Ông Putin phát biểu hôm 29/10: "Câu hỏi đặt ra giờ đây là sản xuất đủ số lượng vaccine cần thiết. Vấn đề đối với công đoạn này đó là thiếu thiết bị, phần cứng cần thiết để cung ứng đại trà".
Nga đang thử nghiệm vaccine Sputnik V trên 40.000 người ở Moskva. Ngoài nghiên cứu lâm sàng, nước này cũng tiêm chủng cho một lượng nhỏ người lao động ở tuyến đầu, bao gồm y bác sĩ, lực lượng biên phòng, hải quan.
Trước đó, giới chức Nga ước tính số liều tiêm năm nay có thể bị cắt giảm, từ 30 triệu liều còn hai triệu liều. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Denis Manturov nhấn mạnh những thách thức trong việc mở rộng quy mô vaccine. Ông cho biết Moskva đặt mục tiêu phân phối 300.000 liều tiêm trong tháng này, tăng 800.000 liều vào tháng 11 và đạt 1,5 triệu liều trong tháng 12.
Vaccine Sputnik V dựa trên công nghệ vector. Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được các nhà khoa học sử dụng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào người. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.
Việc điều chế Sputnik V số lượng lớn rất phức tạp. Vaccine sử dụng hai loại vector virus khác nhau trong mỗi mũi tiêm. Chúng phải được bảo quản lạnh trước khi sử dụng, tạo thêm sức ép cho khâu hậu cần.
Mới đây, Nga cũng phê duyệt khẩn cấp loại vaccine thứ hai là EpiVacCorona. Vaccine này sử dụng peptide được tổng hợp từ virus, hướng dẫn hệ thống miễn dịch cách nhận biết và vô hiệu hóa virus. Điểm mạnh của vaccine là an toàn và ít tạo phản ứng phụ. Ngoài ngăn ngừa tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, peptide còn sử dụng để điều trị ung thư.
Ngày 28/10, Nga bắt đầu sản xuất hàng loạt vaccine Covid-19 EpiVacCorona, trong bối cảnh số ca nhiễm của đất nước tăng cao nhanh chóng.
Thục Linh (Theo Reuters)