"Ví dụ như lĩnh vực bất động sản thì thoái vốn lúc nào và ai mua. Đây thực sự là những khó khăn", ông Phùng Đình Thực - Chủ tịch PVN phát biểu tại cuộc họp báo sơ kết 6 tháng tổ chức chiều 8/7.
Lãnh đạo PVN cho rằng cần một quy chế mới để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không còn những khoản đầu tư ngoài ngành. Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xây dựng những hướng dẫn sao cho tài sản của Nhà nước được bảo toàn ở mức cao nhất trong quá trình thoái vốn, với đơn vị lỗ thì cũng có cơ chế cắt lỗ hợp lý.
Liên quan đến việc hợp nhất Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank), ông Thực cho biết cuối tháng 7 này hai đơn vị sẽ tiến hành đại hội cổ đông chung, mở đường cho đơn vị mới đi vào hoạt động.
Hiện nay, PVFC có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, còn WesternBank là 3.000 tỷ đồng. Theo tỷ lệ hoán đổi 1:1, ngân hàng sau hợp nhất sẽ có vốn 9.000 tỷ đồng, với tỷ lệ góp vốn của PVN tại PVFC là 78% thì suy ra đơn vị này sẽ tiếp tục nắm khoảng 52% vốn tại ngân hàng mới. Theo ông Thực, sau khi thúc đẩy đơn vị này hoạt động, PVN sẽ tiến hành thoái vốn xuống dưới 20% theo đúng chủ trương rút vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng.
Đối với Ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank), từ nay tới 2015, PVN cũng thoái toán bộ vốn khỏi đơn vị này. Hiện ông lớn ngành dầu khí đang nắm 20% vốn của OceanBank.
PVN được coi là một trong những ông lớn có nhiều khoản đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Tuy nhiên, theo dự thảo điều lệ đang trình Thủ tướng phê duyệt, tập đoàn sẽ chỉ còn tập trung vào 5 lĩnh vực gồm thăm dò khai thác dầu khí, lọc hoá dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao, trong đó lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí là chính.
6 tháng đầu năm, PVN cho biết đã triển khai đúng tiến độ quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc tập đoàn. Song song với đó, trong tháng 7 này tập đoàn sẽ hoàn thành phê duyêt phương án tái cấu trúc cho các đơn vị thành viên có định hướng phát triển rõ ràng.
Huyền Thư