Chia sẻ tại phiên họp thường niên sáng 8/6, ông Cao Hoài Dương -Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết doanh nghiệp này đang nghiên cứu phương án bổ sung ngành nghề kinh doanh nhiên liệu bay Jet A1.
Theo ông Dương, ngành hàng không sắp tới đón nhiều hãng bay mới nên nhu cầu nhiêu liệu tăng mạnh. Thị trường hiện chỉ có 2 nhà cung cấp chính là Skypec phục vụ chủ yếu cho Vietnam Airlines, các hãng quốc tế và Petrolimex Aviation phục vụ Vietjet Air, Bamboo Airways... nên dư địa cho doanh nghiệp mới tham gia còn rất lớn.
"Chúng tôi hoàn toàn đủ năng lực vì kho xăng trải khắp cả nước và thuận tiện kết nối với các sân bay", ông Dương nói. Đồng thời, ông cho biết không lo ngại về nguồn hàng bởi nhà sản xuất nhiên liệu Jet A1 lớn nhất trong nước là Nhà máy Lọc hoá dầu Bình Sơn "có thể coi là anh em một nhà với PVOIL".
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này đánh giá việc xin giấy phép và tham gia bán buôn nhiêu liệu bay không đơn giản nên động lực tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh năm nay vẫn đến từ các mảng truyền thống.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 52.200 tỷ đồng và 376 tỷ đồng. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô đạt mức 60 USD một thùng và các dự báo thị trường không có đột biến.
Ban lãnh đạo công ty nhìn nhận, giá dầu thô diễn biến khó lường, chỉ trong thời gian ngắn đã giảm hơn 80% và xuống mức thấp nhất trong vòng 18 năm sẽ tác động lớn đến kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ ngừng hoạt động để bảo dưỡng khoảng 50 ngày từ cuối quý II, trong khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa hoạt động ổn định cũng gây thêm khó khăn. Cạnh tranh trong nước lại nhiều hơn khi các thương nhân phân phối, doanh nghiệp đầu mối được cấp phép mới.
Ba tháng đầu năm, công ty lỗ sau thuế hợp nhất 537 tỷ đồng. Việc Chính phủ thực hiện 6 kỳ điều hành giảm giá bán lẻ dẫn đến giá xăng dầu trong nước xuống mức thấp nhất trong 11 năm là một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh âm. Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 275 tỷ đồng trong quý này.
"So với mặt bằng chung của ngành, số lỗ của PVOIL khá thấp nhờ kiểm soát chặt hàng tồn kho, mua nhanh bán nhanh", ông Dương nói. Công ty cũng bắt đầu tăng hàng tồn kho chờ giá lên để cải thiện lợi nhuận, nhưng sản lượng chỉ ở mức tương đối nhằm phòng trường hợp biến động mạnh thì tổn thất vẫn trong tầm kiểm soát.
Sản lượng của PVOIL trong quý đầu năm giảm 4% so với cùng kỳ và 10% so với kế hoạch. Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, quý II tiếp tục giảm khoảng 1-2%, trong khi hai quý cuối năm vẫn còn là dấu hỏi lớn bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa có dấu hiệu kiểm soát tốt.
Công ty đặt ra hai kịch bản. Một là dịch bệnh trong nước và thế giới đều ổn định, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng trở lại, giá trị xuất nhập khẩu như mong đợi và hoạt động du lịch được kích cầu mạnh thì sản lượng cả năm sẽ giảm khoảng 10%. Trường hợp xấu hơn là dịch bệnh bùng phát lần thứ hai, ngay cả khi không xảy ra ở Việt Nam, thì sản lượng vẫn có thể giảm 18%.
"Đây là con số rất khủng khiếp", ông Dương nói và đề nghị đại hội đồng cổ đông uỷ quyền cho Hội đồng quản trị được điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh theo diễn biến giá dầu và tình hình dịch bệnh.
Phương Đông