Gần ngũ tuần nhưng thật không dễ để nhận ra điều đó bởi chị trẻ hơn tuổi nhiều, ăn nói có duyên và cởi mở.
Vốn sinh ra trong một gia đình đông anh em, từ nhỏ chị đã bươn chải cùng gia đình để mưu sinh. Thấm thoát mấy chục năm trôi qua, các anh em bây giờ đều có cuộc sống khá giả cả, phần chị cũng tạo cho mình một nơi làm ăn và thu nhập khá ổn định, đời sống vật chất không còn là gánh nặng. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn chị là một khoảng mênh mông của sự cô đơn.
"Lúc trước, bao người đeo đuổi nhưng mình cứ chối từ, phần do cuộc sống khó khăn, phần vì chị cũng chưa muốn nghĩ đến chuyện ấy," chị Thủy chia sẻ.
Chị nghĩ lo cuộc sống cho mọi người trong gia đình là hạnh phúc rồi. Người phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn với cuộc sống hiện tại và lảng đi chuyện duyên nợ dù lắm khi nhìn lại cũng buồn tủi. Vài năm gần đây có một người đàn ông trạc tứ tuần hay qua lại với chị. Người ấy thương chị và chị cũng thương người ta. Nhưng khi anh ngỏ lời góp gạo thổi cơm chung thì chị chao lòng rồi từ chối.
Người ấy có một đứa con riêng năm nay 10 tuổi, kinh tế cũng ổn định và thật sự chị cảm thấy ưng thuận. Song vì vấn để tuổi tác mà chị rất ngượng ngùng và tìm cách né tránh: "Ai sinh ra trên đường cũng có đôi có cặp mà đi hết kiếp người, những người như tôi chắc không nhiều. Mỗi người mỗi người cảnh, có lẽ số phận đơn bóng hợp với tôi hay sao ấy".
Chị Nga đã tạo dựng được một cơ ngơi, tiết kiệm tiền đủ sống về sau nên e ngại sự xáo trộn cuộc sống nếu lập gia đình. Ảnh: Quốc Bảo |
Chị Nga, ngụ ở đường Thiên Phước quận Tân Bình, cũng có hoàn cảnh tương tự. Năm nay chị bước sang tuổi 52 nhưng vẫn trung thành với cuộc sống độc thân. Quê ở Quảng Ngãi, vào Sài Gòn lập nghiệp đã ngót 20 năm, hiện giờ chị đã có một cơ ngơi khá khang trang, số tiền tiết kiệm được cũng đủ sống hết quãng đời còn lại.
Chị tâm sự, thật không dễ để sống độc thân nhưng lại cảm thấy sự bình yên và không đòi hỏi gì thêm. Gần 20 năm bán vé số, chị gửi tiết kiệm ngân hàng được gần 500 triệu và cũng có ngôi nhà rồi, chị đi làm xa thì nhà ở quê cũng gửi người thân trông hộ. Hiện tại chị thuê một căn phòng ở Sài Gòn để ở và đi làm. Hằng tháng trừ tiền ăn uống và nhà trọ, chị tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng.
Cũng nhiều người đàn ông trạc tuổi và sống đơn thân muốn góp gạo thổi cơm chung làm nên một tổ ấm, nhưng người phụ nữ này từ tốn khước từ. "Những phụ nữ sống như chị cũng bất công - chị chia sẻ - nhưng cái mệnh nó vận vào mình thì nhận lấy thôi, đôi lúc muốn thay đổi nhưng không vượt qua được".
"Chị không muốn có sự xáo trộn gì cho cuộc sống, đã đi đến đây ngần này tuổi thì bước tiếp một mình cũng không đến nỗi".
Chị Hằng làm nhân viên một công ty có trụ sở tại quận 1, cũng ngại ngùng khi có người hỏi tới chuyện chồng con. Năm nay đã ngoài bốn mươi nhưng chị vẫn chưa lập gia đình. Khi còn trẻ có nhiều người theo đuổi nhưng chị đều từ chối.
Quen với cuộc sống độc thân, chị thấy thật khó khăn và không biết cuộc sống sẽ như thế nào khi có gia đình. Chị tâm sự: "Thật lòng là bây giờ chị cũng muốn có một gia đình mà sao thấy khó quá".
Chị bảo: "Đối tượng thì có nhưng cái khó bây giờ chính là sợ sự dị nghị của dư luận. Bao nhiêu năm sống thế nào có sao đâu, giờ mà có chồng tôi sợ tai tiếng và xấu hổ lắm".
Theo Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, chuyên gia tư vấn Trung tâm tâm lý Hồn Việt: "Một điều chắc chắn là phụ nữ tuổi sau 40 vẫn có những khao khát về hạnh phúc nhưng họ phải cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định tiến tới hôn nhân". Đây cũng là tâm lý bình thường của con người, bởi nếu có sự sai sót nào đó thì họ không có nhiều thời gian để làm lại từ đầu.
Cũng theo chuyên gia tư vấn Ngọc Giàu, điều quan trọng là người phụ nữ có cơ hội gặp được người phù hợp với quan niệm về hôn nhân, hạnh phúc gia đình của họ hay không. Với những phụ nữ tuổi sau 40, những gì đang có khiến họ khó chấp nhận quan hệ hôn nhân truyền thống trong đó người chồng là trụ cột, vợ phải phục tùng, mà phải có sự tôn trọng và rõ ràng trong phân định vai trò.
"Ngoài ra, họ vẫn mong muốn có một hôn nhân bền vững, trách nhiệm hơn là mối quan hệ tạm thời", bà Giàu nói.
Quốc Bảo
* Tên nhân vật đã được thay đổi