Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo cánh hữu Mỹ Tucker Carlson được phát sóng ngày 9/3, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho hay Qatar đã tiến hành các nghiên cứu mô phỏng tác động của một cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân ven biển của Iran.
"Nếu điều này xảy ra, toàn bộ vùng biển thuộc Vịnh Ba Tư sẽ bị nhiễm xạ. Chỉ sau ba ngày, Qatar sẽ không còn một giọt nước", ông nói.
Ngoài Qatar, thảm họa này cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait, ba quốc gia Vùng Vịnh nằm gần Iran và có rất ít nguồn nước tự nhiên. Hơn 18 triệu người trong khu vực này gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào những hệ thống khử mặn nước biển để có nước sinh hoạt.
"Nếu một cuộc tấn công như vậy xảy ra, chúng tôi sẽ không có nước. Cá sẽ chết sạch. Không còn gì. Không còn sự sống", ông Al Thani nêu lo ngại.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr ven Vịnh Ba Tư, miền nam Iran, tháng 4/2024. Ảnh: AFP
Qatar đã xây dựng 15 hồ chứa lớn để tăng khả năng dự trữ nước khẩn cấp, nhưng nguy cơ khủng hoảng vẫn luôn ám ảnh giới lãnh đạo nước này. "Nếu thảm họa xảy ra, tác động sẽ không chừa một ai", ông nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua tiết lộ ông đã gửi thư bày tỏ mong muốn đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới với Iran, đồng thời đề nghị Tehran cởi mở hơn với đối thoại hoặc Mỹ sẽ sử dụng biện pháp quân sự để "giải quyết rắc rối".
Đáp lại, Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei cáo buộc "một số lãnh đạo và chính phủ nước ngoài dùng cách bắt nạt để đòi đàm phán". Ông cho rằng cách tiếp cận này không mang tính xây dựng và chỉ nhằm mục tiêu áp đặt sự thống trị lên nước khác.
Iran có nhà máy điện hạt nhân Bushehr gần bờ biển Vịnh Ba Tư và các cơ sở làm giàu uranium quan trọng nằm sâu trong đất liền. Thủ tướng Al Thani lưu ý rằng một số cơ sở hạt nhân của Iran thậm chí còn gần Doha hơn là Tehran. "Chúng không chỉ tạo ra mối lo ngại quân sự, mà còn gây quan ngại về an toàn hạt nhân", ông nói.
Mặc dù là đồng minh thân cận của Mỹ và là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Washington ở Trung Đông, Qatar vẫn duy trì quan hệ với Iran, quốc gia mà họ cùng chia sẻ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới.

Vị trí Qatar và Iran. Đồ họa: ABC News
Iran luôn bác bỏ cáo buộc từ phương Tây rằng nước này chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng cũng thừa nhận đã tăng tốc làm giàu uranium lên mức 60% độ tinh khiết, gần đạt cấp độ vũ khí là 90%. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiều lần cảnh báo đây là xu hướng đáng lo ngại.
Thủ tướng Qatar kêu gọi các bên chọn cánh cửa ngoại giao thay vì biện pháp quân sự, vì mọi viễn cảnh can thiệp quân sự vào Iran có thể châm ngòi cho một cuộc chiến bao trùm cả Trung Đông.
"Không bao giờ có chuyện Qatar ủng hộ bất kỳ bên nào hành động quân sự. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực cho đến khi thúc đẩy được giải pháp ngoại giao", ông Al Thani khẳng định.
Thanh Danh (Theo Reuters, AFP)