"Chúng tôi nhận được thông tin ban đầu rằng tòa án sơ thẩm Qatar hôm nay đã ra phán quyết trong vụ án liên quan 8 nhân viên Ấn Độ của công ty Al Dahra. Chúng tôi vô cùng sốc trước bản án tử hình được đưa ra", Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 26/10 ra tuyên bố cho hay.
8 người này từng là sĩ quan hải quân Ấn Độ trước khi chuyển sang làm trong lĩnh vực dân sự. Chính phủ Ấn Độ đang liên lạc với gia đình 8 người này cũng như nhóm pháp lý và sẽ xem xét tất cả lựa chọn pháp lý.
"Chúng tôi rất coi trọng trường hợp này và đã theo dõi chặt chẽ, mở rộng mọi hỗ trợ về lãnh sự và pháp lý. Chúng tôi cũng sẽ nêu phán quyết này với chính quyền Qatar", Bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu thêm.
Cơ quan này cho hay do tính chất bí mật của quá trình tố tụng, họ sẽ không đưa ra thêm bất kỳ bình luận nào, nhưng khẳng định sẽ kháng cáo.
Qatar hiện chưa lên tiếng về phán quyết này.
Cả chính phủ Ấn Độ và Qatar đều chưa cho biết 8 cựu sĩ quan bị truy tố vì tội gì, song các nguồn tin nói rằng họ bị tuyên án tử hình với cáo buộc làm gián điệp cho Israel.
Trong số những người bị tuyên án có các cựu sĩ quan từng chỉ huy tàu chiến lớn của Ấn Độ và bị bắt khi đang làm việc cho Dịch vụ Tư vấn và Công nghệ Toàn cầu Dahra, một công ty tư nhân chuyên đào tạo và cung cấp các dịch vụ liên quan cho lực lượng vũ trang Qatar. Các nguồn tin cho biết vài người trong số họ đang thực hiện dự án rất nhạy cảm liên quan tàu ngầm cỡ nhỏ dựa trên công nghệ của Italy với tính năng tàng hình.
Họ bị giam từ tháng 8/2022, ra tòa hồi tháng 3 và nhiều lần bị từ chối yêu cầu tại ngoại. Ấn Độ đã tiếp xúc lãnh sự và nỗ lực để đảm bảo họ được trả tự do, nhưng bất thành.
Meetu Bhargava, em gái của một người bị bắt ở Qatar, đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ. Hồi tháng 6, cô đăng bài trên mạng xã hội X kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi can thiệp.
"Những cựu sĩ quan hải quân này là niềm tự hào của đất nước và một lần nữa tôi chắp tay mong Thủ tướng đưa tất cả họ trở về Ấn Độ ngay lập tức, không thể chậm trễ thêm nữa", bài đăng của cô cho hay.
Huyền Lê (Theo Reuters, NDTV)