Cây sa kê - mọc rất nhiều ở các nước nhiệt đới và nam Thái Bình Dương - từ lâu đã trở thành nguồn thực phẩm quan trọng đối với các cộng đồng bản địa. Quả của chúng có thể được ăn trực tiếp khi chín, hoặc sấy khô để nghiền thành bột, hoặc chế biến thành các loại thức ăn khác nhau.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí PLOS ONE, các chuyên gia từ Đại học British Columbia (UBC) của Canada đã tập trung đánh giá xem một chế độ ăn gồm chủ yếu bột sa kê có tác động như thế nào tới sức khỏe và hệ tiêu hóa của con người và động vật.
"Nghiên cứu chi tiết và có hệ thống về tác động tới sức khỏe của chế độ ăn nhiều sa kê chưa từng được thực hiện trước đây. Chúng tôi muốn đóng góp vào sự phát triển của chúng, biến chúng trở thành một loại cây trồng bền vững, năng suất cao và thân thiện với môi trường", tác giả chính của nghiên cứu Ying Liu cho biết.
Liu cùng các cộng sự đã thu thập 4 quả sa kê từ cùng một cây ở Hawaii và đưa chúng đến Phòng thí nghiệm Murch tại UBC để tiến hành một loạt nghiên cứu. Họ lựa chọn chuột để thử nghiệm chế độ ăn kiêng đặc biệt được xây dựng dựa trên thực phẩm chính là bột sa kê.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy loại trái cây này có chỉ số đường huyết thấp, có thể so sánh với nhiều loại lương thực phổ biến như lúa mì, sắn, khoai lang và khoai tây. Bên cạnh đó, protein trong sa kê dễ tiêu hóa hơn so với protein trong lúa mì.
Sau thời gian thử nghiệm kéo dài ba tuần, những con chuột được cho ăn chế độ nhiều bột sa kê có tốc độ phát triển nhanh hơn, đạt trọng lượng cơ thể cao hơn và tiêu thụ nước hàng ngày nhiều hơn đáng kể so với những con chuột ăn theo chế độ nhiều lúa mì tiêu chuẩn. Tuy nhiên, thành phần cơ thể giữa chúng là tương tự nhau.
"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy chế độ ăn nhiều bột sa kê không có bất kỳ tác động độc hại nào tới sức khỏe. Hiểu biết này là điều cần thiết và bắt buộc để thiết lập quả sa kê như một nguồn thực phẩm chính hoặc thực phẩm chức năng trong tương lai", Liu nhấn mạnh.
Nhóm nghiên cứu tin rằng quả sa kê là thực phẩm bổ dưỡng và bền vững, có thể cải thiện vấn đề an ninh lương thực trên toàn cầu. Ví dụ, mức tiêu thụ ngũ cốc trên đầu người ở Mỹ là 189 gram mỗi ngày. Nếu thay thế bằng một lượng bột sa kê tương đương, nó có thể đáp ứng gần 57% nhu cầu chất xơ, hơn 34% nhu cầu protein, đồng thời cung cấp vitamin C và các khoáng chất cần thiết như kali, sắt, canxi và phốt pho.
"Nhìn chung, nghiên cứu của chúng tôi ủng hộ việc sử dụng quả sa kê như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh. Bột được sản xuất từ loại trái cây này là một lựa chọn giàu dinh dưỡng, không chứa gluten, có chỉ số đường huyết thấp và đủ protein cho các món ăn hiện đại", Liu chia sẻ thêm.
Đoàn Dương (Theo Science Daily)