"Thật không may, mối đe dọa Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hạ viện hôm 21/6. "Ở nhiều vùng, tình hình thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn".
Nga báo cáo 5.334.204 người nhiễm và 129.801 người chết, tăng lần lượt 17.378 và 440 trường hợp. Ca nhiễm tăng mạnh ở một số khu vực, đặc biệt là thủ đô Moskva, nơi ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm hôm 19/6.
Một video xuất hiện trên mạng xã hội hôm 20/6 cho thấy bệnh nhân Covid-19 nằm sấp trên sàn hành lang bệnh viện ở St Petersburg, thành phố quê hương của Putin, nơi đang tổ chức một số trận đấu thuộc giải vô địch bóng đá Euro 2020. Giới chức địa phương đang kiểm tra tính xác thực của video.
Giới chức cũng đang kêu gọi người dân đi tiêm phòng Covid-19 bằng cách treo thưởng ô tô và căn hộ mới, đồng thời cảnh báo những người không tiêm có thể bị mất thu nhập và sa thải. Họ cho biết sự gia tăng ca nhiễm mới do biến thể Delta, đồng thời thừa nhận chiến dịch quảng bá toàn quốc nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng chưa được thực hiện đầy đủ.
Vaccine đã được phổ biến rộng rãi nhiều tháng qua, nhưng nhiều người Nga vẫn không muốn tiêm phòng. Tính đến ngày 2/6, chỉ 18 triệu trong số khoảng 144 triệu dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng phương hướng sắp tới là tái tiêm chủng.
"Việc tái tiêm chủng là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ tiêm chủng, mà còn tái tiêm chủng đối với những người muốn giữ an toàn cho bản thân và những người thân yêu của họ", Peskov nói.
Thế giới đã ghi nhận 179.473.183 ca nhiễm nCoV và 3.886.302 ca tử vong, tăng lần lượt 223.465 và 4.011, trong khi 162.356.540 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.415.703 ca nhiễm và 617.332 ca tử vong do nCoV, tăng 6.025 ca nhiễm và 114 ca tử vong so với một ngày trước đó. Đây là số ca tử vong hàng ngày thấp nhất ở Mỹ kể từ tháng 3/2020.
Nhà Trắng thông báo kế hoạch chuyển 55 triệu liều vaccine Covid-19, với khoảng 75% được phân bổ cho Mỹ Latinh và Caribbean, châu Á và châu Phi thông qua chương trình Covax. 20 triệu liều khác được chuyển đến các quốc gia đồng minh cụ thể.
Mỹ đặt mục tiêu chia sẻ lượng vaccine trên vào cuối tháng 6, tuy nhiên, hiện chưa đến 10 triệu liều được chuyển đi trên khắp thế giới, gồm 2,5 triệu liều được chuyển đến đảo Đài Loan cuối tuần qua và khoảng một triệu liều được chuyển đến Mexico, Canada và Hàn Quốc đầu tháng này.
Nhà Trắng cho biết khoảng 41 triệu liều sẽ được chia sẻ thông qua Covax, với khoảng 14 triệu đến châu Mỹ Latinh và Caribbean, khoảng 16 triệu đến châu Á và khoảng 10 triệu đến châu Phi.
25% còn lại, tương đương khoảng 14 triệu liều, sẽ được chia sẻ với "các ưu tiên khu vực", bao gồm Colombia, Argentina, Iraq, Ukraine, Bờ Tây và Gaza.
"Khi chúng tôi tiếp tục chiến đấu với đại dịch Covid-19 trong nước và nỗ lực chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới, Tổng thống Biden đã cam kết Mỹ sẽ là kho chứa vaccine cho thế giới", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 29.973.457 ca nhiễm và 389.268 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 39.096 và 846 ca.
Ấn Độ hôm qua ghi nhận mức tiêm chủng kỷ lục 8,3 triệu liều vaccine Covid-19, trong chiến dịch liên bang tiêm phòng miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành. Kỷ lục trước đó của Ấn Độ là 4,5 triệu liều là vào ngày 5/4, sau đó sụt giảm mạnh với lượng tiêm trung bình hàng ngày xuống dưới ba triệu.
"Nếu nguồn cung vẫn ổn định, tất nhiên chúng tôi sẽ tiêm chủng cho phần lớn dân số vào cuối năm nay", DN Patil, quan chức y tế cấp cao ở bang Maharashtra với dân số hơn 125 triệu, nói.
Nước này đang sử dụng phiên bản vaccine AstraZeneca được sản xuất trong nước và Covaxin của công ty Bharat Biotech, Ấn Độ. Chính phủ đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ các loại vaccine nước ngoài như Pfizer và đã từ bỏ quy định nghiêm ngặt để cho phép nhập khẩu nhanh hơn.
Canada sẽ bắt đầu dỡ một số hạn chế biên giới đối với những công dân được tiêm chủng đầy đủ, bắt đầu từ 5/7. Theo đó, những người Canada và thường trú nhân trở lại đất nước sẽ miễn cách ly nếu đã tiêm đủ hai liều vaccine. Mục tiêu của Canada là cho phép những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh trong những tháng tới.
Theo dữ liệu chính thức, tính đến 18/6, chỉ 14,7% người Canada đã tiêm cả hai mũi vaccine.
Canada lần đầu cấm du lịch không thiết yếu vào tháng 3/2020 như một phần của nỗ lực chống Covid-19, với các biện pháp được mở rộng hàng tháng kể từ đó.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 2.004.445 ca nhiễm, tăng 14.536, mức tăng hàng ngày cao nhất từ khi đại dịch bùng phát, và 54.956 người chết, tăng 294. Số liệu mới nhất đưa tổng số ca nhiễm ở Indonesia vượt hai triệu.
Indonesia sẽ thắt chặt các hạn chế xã hội đối với các "vùng đỏ" trong hai tuần, bắt đầu từ 22/6, nhằm ngăn chặn ca nhiễm mới gia tăng. Động thái này đồng nghĩa các văn phòng, nhà hàng, quán cà phê và trung tâm thương mại chỉ được phép hoạt động với 25% công suất. Hoạt động tôn giáo tạm thời bị đình chỉ và điểm tham quan du lịch phải đóng cửa.
Các lĩnh vực quan trọng, như dịch vụ cơ bản, có thể hoạt động 100% công suất với quy trình y tế nghiêm ngặt hơn, trong khi công suất văn phòng ở các khu vực không thuộc vùng đỏ sẽ ở mức 50%.
Các khu vực đã được chỉ định là vùng đỏ bao gồm các vùng Kudus ở Java, Bangkalan trên đảo Madura, thủ đô Jakarta và một phần của Riau ở Sumatra.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.364.239 ca nhiễm và 23.749 ca tử vong, tăng lần lượt 5.249 và 128 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 21/6 dọa sẽ bỏ tù những người không tiêm vaccine Covid-19, sau khi có báo cáo về tỷ lệ người tiêm chủng thấp tại một số địa điểm ở thủ đô Manila. Tuyên bố này trái ngược với quan chức y tế Philippines, những người nói rằng dù kêu gọi người dân tiêm vaccine Covid-19, đây vẫn là lựa chọn mang tính tự nguyện.
Philippines đã đặt hàng 113 triệu liều vaccine từ 5 nhà sản xuất, gồm 26 triệu liều Sinovac, 10 triệu liều Sputnik V, 20 triệu liều Moderna, 17 triệu liều AstraZeneca và 40 triệu liều từ Pfizer/BioNTech mới đạt thỏa thuận.
Myanmar hôm qua báo cáo 595 ca nhiễm mới và ba ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 148.617 và 3.265. Đây là mức tăng lớn nhất từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2 khiến nhiều nhân viên y tế bỏ việc và không tham gia chống dịch.
Ca nhiễm tăng vọt trong tháng này, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lớn hơn nhiều. Nhiều ca nhiễm mới đã được báo cáo từ khu vực gần biên giới với Ấn Độ.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính tăng gần 12%, cao hơn nhiều so với trước đảo chính và gần bằng mức cao nhất tháng 11/2020.
Huyền Lê (Theo AFP, Guardian)