Tại phiên thảo luận về dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiều 23/5, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng dự luật đưa ra quy định lập mới quá nhiều quỹ hỗ trợ. "Nhiều quỹ như vậy có cần thiết hay không, hay sẽ khiến chồng chéo với một số quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đang có", đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) băn khoăn.
Trong khi đó đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng đặt vấn đề, lập thêm bất kỳ quỹ hỗ trợ nào sẽ kéo theo lập mới tổ chức bộ máy, tăng cán bộ; trong điều kiện cải cách tổ chức hành chính hiện nay thì không nên. "Nếu lập mới quỹ khởi nghiệp sáng tạo thì sẽ do ai thành lập, quản lý, quỹ hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận hay không...?", đại biểu Tám nêu loạt câu hỏi.

Đại biểu Tô Văn Tám đặt câu hỏi về hiệu quả của các loại quỹ hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay.
Dẫn lại báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại biểu Tám cho biết, hoạt động từ năm 2013 đến nay, song đến nay mới có 20 hồ sơ doanh nghiệp đủ điều kiện quỹ này uỷ thác cho ngân hàng với tổng nhu cầu vốn 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn giải ngân thực tế chỉ đạt một nửa - gần 110 tỷ đồng.
"Không nên quy định quá nhiều quỹ vì nguồn lực có hạn và để đảm bảo tính khả thi cần quy định rõ tổ chức, hoạt động, chức năng và nhiệm vụ... của các quỹ này", đại biểu Tám góp ý.
Quan điểm không nên có nhiều quỹ hỗ trợ doanh nghiệp cũng được nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan này đề nghị ban soạn thảo bỏ quy định về Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Với 2 quỹ đang hoạt động là Quỹ phát triển và Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo đưa ra quy định cụ thể để kiện toàn tổ chức, hoạt động các quỹ này.
Cùng với việc có quá nhiều quỹ không hiệu quả, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) còn cho rằng, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với các quỹ này cũng không khả thi gây khó doanh nghiệp. Ông dẫn lại quy định tại điều 9, khi doanh nghiệp muốn bảo lãnh tín dụng qua quỹ bảo lãnh tín dụng phải có tài sản đảm bảo, chứng từ có giá, phương án sản xuất kinh doanh... "Quy định như vậy không thể gọi là ưu đãi, thậm chí làm khó doanh nghiệp", ông nói.
Đồng tình, đại biểu Mai Ngọc Hải (Hải Phòng) thì cho rằng những điều kiện được nêu không khác gì hoạt động vay thông thường giữa ngân hàng với doanh nghiệp hiện nay. "Nếu các thiết chế này giống điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng thì doanh nghiệp đâu cần tìm tới quỹ hỗ trợ để chịu thêm một lần phí nữa", ông Hải nói.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng cho hay, tại bản dự thảo đầu tiên dự luật đưa vào 4 loại quỹ hỗ trợ, tuy nhiên sau khi tiếp thu ý kiến từ các đại biểu thì đã rút xuống chỉ còn 3 quỹ, trong đó 2 quỹ đã có, đang hoạt động. "Thực chất chỉ bổ sung 1 quỹ mới là đầu tư khởi nghiệp sáng tạo", Bộ trưởng Dũng nói.
Gắn trong bối cảnh cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo đang được khuyến khích như hiện nay thì việc có thêm quỹ khởi nghiệp sáng tạo, theo Bộ trưởng Dũng là rất cần thiết. "Quỹ này sẽ tạo thêm kênh cấp vốn, tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cũng như các quỹ hỗ trợ", ông nói và tha thiết "3 quỹ là phù hợp, xin Quốc hội chấp thuận cho".
Ông Dũng thông tin thêm, khi luật được ban hành, cơ quan soạn thảo sẽ trình Chính phủ nghiên cứu 4 nghị định kèm theo, đảm bảo trong thời gian ngắn nhất luật có thể đi vào cuộc sống.
Anh Minh