Ngày 6/6, trang Liêm khiết Tứ Xuyên, thuộc Ủy ban Kỷ luật và Sở Giám sát tỉnh Tứ Xuyên, đăng bài viết về "bí thư tham nhũng" La Hiểu Cường, nằm trong chuyên đề "Lấy vụ án để làm gương".
La Hiểu Cường sinh năm 1970, quê Tứ Xuyên, từng giữ chức chủ tịch thị trấn, bí thư đảng ủy thị trấn Lạc Bốc, huyện Tự Vĩnh.
Tháng 9/2023, ông Cường bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật huyện Tự Vĩnh điều tra vì nghi ngờ vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Tháng 12/2023, ông Cường bị cách chức, khai trừ đảng vì có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và nghi ngờ nhận hối lộ.
Tháng 4 vừa qua, ông Cường nhận án 5 năm tù vì tội nhận hối lộ, bị phạt 300.000 nhân dân tệ (hơn một tỷ đồng).
Trong mắt người khác, ông Cường từng là cán bộ chăm chỉ, có trách nhiệm, thường xuyên tăng ca, đến từng hộ thăm hỏi người dân, nỗ lực hết mình vì sự phát triển kinh tế xã hội của thị trấn.
Năm 2014, ông được điều chuyển đến thị trấn Lạc Bốc công tác, lần lượt đảm nhiệm chức vụ chủ tịch thị trấn và bí thư đảng ủy thị trấn. Trong giai đoạn này, địa phương đạt được nhiều thành tựu về xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, phát triển công nghiệp, cải thiện môi trường..., đứng đầu huyện về một số chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Tháng 7/2022, đối mặt với đợt hạn hán bất ngờ, ông Cường ban ngày xông pha tuyến đầu chỉ đạo cứu trợ, buổi tối lại triệu tập đội ngũ nghiên cứu bàn giải pháp. Do làm việc cường độ cao, ông Cường đổ bệnh, được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Vừa phẫu thuật xong, ông rút kim truyền, tiếp tục đến các thôn để kiểm tra, chỉ đạo công tác.
Đồng nghiệp nhận xét: "La Hiểu Cường làm việc rất xông xáo, yêu cầu với mọi người rất nghiêm khắc".
Ông Cường nhiều lần nhấn mạnh vấn đề liêm khiết: "Tất cả cán bộ trong thị trấn phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, kiên quyết chấm dứt nạn tham nhũng và các tác phong bất chính. Bắt đầu từ tôi! Nếu tôi có vấn đề, hãy điều tra tôi đầu tiên".
Không chỉ vậy, La Hiểu Cường còn gây ấn tượng về phong cách sống rất giản dị, tiết kiệm: ở nhà thuê, lái xe cũ, mua quần áo trên mạng và hiếm khi đi ăn ngoài. Tuy nhiên, tất cả chỉ là cách ngụy trang tinh vi của ông Cường.
"Sau lần đầu nhận tiền, tôi bắt đầu ngụy trang bản thân thành người thật thà, chất phác ở tất cả các cấp huyện, thị trấn, thôn", ông Cường bộc bạch.
Năm 2017, một doanh nhân chủ động đưa cho La Hiểu Cường 30.000 nhân dân tệ tiền mặt để cảm ơn vì đã "quan tâm" về dự án công trình. Sau một hồi đưa đẩy khước từ, ông Cường nhận tiền.
"Lúc đó tôi thấy rất gượng gạo, không thoải mái. Sau khi cầm tiền về, tôi lo lắng không yên vì để ở nhà thì sợ bị trộm, mang đến ngân hàng thì sợ bị phát hiện, sau một thời gian mới bớt sợ hãi", ông Cường kể lại cảm giác lần đầu nhận hối lộ.
Từ đó, ông Cường thường xuyên "hợp tác cùng có lợi" với các chủ doanh nghiệp, lợi dụng chức vụ để giúp đỡ nhận thầu dự án, phân bổ vốn và nhận lại "tiền cảm ơn".
Sau khi trở thành bí thư đảng ủy thị trấn, La Hiểu Cường cho rằng mình "lớn tuổi rồi, không còn hy vọng thăng tiến, đã đến lúc lên kế hoạch nghỉ hưu dưỡng lão". Từ suy nghĩ này, ông ta nhận hối lộ ngày càng táo tợn, không ngừng thu "tiền cảm ơn" trong văn phòng, trong ôtô, trong quán trà, ở nhà và thậm chí cả trên đường phố, ngõ hẻm, dưới các hình thức tiền mặt, chuyển khoản...
Không chỉ vậy, ông Cường còn nhiều lần chủ động đòi tiền từ một số chủ doanh nghiệp. Tháng 3/2022, doanh nhân họ Tiêu "cảm ơn" ông Cường 300.000 nhân dân tệ tiền mặt. Một tháng sau, ông ta đòi Tiêu thêm 200.000 nhân dân tệ với lý do gặp khó khăn về tài chính.
"Tôi là lãnh đạo cao nhất ở thị trấn, có quyền quyết định, chỉ cần đánh tiếng với bên dưới thì họ đều nghe theo", ông Cường nói.
Sau khi cấu kết với các chủ doanh nghiệp, La Hiểu Cường sợ bại lộ nên "đeo mặt nạ ngụy trang". Bề ngoài, ông ta tỏ ra tận tâm tận sức vì sự phát triển của thị trấn, nhưng bên trong lại mưu lợi phi pháp.
Năm 2023, nhận được phản ánh từ quần chúng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật huyện Tự Vĩnh triệu tập ông Cường để hỏi chuyện, cảnh cáo ông ta phải liêm khiết, có ý thức kỷ luật, đồng thời hy vọng ông ta sẽ chủ động làm rõ vấn đề. Nhưng ông Cường cho rằng bản thân xây dựng được hình tượng chính trực, danh tiếng tốt nên tự tin bảo đảm mình không có vấn đề gì.
Sau cuộc nói chuyện, La Hiểu Cường không chịu kiềm chế hay dừng tay mà tiếp tục tham gia các giao dịch quyền - tiền.
Qua điều tra, từ năm 2017 đến 2023, La Hiểu Cường hỗ trợ người khác nhận thầu dự án, phân bổ vốn... và được tặng 1,772 triệu nhân dân tệ (hơn 6,2 tỷ đồng), trong đó có 450.000 nhân dân tệ tiền mặt do ông ta chủ động đòi.
Giờ đây, ở trong tù, nhìn lại nửa đời người, La Hiểu Cường tự nhận là "kẻ hai mặt", sống không trung thực nên phải nhận bài học đắt giá.
Tuệ Anh (Theo Jiupai News)