Chuyên mục Chính sách - Đối ngoại của Báo Công Thương online vừa giới thiệu hai phần cuộc tọa đàm "PV GAS: Hành trình và phát triển - vị thế - vai trò chủ lực trong ngành công nghiệp khí Việt Nam". Chương trình được thực hiện hướng tới kỷ niệm 60 năm ngành dầu khí Việt Nam, định hướng và hỗ trợ khán giả tìm hiểu sâu về những đóng góp của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) trong quá trình 31 năm xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khí nước nhà.
Đánh giá về PV GAS tại tọa đàm, ông Lê Xuân Huyên - Phó tổng giám đốc Petrovietnam giới thiệu PV GAS là đơn vị hàng đầu, chủ đạo của Petrovietnam với trọng trách phát triển lĩnh vực công nghiệp khí trong chiến lược phát triển toàn bộ ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, được Chính phủ giao cho Petrovietnam thực hiện. PV GAS hoạt động hoàn chỉnh trong các khâu của chuỗi giá trị khí và sản phẩm khí, bao gồm thu gom, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, kinh doanh khí và các sản phẩm khí.
PV GAS xứng đáng trở thành nhà vận chuyển và cung cấp khí khô lớn tại Việt Nam, nhà sản xuất và kinh doanh LPG; đảm bảo nguồn cung ổn định cho thị trường LPG... PV GAS đón nhận nhiều huân chương, cờ thi đua, bằng khen, chứng nhận... của Nhà nước, các Bộ ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đặc biệt, vào năm 2015, PV GAS đón nhận danh hiệu "Anh hùng lao động" do Nhà nước trao tặng.
Ông Lê Xuân Huyên khẳng định niềm tin tưởng cũng như nêu lên những giải pháp lãnh đạo, hỗ trợ của Petrovietnam nhằm giúp PV GAS duy trì và gia tăng sản lượng khai thác khí đã được Chính phủ phê duyệt, tiếp tục góp phần gia tăng nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, Petrovietnam và PV GAS cũng đang tích cực đẩy mạnh các giải pháp chiến lược, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành để tiếp tục phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Trọng Hữu - Phó chánh văn phòng Tổng công ty khí Việt Nam cho biết chỉ trong vòng hơn 30 năm, từ một công ty nhỏ, PV GAS từng bước xây dựng, đưa vào hoạt động và đang quản lý hệ thống hạ tầng ngành công nghiệp khí Việt Nam tương đối hoàn chỉnh gồm 5 hệ thống khí dài trên 1.500 km đường ống khí, 3 nhà máy xử lý khí với tổng công suất trên 10 tỷ m3 một năm, 14 kho chứa LPG công suất gần 150.000 tấn, hệ thống phân phối khí/sản phẩm khí rộng khắp trên toàn quốc..., có giá trị tài sản trên 70.000 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi năm PV GAS cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm cả nước và nhiên liệu cho nhiều khu công nghiệp; chiếm 100% thị phần khí khô, khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 12% thị phần bán lẻ LPG nội địa.
Ghi nhận những thành công của PV GAS, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bày tỏ PV GAS đã có những bước đi tiên phong, tích cực; đặc biệt trong bối cảnh thị trường dầu mỏ thế giới có sự trồi sụt không ngừng, các tác động không mong muốn từ dịch bệnh Covid-19. PV GAS cũng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo phát triển lĩnh vực LNG ở nước ta, nhằm tạo ra năng lực sản xuất mới, nâng tầm vị thế thương hiệu. Ông Thành cũng lưu ý thời gian tới PV GAS cần tập trung phát triển thực hiện theo Nghị quyết số 55 - NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, PV GAS cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là nhân tố quan trọng cùng Petrovietnam tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam.
Nhìn nhận về PV GAS, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than khẳng định, qua công tác quản lý chuyên ngành, Bộ Công thương đánh giá rất cao vai trò tiên phong, với tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Là doanh nghiệp chủ lực của ngành công nghiệp khí Việt Nam, với yêu cầu về tiến độ, chất lượng đối với các hệ thống thu gom, phân phối khí, PV GAS luôn đảm bảo công tác đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả, an toàn chuỗi giá trị khí; cung cấp kịp thời, đầy đủ và hiệu quả nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện, đạm, sản xuất công nghiệp khác. Bộ Công Thương luôn tin tưởng PV GAS đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh của mình trong ngành dầu khí, ngành công nghiệp khí Việt Nam", bà Quỳnh khẳng định.
Bộ Công Thương thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, tình hình triển khai các dự án, kịp thời có những chỉ đạo, phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc thúc đẩy dự án. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia phát triển thị trường khí tại Việt Nam.
(Nguồn và ảnh: PV GAS)