Cả hai đã theo đuổi thụ tinh nhân tạo (IVF) suốt 6 năm liền, mong có thể xây dựng một gia đình trọn vẹn bởi không thể có con tự nhiên.
"Chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng về mặt cảm xúc, tuy vậy cả hai vẫn tiếp tục cố gắng", anh Lewis chia sẻ. Đôi vợ chồng gọi đây là cuộc đấu tranh cả về mặt cảm xúc và tài chính.
Một chu kỳ thụ tinh nhân tạo có giá lên tới 5.000 bảng. Các cặp vợ chồng tại Anh bị giới hạn số lần được phép thực hiện liệu pháp.
Chia sẻ trên Times vào năm 2017, Hannah nói về quá trình IVF đầy mệt mỏi của mình. Nhiều người hiện vẫn tỏ thái độ kỳ thị đối với các bệnh nhân vô sinh, những người phải tìm đến phương pháp thay thế để mang thai. Điều này khiến nhiều phụ nữ cảm thấy tự ti và vô cùng áp lực.
Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2018 của Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng 15% các cặp vợ chồng hiếm muộn nghĩ họ bị cô lập. Trong khi đó, 60% cho biết, thái độ của mọi người xung quanh lập tức thay đổi tích cực sau khi họ có con.
Lewis kể lại mỗi lần thụ tinh thất bại, tâm trạng anh trở nên "tồi tệ, tổn thương" và đôi khi "cảm thấy bản thân bị lừa dối". Họ quyết định, nếu không thành công trong lần thứ 15, sẽ từ bỏ.
May mắn đã mỉm cười với cặp vợ chồng sau 6 năm. Cả hai vỡ òa trong vui sướng khi bác sĩ thông báo Hannah có thai.
"Chúng tôi đã thử quá nhiều lần, các số liệu y tế cho thấy việc mang thai là vô cùng khó khăn. Chúng tôi hoàn toàn không thể tin được khi phôi cuối cùng đã đậu thai", anh Lewis nói.
Bé Matheson Calon Tallett Vaughan Jones sinh ra vào ngày 10/12/2019, hoàn toàn khỏe mạnh. Ngày 31/12/2019, Hannah chia sẻ câu chuyện của mình trên BBC với mong muốn truyền động lực cho các cặp vợ chồng hiếm muộn bằng hành trình của mình.
Thục Linh (Theo BBC)