Phát biểu trước các tướng lĩnh quân sự hàng đầu tại Bộ Quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Ba Lan từng "cùng móc ngoặc" với Hitler trong Thế chiến II. "Về cơ bản thì họ đã thông đồng với Hitler. Điều này được thể hiện rõ ràng qua các tài liệu, tài liệu lưu trữ", ông tuyên bố.
Sử dụng ngôn từ khá mạnh, Putin nói một đại sứ Ba Lan thời chiến tranh được cho là đã hứa đặt một bức tượng Hitler ở Warsaw vì cam kết đưa người Do Thái tới châu Phi.
"Một kẻ khốn, một kẻ bài Do Thái, bạn không thể hiểu việc đó theo bất kỳ cách nào khác", Tổng thống Nga nhấn mạnh, đề cập đến cái mà ông nói là nhật ký của đại sứ Ba Lan ở Đức. "Ông ta đã thể hiện hoàn toàn đứng về phía Hitler với quan điểm chống Do Thái của mình".
Putin cũng chỉ trích những gì ông gọi là nỗ lực xóa bỏ ký ức về chiến thắng của Liên Xô tại những quốc gia từng nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Moskva.
"Đó là những người giống những kẻ đã đàm phán với Hitler, chính những người như thế ngày nay đang phá hủy các tượng đài chiến sĩ giải phóng, những người lính Hồng quân đã giải phóng châu Âu và người dân châu Âu khỏi phát xít", ông nói. "Không có gì thay đổi và chúng ta nên tính đến điều này khi xây dựng lực lượng vũ trang, bên cạnh những thứ khác".
Nga đang phát triển vũ khí tối tân và không còn chơi trò rượt đuổi với phương Tây nữa, Tổng thống Putin quả quyết. "Đây là tình huống độc nhất vô nhị trong lịch sử hiện đại của chúng ta: Họ đang đuổi theo ta", ông nói.
Căng thẳng giữa Moskva và Warsaw đang gia tăng khi Ba Lan, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), lo sợ về những gì mà họ mô tả là xu hướng phiêu lưu quân sự và đế quốc của Nga.
Cuối tuần trước, Ba Lan bày tỏ "quan ngại và thiếu tin tưởng" về những phát ngôn gần đây của Putin lẫn các quan chức Nga hàng đầu về Chiến tranh Thế giới II. Warsaw chỉ trích Moskva vì "tái áp dụng các chính sách tuyên truyền của Stalin" và "lãng phí" những nỗ lực hòa giải để cải thiện quan hệ.
Tuần trước, Putin đổ lỗi cho các cường quốc phương Tây và Ba Lan trong Thế chiến II, nhắc tới nhiều hiệp ước mà họ đã ký với Đức Quốc xã trước khi xung đột bùng phát năm 1939.
Vũ Hoàng (Theo AFP)