Như là chuyện giải cứu dưa hấu, bây giờ nhắc lại có lẽ không nhiều người còn nhớ cuộc giải cứu đã từng hừng hực trên những vỉa hè nhiều tỉnh thành hơn 2 tuần trước.
Những ngày ấy, tôi nhớ cuộc gọi tha thiết của một người bạn, anh hỏi tôi: Có cách nào giúp nông dân bán dưa hấu được không, làm nông giờ khổ quá. Anh nghĩ tôi làm báo nên giúp được gì đó.
Đó là những ngày hàng trăm héc-ta dưa hấu ở Quảng Ngãi đang chín rục ngoài đồng nhưng không một bóng thương lái đến hỏi mua. Và cha anh là một trong những người nông dân đó. Tình hình trở nên tệ hơn khi những cơn mưa rào đầu hè đổ xuống. "Dưa cười, người khóc" là cách ví von của người nông dân khi nhìn những quả dưa ngấm mưa bị nứt toác, lộ ruột đỏ ra ngoài.
Chỉ mấy ngày sau, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi và UBND huyện Bình Sơn, địa phương có diện tích trồng dưa hấu cao nhất tỉnh đã lập đường dây nóng kêu gọi cán bộ, người dân và doanh nghiệp mua dưa hấu giúp bà con.
Chiến dịch giải cứu dưa hấu rầm rộ. Trên khắp những ngả đường của thành phố Quảng Ngãi, cứ đi một đoạn lại gặp một "trạm" bán dưa với biểu ngữ "mỗi trái dưa một tấm lòng". Những bóng áo xanh đoàn viên trở thành những người bán hàng bất đắc dĩ. Khi chúng tôi lên Sơn Tây, huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Ngãi vẫn gặp một trạm dưa ở đó. Độ phủ sóng rộng của chiến dịch đã phát huy hiệu quả, khoảng 800 tấn dưa hấu đã được tiêu thụ trong chiến dịch.
Ở Hà Nội, ở Thái Bình, khắp nơi trong cả nước những điểm giải cứu được dựng lên. Đi giữa thành phố, thấy thấp thoáng màu vàng của rơm đâu đó trên vỉa hè, là biết đang có cuộc giải cứu dưa ở đó.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân cả nước tổ chức giải cứu dưa hấu. Cách đây hai năm, khi dưa hấu rớt giá xuống 600 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua, nông dân phải đổ dưa hấu cho trâu bò ăn, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã tổ chức một cuộc giải cứu tương tự. Thời đó, có rất nhiều dư luận trái chiều. Nhưng rồi nó lại qua. Và mùa sau, lại giải cứu.
Những chiến dịch giải cứu nông sản như vậy đã trở thành một hiện tượng phổ biến. Nó trở thành một quán tính trong tình cảnh bi đát khi nông sản không có đầu ra. Nó phá vỡ nguyên tắc thuận mua vừa bán của thị trường khi phải cầu viện đến "một tấm lòng" để bán được "một trái dưa". Nó xuất phát từ tâm thế "cầm lòng chẳng đặng" của những người cảm thấy mình có trách nhiệm. "Giải cứu đến bao giờ?" là một câu hỏi đã trở thành câu cảm thán sau nhiều năm không tìm được lời đáp.
Thậm chí là chính các cán bộ tỉnh đoàn Quảng Ngãi, những người tổ chức giải cứu cũng có khi phải thốt lên rằng không thể giải cứu mãi được, nếu đầu ra của cây trồng không được tính toán.
"Người nông dân phải rút kinh nghiệm, không nên chạy theo phong trào", là một câu trả lời dễ dãi. Nhưng nếu không chạy theo phong trào, họ có thể làm gì khác? Bây giờ cải tạo lại cánh đồng để trồng lúa, thì không có lời. Ngô và lúa có giá trị kinh tế thấp. Các hội đoàn thì chẳng đưa được ra gợi ý nào khả dĩ. Họ phải chấp nhận tiếp tục “canh bạc” dưa hấu năm này qua năm khác.
Nếu không xuống tiếng bạc mang tên dưa hấu, thì họ sẽ lại phải chơi bạc với thứ cây trồng khác. Tại huyện Bình Sơn, hàng chục tấn bí đỏ Nhật Bản hư thối ngoài đồng vì doanh nghiệp đã cam kết nhưng không thu mua. Và một lần nữa, số bí đỏ còn lại đã được tiêu thụ trong một cuộc giải cứu mới.
Đó lại là một khía cạnh khác của cuộc chơi bạc cưỡng ép: đến khi có người chỉ cho trồng cây gì rồi, thì lại có những lời cam kết bị xé toạc mà nông dân chẳng biết tìm trợ giúp pháp lý từ ai.
Rồi những canh bạc sẽ lại tiếp diễn. Ở Quảng Ngãi bây giờ, ớt rớt giá còn 8.000 đồng/kg. Năm ngoái, giá ớt thời điểm này lên đến 45.000 đồng/kg khiến nhiều người đổ xô trồng ớt.
Vòng tròn bội bạc của những cây trồng không có đầu ra cứ lặp đi lặp lại. Và năm nào, trước những cuộc giải cứu, dư luận cũng tha thiết đặt ra những câu hỏi. Nhưng cũng giống như nhiều chủ đề thời sự khác, nó nhanh chóng chìm khuất đi trong những gì nóng hổi hơn.
Tôi - một người con Quảng Ngãi - thì không quên được hình ảnh những quả dưa bục ra như một nụ cười diễu nhại, cay đắng trên đồng ruộng đã hứng biết bao mồ hôi. Tôi cũng không muốn chứng kiến cộng đồng của mình trở thành những người thờ ơ: cứ phong trào giải cứu, đặt câu hỏi, rồi lại quên đi, lại giải cứu, lại đặt câu hỏi và lại quên đi, thì chúng ta trông rất giống những người thờ ơ.
Có thể đây là một câu hỏi lỗi thời, nhưng tôi rất muốn hỏi độc giả của VnExpress, rằng liệu có một phương thức nào sáng sủa hơn cho những vòng tròn bế tắc của người nông dân?
Dưa có thể ráng ăn. Bí đỏ có thể nấu vài món thay đổi. Nhưng liệu những người từ tâm có sẵn lòng giải cứu luôn cả ớt?
Phạm Linh