![]() |
Tổng thống Iran Mamòu Ahmadinejah chào đón người đồng nhiệm Nga Putin ở Tehran. Ảnh: Reuters. |
Đây là lần đầu tiên một ông chủ điện Kremlin đến Iran kể từ Thế chiến II. Chuyến đi diễn ra bất chấp những thông tin trước đó về một âm mưu ám sát Putin. Ông nhún vai cho qua những lời cảnh báo và khẳng định sẽ công du Iran như kế hoạch.
"Tất nhiên là tôi sẽ đi Iran", ông nói, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. "Nếu lúc nào tôi cũng sợ những lời đe dọa và nghe khuyến cáo của lực lượng an ninh, tốt hơn là nên ở nhà".
Putin đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các nước khác không nên ép buộc Iran dừng chương trình hạt nhân, khẳng định đối thoại là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.
"Đe dọa ai đó, trong trường hợp này là ban lãnh đạo Iran và nhân dân Iran, sẽ không đi đến đâu cả", Putin nói. "Hãy tin tôi, họ không sợ đâu".
Chuyến công cán của Putin lần này được giới quan sát theo dõi sát sao, để xem Nga có thay đổi nào về quan điểm đối với vấn đề hạt nhân của Iran hay không. Tuần trước, tổng thống Nga đã nhấn mạnh sự khác biệt quan điểm với Washington, khi nói ông không có "số liệu khách quan" để chứng minh tuyên bố của phương Tây rằng Iran đang cố sản xuất vũ khí hạt nhân.
Nga đang xây dựng cho Iran nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, và luôn phản đối sức ép của Mỹ và các đồng minh về việc đưa ra một nghị quyết mới của LHQ chống Tehran. Nga cũng mạnh mẽ phản đối nguy cơ dùng biện pháp quân sự với Iran.
Dù nhờ sự phản đối của Nga mà Iran tránh được nghị quyết trừng phạt tiếp theo, Tehran vẫn than phiền về việc Matxcơva chậm hoàn thành lò phản ứng hạt nhân. Mặt khác, nếu lò phản ứng được nhanh chóng hoàn thiện, thì lập trường của Iran trong vấn đề hạt nhân có thể lại cứng rắn hơn đối với phương Tây.
Tuy vậy, chuyến thăm của Putin vẫn được đánh giá là rất quan trọng đối với Iran, kể cả khi hai bên có những vấn đề không thống nhất. "Chuyến thăm phá vỡ sự cô lập quốc tế, là một cơ hội để Iran chứng tỏ họ là một quốc gia quan trọng", Alexander Pikayev, chuyên gia về Iran làm việc cho Viện Kinh tế và Quan hệ Quốc tế của Nga, bình luận.
T. Huyền (theo AP)