Một cô bán hàng mỹ nghệ ở Hà Nội và tranh chân dung Putin. Những bức hình như thế này, được làm từ đá quý, sẽ là quà tặng lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Ảnh: AP. |
Putin có lịch trình làm việc dày đặc trong 3 ngày ở Việt Nam. Ông sẽ gặp Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thứ hai. Trước đó, ông sẽ có cuộc gặp vào ngày mai với người đồng nhiệm Mỹ, và một số lãnh đạo khác.
Đây là chuyến thăm thứ hai của một tổng thống Nga tới Việt Nam kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991, diễn ra trong lúc Nga đang lấy lại thế mạnh ảnh hưởng ở châu Á nhờ nguồn tài nguyên nhiên liệu dồi dào và sự tự tin trong ngoại giao.
Dự kiến tuyên bố chính thức của Mỹ về việc ủng hộ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ là vấn đề chủ chốt trong hội đàm Bush - Putin. Ngòai ra còn có các chủ đề khác trong chương trình nghị sự như Bắc Triều Tiên và Iran.
Nước Nga giàu nhiên liệu là nền kinh tế lớn cuối cùng gia nhập WTO, còn Mỹ là một trong những thành viên chủ chốt của tổ chức này từng ngăn cản tiến trình gia nhập của Nga.
Hai nước đã trải qua quãng thời gian nhiều năm thương thảo khó khăn. Tuy nhiên sau cuộc gặp của ông Bush và chủ nhà Putin ở Matxcơva hôm thứ tư, Điện Kremlin thông báo "cả hai bên đều đã sẵn sàng ký kết".
Tại Hà Nội, Putin cũng sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và hội đàm lần đầu tiên với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
"Mục tiêu chính là tái thiết lập ảnh hưởng (của Nga) trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có việc đa dạng hóa thị trường năng lượng", Sergei Sanakoyev, chủ tịch Trung tâm Nga - Trung vì Thương mại và Hợp tác kinh tế, nói.
Còn tại hội nghị các nhà lãnh đạo APEC hôm nay và ngày mai, Putin sẽ đưa ra những thông điệp như chống khủng bố và tăng cường vai trò của Nga trên thị trường năng lượng thế giới.
T. Huyền (theo AFP)