- Thưa ông, sau vụ cháy ITC, nhiều người cho rằng lực lượng cảnh sát PCCC thành phố vẫn chưa nỗ lực hết mình trong việc cứu người bị nạn?
- Lãnh đạo Cảnh cảnh sát PCCC đã trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ hỏa hoạn này. Theo đó, đúng 13h45' ngày 29/10, bộ phận trực ở đơn vị PCCC trung tâm thành phố đóng tại 258 Trần Hưng Đạo nhận được tin báo. Qua làm việc với công an sau đó, ông Hoà, chủ cửa hàng sắt, cũng xác nhận thời gian phát cháy tại ITC vào lúc 13h30'. Ngoài ra, căn cứ theo vị trí kim đồng hồ dừng lại của một nạn nhân nhảy từ toà nhà xuống, người đó bị nạn lúc 13h34', nghĩa là đám cháy đã bùng lên rất nhanh từ trước khi có tin báo đến cảnh sát. Có nghĩa là thời gian cháy tự do đã diễn ra ít nhất 15 phút.
Ngay sau đó, cảnh sát PCCC TP HCM đã điều 19 xe chữa cháy các loại đến hiện trường, rồi liên tục tăng cường lực lượng từ các đội khác trong thành phố. Tổng số chúng tôi đã huy động ngày hôm đó gần 55 xe cứu hỏa trực tiếp phun nước, 9 xe phục vụ chữa cháy (gồm 2 xe trạm bơm, 3 xe thang, 2 xe ánh sáng, 2 xe vòi).
Tuy nhiên, trong số 101 xe các loại của Cảnh sát PCCC Công an TP HCM, chúng tôi thừa nhận có tới 68 xe đã sử dụng từ 12 năm trở lên, chủ yếu là do Liên Xô (cũ) sản xuất. Nếu theo tiêu chuẩn như của Nhật Bản, xe chạy 10 năm phải thanh lý thì Phòng cảnh sát PCCC có tới 79 xe, chiếm quá nửa số xe hiện có. Chúng tôi có 3 xe thang, trong đó có 1 xe từ trước giải phóng để lại. Đúng lý mà nói, xe chữa cháy như thế là đã vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bởi vì ngay ôtô dân dụng cũng không được phép đến mức quá đát như vậy.
Tuy nhiên, trong tình trạng phương tiện, thiết bị như vậy, chúng tôi vẫn nỗ lực hết mình để dập lửa, cứu bà con bị nạn. Trong 450 cán bộ, nhân viên được huy động tham gia chữa cháy, có nhiều người vẫn mặc nguyên thường phục. Họ là anh em đang trong thời gian nghỉ phép, ngoài ca trực...
- Vì sao những phương tiện phục vụ cứu hỏa như mặt nạ phòng độc, quần áo chống nóng... lại thiếu và không được sử dụng. Trong khi năm 2001, TP HCM đã chi 1,5 triệu USD hỗ trợ công an (gồm cả lực lượng PCCC), riêng tài khoá 2002-2003 tiếp tục hỗ trợ 70 tỷ đồng?
- Thật ra, quần áo chống nóng chỉ có tác dụng khi lính cứu hỏa nhảy qua hoặc di chuyển nhanh qua lửa. Còn trong trường hợp lửa dữ dội như ở ITC, quần áo chống nóng không thể chịu được. Chúng tôi quyết định dập lửa xung quanh và tập trung chữa cháy ở tầng thấp (tầng 1-2), nhờ thế nhiều người đã được cứu. Riêng với lính cứu hoả, nếu sử dụng quần áo chống nóng trên thang sẽ rất khó thao tác.
Về số tiền TP HCM hỗ trợ công an, trong đó có phần hỗ trợ PCCC là rất đáng quý. Tuy nhiên, các thiết bị chữa cháy hiện nay phải mua từ nước ngoài rất đắt, riêng một chiếc xe thang 72 m của cảnh sát PCCC thành phố (cao nhất Việt Nam) trị giá tới 1 triệu USD, chưa kể đến đầu tư mua xe phun nước, xe trạm bơm... Vừa qua, nhờ có dự án của Chính phủ Áo cho vay ưu đãi (tổng kinh phí 80 tỷ đồng), chúng tôi mới được trang bị thêm 22 xe chữa cháy và 6 xe trạm bơm. Riêng TP HCM được phân bổ một xe mới loại này, còn số tiền thành phố hỗ trợ sẽ được dùng để lập thêm 5 đội cảnh sát PCCC.
Năm 2001, Nhà nước đầu tư 2 tỷ đồng cho lực lượng PCCC, năm 2002 là 3 tỷ đồng... Số tiền đầu tư không lớn nếu căn cứ theo giá thành các thiết bị chữa cháy. Theo tính toán của chúng tôi, với tốc độ phát triển của xã hội hiện nay, đến năm 2005, lực lượng PCCC cần trang bị ít nhất 2.600 đầu xe các loại (trung bình 3 xe/đội), tổng kinh phí ước tính 8.000 tỷ đồng. Tốt nhất phần đầu tư này được đưa vào tiêu chuẩn (phần ngân sách dành riêng cho PCCC), không nên để mỗi khi xảy ra cháy rồi mới lo rót tiền.
- Vậy còn những biện pháp "cấp thời" như lưới, đệm cứu hộ... nhằm giảm thương vong khi có những nạn nhân nhảy từ lầu cao xuống?
- Chúng tôi đã tính đến phương án đó. Nhưng thực tế khu vực có thể nhảy xuống lại một phần bị vướng hệ thống đường dây điện, điện thoại chằng chịt, phần khác vướng khu vực lợp mái tôn. Chúng tôi buộc phải huy động các xe thang cao 52 m và 32 m chốt ở một số điểm và đã đưa được nhiều người xuống theo lối này. Nhưng cũng có những nạn nhân mắc kẹt trong toà nhà vì nhiều lý do, trong đó có trường hợp một công ty Mỹ sử dụng khoá số, khi điện bị cúp không có cách nào mở cửa để người thoát ra ngoài.
- Trong vụ cháy ITC, lãnh đạo TP HCM đã có ý kiến huy động máy bay trực thăng để cứu nạn. Vậy tại sao máy bay không đến?
- Trong các phương án cứu hỏa đã có tính đến dùng máy bay trực thăng. Nhưng Cục lại chưa có máy bay cứu hỏa chuyên dụng, có lẽ do chi phí của máy bay quá lớn. Mặc khác, toà nhà ITC thiết kế chỉ có một khoảng 5-6 m2 trên sân thượng, phần còn lại là mái tôn, nên rất khó tập trung người.
Ban chỉ huy PCCC của công an TP HCM đã đề xuất UBND thành phố huy động máy bay trực thăng nhằm cố gắng giải cứu người bị nạn kẹt ở tầng trên, rất tiếc máy bay không đến vì một lý do nào đó.
- Như vậy, trách nhiệm này thuộc về cơ quan nào?
- Tôi không rõ. Điều này phải hỏi lại bên quân đội và thành phố vì bản thân chúng tôi không có máy bay.
- Trước vụ cháy, việc kiểm tra an toàn PCCC ở ITC được tiến hành như thế nào?
- Toà nhà ITC được xây dựng từ trước giải phóng, các điều kiện về PCCC không đảm bảo. Ngày 3/6, Phòng cảnh sát PCCC (Công an TP HCM) đã gửi công văn số 457 tới ITC yêu cầu tuân thủ các điều kiện phòng cháy. Tuy nhiên, kiến nghị của cảnh sát đã bị người ta phớt lờ với lý do thiếu... kinh phí. Bên trong toà nhà này thỉnh thoảng diễn ra việc cải tạo, sửa chữa có liên quan đến PCCC (như trường hợp cải tạo vũ trường Blue), nhưng chúng tôi không hề được thông báo. Theo nghị định của Chính phủ, cảnh sát PCCC chỉ được vào đơn vị kiểm tra một lần trong một năm, do vậy có khi đoàn kiểm tra vừa ra, đơn vị có vi phạm cũng không làm gì được.
TP HCM hiện có 461 chung cư cao tầng xây từ thời chế độ cũ và chừng 80 cao ốc từ 12 tầng trở lên. Ngay sau vụ cháy ITC, chúng tôi đã đề nghị tổng kiểm tra an toàn PCCC trên toàn thành phố, thực hiện xong trong tháng 11 này. Đối với những nơi tập trung đông người, các cao ốc, chung cư cao tầng, giải pháp chúng tôi kiến nghị là phải trang bị ống tụt (hiện nay chỉ khách sạn Daewoo có), thang dây và dây tự cứu, giỏ thả người (để đưa phụ nữ, trẻ em từ lầu cao thoát xuống bằng ống ròng rọc), khu vực lánh nạn trong toà nhà, mặt nạ... Ngoài ra, những toà nhà chưa đảm bảo điều kiện PCCC phải cải tạo cầu thang (đưa ra phía ngoài), sân thượng...
Chưa có trực thăng cứu hoả, cứu hộ ở Việt Nam Đại tá Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Phòng tuyên huấn quân chủng, Bộ Tư lệnh phòng không không quân, cho biết quân đội hiện có rất nhiều máy bay trực thăng làm công tác canh giữ vùng trời, vận tải quân sự, du lịch, thăm dò dầu khí, tuần tiễu tàu ngầm... Khi có sự cố xảy ra, nếu được lệnh của Chính phủ và Bộ Quốc phòng thì phòng không không quân sẽ tham gia giải quyết bằng cách chuyển đổi các chức năng sang tìm kiếm cứu hộ (lũ lụt, động đất...) hay cấp cứu y tế... Ngay cả trong vụ cháy rừng U Minh Thượng vào đầu năm 2002, nhân viên tham gia đã phải gắn hệ thống xịt khí vào để xịt, nhưng cũng rất hạn chế vì không chuyên dùng. Theo đại tá Sơn, trong trường hợp cháy rừng trực thăng vẫn có thể tham gia cứu chữa. Thế nhưng để chữa cháy trên các toà nhà cao ốc thì trực thăng của quân đội hoàn toàn không thể làm được. Ông Vũ Ngọc Đỉnh, Giám đốc Công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), cũng cho biết từ trước đến nay dường như trực thăng cứu hỏa không có trong danh sách các loại trực thăng cần có ở Việt Nam. Theo ông, bây giờ người ta mới nghĩ đến chuyện trang bị trực thăng cứu hỏa là đã muộn, song muộn còn hơn không. Vì không chỉ trong trường hợp cháy cao ốc mà những tình huống khác như cứu hộ trên biển, sự cố tràn dầu, cháy rừng, động đất, lũ lụt... luôn cần đến những trực thăng chuyên dùng. |
(Theo Tuổi Trẻ)