Các nhà khoa học giải mã bí ẩn về quả cầu ánh sáng màu xanh lam bay qua bầu trời Alaska tháng trước, cho rằng khả năng cao đây là một mảnh tên lửa Trung Quốc, Live Science hôm 8/4 đưa tin.
Người dân Alaska bắt gặp hiện tượng kỳ lạ lúc khoảng 5h ngày 29/3 (giờ địa phương). "Trông như có thứ gì đó đang quay bên trong nó", Leslie Smallwood, người dân sống tại Fairbanks, Alaska, miêu tả. Quả cầu lớn hơn nhiều so với trăng tròn và di chuyển từ hướng đông bắc đến tây nam, Smallwood nói thêm.
Bẫy camera tự động của vợ chồng Ronn Murray và Marketa Murray tại tổ chức The Aurora Chasers, chuyên thực hiện những tour chụp ảnh bắc cực quang, ghi lại hình ảnh của quả cầu bay qua phía trước bắc cực quang. Camera này đều đặn chụp ảnh bầu trời cứ mỗi 45 giây để mọi người có thể trải nghiệm bắc cực quang gần như theo thời gian thực.
Camera chụp được 6 bức ảnh về quả cầu, cho thấy nó hiện diện trên ít nhất 4 phút rưỡi. "Có vẻ nó không lao vụt qua bầu trời mà khá thong thả", Smallwood nhận xét.
Quả cầu xuất hiện và biến mất mà chưa có lời giải thích chính xác. Tuy nhiên, sau khi phân tích ảnh chụp, các nhà khoa học xác định đây nhiều khả năng là một mảnh tên lửa Trung Quốc.
"Tôi tin rằng thứ mà mọi người trông thấy là một tầng tên lửa Trung Quốc đang xả nhiên liệu", Jonathan McDowell, nhà thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard Smithsonian, cho biết. Quả cầu có đường bay khớp với đường bay của một tên lửa Trung Quốc phóng hai vệ tinh lên quỹ đạo ngày hôm đó. Đây là tên lửa đẩy Trường Chinh 6 hai tầng, phóng từ Đài Loan.
Tên lửa có thể đã xả nhiên liệu còn sót lại vào không trung, nhiên liệu đóng băng rồi tản ra thành quả cầu lớn và được ánh Mặt Trời chiếu sáng. "Đám mây này có thể rộng hàng trăm km. Đó là lý do nó trông lớn như vậy", McDowell nói.
Các nhà khoa học khác cũng đồng ý với cách giải thích của McDowell. "Một đám mây khí phát sáng nhờ ánh sáng Mặt Trời sẽ trông giống như vậy", Mark Conde, nhà vật lý tại Đại học Alaska Fairbanks, nói. Quả cầu dường như đang quay vì khi các tên lửa xả nhiên liệu, chúng bắt đầu lộn nhào có kiểm soát để duy trì quỹ đạo của tên lửa.
Đây không phải lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra. Tháng 10/2017, một quả cầu xanh thậm chí còn lớn hơn xuất hiện trên bầu trời Siberia. Khối nhiên liệu đóng băng này do những vụ thử nghiệm tên lửa quân sự của Nga để lại.
Thu Thảo (Theo Space)