Ước gì người lớn cũng có cái nhìn trong sáng như các con.
Kể cả bố mẹ có nói phong bì đó đựng tiền thì trong con chỉ hiện hữu một điều - Lòng kính trọng và quý mến đối với cô giáo. Trong trí não non nớt của con chưa có những ý nghĩ khác. Người lớn thì phải dò dẫm nhau xem cái trọng lượng chiếc phong bì kia là bao nhiêu để mà ước lượng để cho con mình không "thua thiệt" so với các bạn.
Nhà mình có truyền thống theo ngành sư phạm. Ông bà nội ngoại đều là giáo viên, đến bố mẹ, các cô, các chú cũng vậy. Ngày 20/11 có năm học trò đến nhà mà chẳng biết xưng hô thế nào cho phải đạo vì hai bố con nhà thầy giáo đều dạy mình! Nhưng ngay cả cái sự chúc mừng có khi cũng phân biệt đẳng cấp rõ ràng.
Bố dạy miền núi, học sinh toàn người dân tộc. Quà 20/11 có khi chỉ mấy cây mía cẳng gà và quả bí đỏ. Bố nhớ lần 20/11 đầu tiên ra trường về miền núi dạy có cậu học trò người Mông vác con dao đi rẫy to như cẩu đầu trảm của Bao Công đến phòng làm bố sợ toát cả mồ hôi. Hóa ra cậu ấy mang đến... tặng bố nhân ngày 20//11.
Mẹ con dạy học thành phố, lại trường điểm nữa, toàn con nhà VIP, có học trò tặng mẹ bộ áo dài bằng cả tháng lương của bố. Bố không câu nệ như có thầy cô thấy học trò mang quà đến cổng đã chỉ tay đuổi thẳng cổ. Giữ sự trong sạch của nghề dạy học đâu phải chỉ có vậy?
Bố nghĩ mình sẽ nhận những gì mình thấy xứng đáng. Không nên phân biệt thứ hạng các món quà. Bộ áo dài kia cũng ngang bằng với con dao đi rẫy của người Mông nếu mình có tâm với học trò và học trò cũng có tâm với mình. Cũng đừng vội kết tội phong bì.
Có những học trò chẳng biết tặng quà gì cho thầy cô cho phù hợp thì phong bì cũng là một giải pháp. Cái quan trọng là mỗi người khi đến với các thầy cô trong ngày lễ này đều nên mang theo một tâm hồn trẻ thơ.
Lê Nguyễn