Số liệu trên được Nga thu thập được sau gần 4 tuần giao tranh dữ dội giữa quân đội Azerbaijan và Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình hôm 22/10, thêm rằng ông đã liên lạc "thường xuyên" với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham, đến mức điện đàm với họ "nhiều lần trong ngày".
Nagorno-Karabakh là tỉnh phía tây nam Azerbaijan, điều được quốc tế công nhận, song phần lớn dân cư là người thiểu số gốc Armenia, luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Tranh chấp quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh bùng phát thành cuộc chiến 6 năm giữa Azerbaijan và Armenia từ tháng 2/1988 tới tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh và vùng lân cận nổ ra từ hôm 27/9 là một trong những xung đột đẫm máu nhất suốt nhiều năm qua. Quân ly khai Armenia và quân đội Azerbaijan tuyên bố đã gây tổn thất nghiêm trọng cho phía bên kia về khí tài và quân nhân.
Tuy nhiên, con số thiệt mạng được xác nhận chỉ dưới 1.000 người, gồm cả dân thường. Con số này được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế vì Azerbaijan không tiết lộ thương vong quân sự.
Trong phát biểu hôm qua, Putin cho hay trên thực tế, mỗi bên chịu tổn thất khoảng 2.000 người trong các cuộc giao tranh.
Lệnh ngừng bắn vì lý do nhân đạo đầu tiên giữa Armenia và Azerbaijan, do Nga làm trung gian, có hiệu lực hôm 10/10, nhưng ngay lập tức bị phá vỡ khi hai bên tham chiến cáo buộc lẫn nhau nổ súng trước.
Lệnh ngừng bắn thứ hai được đưa ra dựa trên tuyên bố của Tổng thống Mỹ, Nga và Pháp, các nước đồng chủ tịch nhóm Minsk thuộc Tổ chức Hợp tác và An ninh (OSCE) đóng vai trò trung gian tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh, có hiệu lực từ 0h ngày 18/10. Tuy nhiên, giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan cũng tiếp diễn chỉ vài phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực khi cả hai bên đều cáo buộc đối phương tấn công trước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua cũng đã trao đổi với lãnh đạo hai nước và gặp Tổng thống Armenia Armen Sarkissian. Việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột hiện nằm trong tay Nhóm Minsk.
Huyền Lê (Theo AFP)