Home, cho phép bắt trọn mọi khoảnh khắc yêu thích trong cuộc sống. Tính năng này tuy đơn giản nhưng lại góp phần nâng cao trải nghiệm người dùng, nơi một chiếc camera không chỉ mạnh mà còn phải nhanh và dễ sử dụng.
Galaxy A (2016) tích hợp đầy đủ các yếu tố cần có trên một chiếc smartphone chụp ảnh tốt, từ chất lượng phần cứng, khẩu độ ống kính cho đến phần mềm và cảm hứng chụp ảnh mà thiết bị mang lại. Máy giúp việc chụp ảnh trên một chiếc smartphone tầm trung trở nên dễ dàng hơn, đưa trải nghiệm tiệm cận phân khúc cao cấp.
Minh Trí