Bộ trưởng Năng lượng Qatar, kiêm Chủ tịch Qatar Energy, vừa cho biết đã ký thoả thuận dài 27 năm với Sinopec của Trung Quốc. Đây là hợp đồng cung cấp khí hóa lỏng tự nhiên dài nhất trong lịch sử QatarEnergy. Thoả thuận này được ký trong bối cảnh châu Âu đang chạy đua để đảm bảo nguồn cung năng lượng sau căng thẳng tại Ukraine.
Qatar Energy tiền thân là Qatar Petroleum, doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước Qatar. Công ty này chịu trách nhiệm vận hành tất cả các hoạt động dầu khí ở quốc gia vùng Vịnh này.
Theo Qatar News Agency, hợp đồng cung cấp LNG của Qatar Energy cho Sinopec có trị giá khoảng 60 tỷ USD.
"Đây là một dấu mấu quan trọng với thoả thuận mua bán đầu tiên cho dự án North Field East. Nó sẽ cung cấp 4 triệu tấn trong 27 năm cho Sinopec của Trung Quốc", Kaabi cho biết ngay trước lễ ký tại Doha hôm 21/11.
North Field East là một phần của mỏ khí đốt lớn nhất thế giới mà Qatar đang cùng khai thác với Iran. Theo Kaabi, thoả thuận cũng sẽ giúp củng cố quan hệ song phương tốt đẹp giữa Qatar và Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Đầu năm nay, Qatar Energy đã ký các thoả thuận cho North Field East, gồm giai đoạn một và phần lớn của kế hoạch mở rộng giai đoạn 2. 6 tàu LNG sẽ giúp Qatar tăng công suất khai thác lên 126 triệu tấn mỗi năm từ năm 2027, so với 77 triệu tấn hiện tại.
"Chúng tôi rất hài lòng về thỏa thuận này với Sinopec khi hai bên đã hợp tác từ lâu. Thoả thuận mới nhất sẽ đưa mối quan hệ giữa chúng tôi lên một tầm cao mới vì có hợp đồng kéo dài đến năm 2050", Kaabi nói.
Ông cũng cho biết, Qatar Energy cũng đang đàm phán với những đối tác khác có nhu cầu mua hàng ở Trung Quốc, châu Âu và nhiều quốc gia khác muốn có nguồn cung an toàn. "Tôi nghĩ rằng sự biến động gần đây đã khiến người mua hiểu tầm quan trọng của việc sở hữu nguồn cung dài hạn", Bộ trưởng Năng lượng Qatar nói.
Qatar là nhà xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới vào năm 2021, chiếm 20% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, theo BP. Tuy nhiên, Mỹ đã vượt lên thành nước xuất khẩu lớn nhất vào năm nay.
Tú Anh (theo CNN/FT)