"Cảm ơn rất nhiều vì sự tin tưởng và ủng hộ của mọi người", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình hôm nay sau khi ủy ban bầu cử Nga thông báo gần 78% cử tri trong số 85% phiếu bầu đã được kiểm ủng hộ sửa đổi hiến pháp.
Putin nhắc lại rằng các sửa đổi hiến pháp là cần thiết vì chúng "cải thiện hệ thống chính trị và củng cố các bảo đảm xã hội" cũng như "tăng cường chủ quyền". Ông không đề cập việc hiến pháp mới cũng "tính lại" các nhiệm kỳ tổng thống trước đây, cho phép ông có thể tiếp tục nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 6 năm, sau khi mãn nhiệm vào năm 2024.
"Liên Xô tan rã cách đây chưa lâu", Putin nói. "Chúng ta vẫn rất dễ bị tổn thương ở nhiều khía cạnh. Như mọi người nói, rất nhiều thứ đã được gắn kết lại với nhau. Chúng ta cần sự ổn định nội bộ và thời gian để củng cố đất nước và thể chế của nó".
![Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình hôm 30/6. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/07/02/putin-9801-1593696621.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tIIwy_7D_D7GNqR8qXJqAA)
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình hôm 30/6. Ảnh: AFP.
Tổng thống Nga cũng nói rằng ông hiểu những người bỏ phiếu phản đối sửa đổi hiến pháp, chỉ ra rằng "nhiều vấn đề chưa được giải quyết". Nhưng kết quả bỏ phiếu "cho thấy phần lớn công dân Nga tin rằng chúng ta có thể làm việc tốt hơn" và chính phủ "phải làm mọi cách để chứng minh sự tin tưởng này là đúng", Putin cho hay.
Trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp ban đầu được lên kế hoạch diễn ra ngày 22/4 nhưng bị hoãn do Covid-19. Cuộc trưng cầu diễn ra từ 25/6 và kết thúc tối 1/7.
Hiến pháp Nga sửa đổi vẫn quy định tổng thống chỉ được làm hai nhiệm kỳ, nhưng xóa các nhiệm kỳ trước đây. Những người có quốc tịch nước ngoài và cư trú tại Nga dưới 25 năm không được phép tranh cử tổng thống. Công dân tại bán đảo Crimea, được Nga sáp nhập năm 2014, được miễn yêu cầu về thời gian cư trú khi ứng cử tổng thống. Ngoài ra, những người có quốc tịch hoặc giấy phép cư trú ở nước ngoài cũng không được đảm nhận các vị trí cao trong chính phủ Nga.
Một số sửa đổi khác về các vấn đề xã hội bao gồm bảo lãnh của nhà nước về lương cơ bản trên cơ sở mức sinh hoạt phí hay định nghĩa hôn nhân là sự kết hợp của một nam và một nữ. Một sửa đổi quy định hiến pháp Nga sẽ được ưu tiên trong trường hợp các hiệp ước quốc tế có thể được giải thích theo cách đi ngược lại đạo luật này.
Những người chỉ trích cho rằng cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp sửa đổi dọn đường cho Putin giữ chức tổng thống Nga trọn đời. Chính trị gia đối lập Alexei Navalny cho rằng cuộc trưng cầu dân ý không phản ánh ý kiến thật sự của công chúng.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hôm nay gọi điện chúc mừng Tổng thống Nga sau cuộc trưng cầu dân ý cũng như chúc mừng thành công của lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít hôm 24/6.
Huyền Lê (Theo AFP)