Hội đồng liên bang Nga, tức thượng viện, hôm nay nhất trí thông qua đề nghị của tổng thống Putin, trong một phiên họp được truyền trực tiếp trên truyền hình quốc gia.
Ông Putin đưa ra đề nghị sử dụng quân lực nhằm bảo vệ các công dân Nga sống ở khu tự trị Crimea của Ukraine và binh sĩ Nga đang hiện diện tại căn cứ quân sự mà Moscow thuê trên lãnh thổ của Ukraine.
"Với tình hình bất thường ở Ukraine và sự đe dọa đối với cuộc sống của các công dân Nga, tôi đệ trình lên Hội đồng Liên bang đề nghị sử dụng lực lượng vũ trang Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị ở quốc gia này bình thường trở lại", Điện Kremlin dẫn lời tổng thống Nga.
Đề nghị của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi cả Duma và Thượng viện Nga đều yêu cầu ông thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình trên bán đảo Crimea ở miền nam của Ukraine.
"Hội đồng Duma Quốc gia thông qua một lời kêu gọi tới tổng thống Nga, theo đó, các đại biểu quốc hội kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình trên bán đảo Crimea", hãng tin Interfax dẫn lời Sergei Naryshkin, người phát ngôn của Hạ viện Nga, nói. "Đồng thời, sử dụng mọi khả năng có thể để bảo vệ người dân Crimea khỏi tình trạng bạo lực và vô pháp luật"
Thượng viện cho biết Nga có thể gửi một "đội quân giới hạn" tới bán đảo Crimea để đảm bảo sự an toàn cho Hạm đội Biển Đen và người dân Nga đang ở đó.
"Trong tình hình hiện tại, có thể gửi một đội quân giới hạn tới khu vực Crimea thuộc Ukraine để đảm bảo an toàn cho Hạm đội Biển Đen và công dân Nga", AFP dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko, nói. "Quyền quyết định thuộc về tổng thống, kiêm tổng tư lệnh (Vladimir Putin) của chúng tôi. Một kịch bản như vậy là không thể loại trừ trong tình hình hiện nay. Chúng tôi phải bảo vệ người dân".
Theo bà Matviyenko, Ukraine là "nơi có một số lượng lớn các khu vực nguy hiểm", bao gồm các nhà máy điện hạt nhân, cần được bảo vệ.
"Việc bảo vệ các khu vực này là cần thiết, nhằm tránh xảy ra thảm họa lớn hơn", bà cho biết thêm. "Ông Putin nên thực thi 'mọi biện pháp có thể' để đảm bảo an toàn cho người dân Nga và giúp 'người anh em' Ukraine đạt được sự ổn định".
Nga cũng đã từ chối đàm phán với Ukraine về việc bảo trợ cho một thỏa thuận theo đó đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này, Interfax dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Andrij Deshchitsya cho biết. Ukraine đề nghị thảo luận với Nga sau khi cáo buộc Moscow triển khai quân đội tại khu vực Crimea.
Cũng hôm nay, hơn 10.000 người dân ở thành phố Donetsk, phía đông Ukraine, mang theo cờ Nga xuống đường biểu tình. Donetsk được coi là thành trì của cựu tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.
Những người biểu tình hô vang "Nga! Nga!" và tuyên bố ủng hộ "những khát vọng muốn Crimea tái nhập vào Nga".
"Chúng tôi kinh hoàng với những gì đang xảy ra ở Kiev. Chúng tôi sẽ không để chủ nghĩa dân tộc tiến vào Donetsk", một người biểu tình tên Oleksandr, 40 tuổi, nói.
Crimea, nơi có phần lớn dân số nói tiếng Nga, là khu vực tự trị duy nhất ở Ukraine. Căng thẳng giữa những người ủng hộ Moscow và phe theo chính phủ thân châu Âu ở Kiev tại khu vực này đang gia tăng trong thời gian gần đây.
Các diễn biến mới đây:
Hôm 27/2, một nhóm tay súng nắm được quyền kiểm soát quốc hội và tòa nhà chính quyền ở Crimea và cắm cờ Nga, khiến lực lượng an ninh Ukraine bị đặt trong trạng thái báo động.
Căng thẳng càng gia tăng khi các máy bay Nga chở khoảng 2.000 binh sĩ được cho là đã hạ cánh xuống một căn cứ quân sự ở Crimea. Moscow không hề đưa ra cảnh báo nào trước đó về động thái này.
Hai sân bay trên bán đảo Crimea, một ở thủ phủ khu tự trị, và một ở gần căn cứ hải quân Nga tại thành phố Sevastopol, hôm qua đã nằm dưới sự kiểm soát của các tay súng không rõ thuộc bên nào.
Giới chức Nga yêu cầu lãnh sự quán ở Crimea nhanh chóng cấp hộ chiếu và quyền công dân Nga cho các cựu đặc nhiệm cảnh sát Ukraine - lực lượng đã thực hiện lệnh của chính phủ Yanukovych về việc giải tán những người biểu tình ở quảng trường Độc lập ở Kiev. Các cựu đặc nhiệm này được chào đón khi đến Crimea.
Ukraine tố Nga đã đưa 6.000 quân nhân vào Crimea và cho rằng Moscow đang "khiêu khích quân sự". Tổng thống và ngoại trưởng Mỹ đều lên tiếng cảnh báo Nga không nên sử dụng biện pháp quân sự tại nước láng giềng Ukraine.
Nga từng nhiều lần tuyên bố sẽ bảo vệ lợi ích của công dân Nga tại Ukraine và hôm 26/2 bắt đầu tổ chức tập trận gần biên giới với Ukraine với hơn 150.000 binh sĩ tham gia. Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksander Turchinov cảnh báo Nga không nên điều binh sĩ đến Crimea, ngoài những nhân viên theo hiệp ước sử dụng căn cứ quân sự.
Video: Thiết giáp Nga rầm rập gần biên giới Ukraine
Nguyễn Tâm