ChatGPT Hackathon do FUNiX tổ chức dành cho sinh viên trong nước và quốc tế, gồm hai vòng thi, diễn ra trực tuyến từ 4/4 đến 7/5. Với sự đồng hành của nhà tại trợ kim cương QAI FPT Software và nhiều đơn vị khác, tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi đạt hơn 100 triệu đồng.
Ông Vũ Hồng Chiên - Giám đốc QAI đánh giá ChatGPT Hackathon là cuộc thi ý nghĩa, giúp mọi người hiểu hơn về AI, đồng thời, nâng cao nhận thức về vấn đề công nghệ này tạo nên những thay đổi trong cách thức làm việc hàng ngày của con người. Từ đó, các bạn trẻ có thể biết cách ứng dụng các công cụ tương tự vào cuộc sống.
"Tôi hy vọng thí sinh có thể lấy cảm hứng từ ChatGPT để có thể tạo ra những ứng dụng AI thiết thực, hữu ích cho cuộc sống, giúp lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ", ông chia sẻ.
Đề bài của cuộc thi là "Xây dựng một ứng dụng phần mềm, trong quá trình xây dựng yêu cầu sử dụng ChatGPT". Bảy đội xuất sắc vượt qua vòng Sơ loại sẽ tranh tài lập trình trong Chung kết để hoàn thiện sản phẩm, đồng thời, chỉnh sửa, thuyết trình, trình bày sản phẩm và phản biện câu hỏi của ban giám khảo. Chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 7/5.
Từ khi ra đời vào tháng 11/2022, ChatGPT đã trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử với 100 triệu người dùng chỉ sau hai tháng. Ông Vũ Hồng Chiên nhận định, sự ra đời của công cụ này đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ AI đồng hành, hỗ trợ con người trong thời hiện đại. Trí tuệ nhân tạo có thể là cánh tay đắc lực giúp con người nâng cao chất lượng cuộc sống.
Giám đốc QAI khuyên các bạn trẻ tham gia cuộc thi nên chú trọng vào việc trau dồi năng lực giải toán bởi nền tảng cơ bản của AI là toán học. Bên cạnh đó, nếu muốn theo đuổi con đường sự nghiệp lâu dài trong lĩnh vực này, thí sinh nhất định phải có tính kiên trì.
Theo ông, AI được tạo ra dựa trên bộ não của con người nên khó có thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Khi sử dụng bất kỳ một công cụ AI nào, các bạn trẻ nên tận dụng những ưu điểm của chúng để hoàn thiện kỹ năng sống, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của xã hội, thay vì ỷ lại.
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) ra đời vào năm 2020 với sứ mệnh "ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân". Đơn vị muốn cung cấp một giải pháp toàn diện, giúp tổ chức, doanh nghiệp giải quyết các bài toán khó về số hóa dữ liệu, phân bổ nguồn lực..., từ đó, kiến tạo giá trị bền vững cho cộng đồng.
QAI đã nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm AI trên các lĩnh vực như y tế, giáo dục, sản xuất... Hiện, đơn vị tập trung vào hai sản phẩm chính: akaCam - platform ứng dụng AI vào camera giúp giải quyết các bài toán trong lĩnh vực sản xuất, giáo dục, phát triển bền vững, hỗ trợ cộng đồng; akaOCR - nền tảng OCR cho phép đọc và chuyển đổi dữ liệu từ dạng đánh máy, viết tay hay in ấn sang định dạng dữ liệu điện tử phù hợp. Hai sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam, Mỹ, Nhật và Canada, trong nhiều ngành như logistic, giáo dục, ngân hàng...
Đơn vị có hơn 200 nhân sự ở nhiều vị trí như AI Engineer, Data Analyst... Đơn vị đặt mục tiêu có 2.000 nhân sự vào năm 2025 và chào đón các ứng viên có năng lực và chung mong muốn giúp khách hàng có trải nghiệm tốt nhất cùng các sản phẩm, dịch vụ QAI đang cung cấp.
Trước đó, QAI và FUNiX đã ký hợp tác đào tạo tuyển dụng từ tháng 1/2021. Hai đơn vị từng triển khai chương trình học bổng trí tuệ nhân tạo trị giá 5,4 tỷ nhằm phát triển nhân lực mảng trí tuệ nhân tạo.
Vân Nguyễn