Cổng thông tin việc làm do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và khởi nghiệp của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xây dựng với mục đích hỗ trợ tìm kiếm đơn vị thực tập, việc làm bán thời gian, toàn thời gian cho tất cả sinh viên. Bên cạnh đó, nền tảng cung cấp cho sinh viên nhiều công cụ hữu ích khác như tạo CV; bài kiểm tra MBTI, MI; tính toán lương; mức lương trung bình phổ biến theo từng lĩnh vực, địa phương.
Đại diện PTIT cho biết, đây là hoạt động nhằm tối ưu hóa việc tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực của sinh viên và bổ trợ hoạt động gắn kết doanh nghiệp. Theo số liệu công bố năm 2023 của học viện về tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, trường có nhiều ngành đạt tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao như An toàn thông tin (93,94%), Công nghệ thông tin (92,96%), Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (91,79%)...
"Những con số này minh chứng cho nỗ lực của nhà trường trong việc gắn kết doanh nghiệp và xúc tiến việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại PTIT", vị đại diện nói thêm.
Để đạt kết quả này, đơn vị hợp tác với nhiều "ông lớn" công nghệ như Samsung, Naver, Google, Amazon, FPT, Viettel... Những hãng này sẵn sàng tài trợ học bổng, khóa học miễn phí, tài trợ phòng Lab... cho thầy và trò học viện nghiên cứu, học tập.
Năm 2023, Google tài trợ PTIT gói khóa học trị giá 2,5 tỷ đồng cho sinh viên và vinh danh là một trong 6 trường đại học đào tạo nhân tài số xuất sắc nhất. Samsung cũng đóng góp 20.000 USD cho dự án nghiên cứu và nhiều suất học bổng tài năng từ 3.000 USD đến 6.000 USD cho sinh viên, học viên cao học.
Phạm Hồng Nhung, cựu sinh viên khóa D19 ngành Công nghệ thông tin, từng nhận học bổng tài năng Samsung từ năm thứ tư và đang công tác tại Samsung SVMC. Chị cho biết, chương trình học bổng Tài năng Samsung tạo động lực cho sinh viên trong học tập và trao cơ hội tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Quá trình đi làm sớm và tiếp xúc với môi trường doanh nghiệp từ năm thứ tư cũng giúp chị bắt nhịp nhanh với tiến độ công việc hiện tại và tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Hàn với các đồng nghiệp.
Bên cạnh đó, PTIT cũng chú trọng trang bị cho sinh viên kỹ năng mềm cần thiết cho quá trình hội nhập quốc tế và trở thành công dân toàn cầu. Học viện triển khai nhiều học bổng liên kết với các trường Đại học Sydney (Australia), Đại học Gunma (Nhật Bản), Đại học Chung Ang (Hàn Quốc), Đại học Palermo (Italy)... Hiện, đơn vị có nhiều sinh viên đến từ các quốc gia trên thế giới học tập như Pháp, Hàn Quốc, Mông Cổ, Myanmar, Lào..., từ đó, tạo nên một môi trường học tập quốc tế và đa dạng văn hóa.
PGS. TS. Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ, đơn vị định hướng theo hình mẫu đại học số, quốc gia số thu nhỏ, đào tạo ra những công dân số tiêu biểu. Trường cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực số của đất nước và khu vực.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đại học công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Trường đào tạo các ngành lai ghép công nghệ số như Công nghệ Tài chính, Kỹ thuật Dữ liệu, Báo chí số, Marketing số, Thương mại Điện tử...
Trong kỳ tuyển sinh đại học 2024, PTIT tuyển sinh 5.060 chỉ tiêu tại hai cơ sở đào tạo Hà Nội và TP HCM. Học viện áp dụng bốn phương thức, gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy; xét tuyển kết hợp và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Song song, đơn vị dự kiến mở và tuyển sinh thêm các ngành, chương trình đào tạo mới như Quan hệ công chúng; Thiết kế và phát triển game; Công nghệ thông tin Việt -Nhật...
Thiên Minh