"Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể phải đối mặt với loại virus nguy hiểm này, không loại trừ các nhân viên Liên Hợp Quốc, tại trụ sở chính cũng như văn phòng ở các khu vực", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong video phát biểu được phát tại kỳ họp thứ 75 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khai mạc hôm 22/9.
"Nga sẵn sàng cung cấp cho các nhân viên Liên Hợp Quốc sự hỗ trợ cần thiết và chất lượng, và đặc biệt chúng tôi đề xuất cung cấp vaccine miễn phí cho những nhân viên tình nguyện tiêm chủng của Liên Hợp Quốc cùng các đơn vị trực thuộc", Putin nói.
Tổng thống Nga nói thêm rằng đề xuất trên của Moskva nhằm đáp ứng đề nghị của một số nhân viên Liên Hợp Quốc. Putin tháng trước cho biết một cô con gái của ông cũng đã tiêm ngừa Covid-19 bằng vaccine Sputnik-V do Nga phát triển.
"Chúng tôi cảm ơn Tổng thống Nga Putin vì lời đề nghị hào phóng của ông và các cơ quan y tế của chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất này", phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết sau tuyên bố của Tổng thống Nga.
Tiến sĩ Margaret Harris, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc, từ chối bình luận thông tin.
Ông Putin hồi tháng 8 tuyên bố nước này đã phát triển thành công loại vaccine đầu tiên trên thế giới, cung cấp khả năng "miễn dịch vững vàng" chống Covid-19.
Trong một báo cáo được công bố trên tạp chí Lancet, các nhà phát triển vaccine Nga khẳng định Sputnik-V an toàn và tạo ra kháng thể ở tất cả 40 người được thử nghiệm ở giai đoạn hai của nghiên cứu, trong vòng ba tuần. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý mẫu nghiên cứu nhỏ và không có vaccine đối chứng.
Trước đó, các nhà khoa học phương Tây bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga, nghi ngờ giới nghiên cứu nước này có thể đã "đốt cháy giai đoạn" dưới áp lực từ chính quyền. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi Nga tuân thủ hướng dẫn sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả. Nga bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng Sputnik V đáp ứng các tiêu chí an toàn và hiệu quả.
Mai Lâm (Theo AP)