Zdenek Zeman: Người Bohemian giữa lòng Serie A

Người đàn ông có gương mặt hiền, khắc khổ và nghiện thuốc rất nặng bên trên là phản đề của một nền bóng đá xây dựng trên nền tảng phòng ngự. Ở Italy, người ta gọi ông là "Il Boemo", tức người Bohemian, bởi ông luôn từ chối hòa vào dòng chảy chung của Serie A.

Khi Zeman nói, giọng ông chậm, sâu và gần như đều đều, rất phù hợp làm phát thanh cho chương trình kể chuyện đêm khuya. Cách hành xử của ông cũng nhỏ nhẹ, lịch thiệp, có chút gì đó gợi nhớ đến nhân vật Rudolf Abel trong "Bridge of Spies". Trong bộ phim về gián điệp ấy, Abel không bao giờ tức giận hay hoảng hốt. Người ta hỏi ông sao có thể bình thản thế, ông luôn nói: "Thế hoảng hốt có ích gì không?"

Giữa một xứ sở bóng đá mà phòng ngự đổ bê tông (catenaccio) là kim chỉ nam hành động, Zeman chỉ tôn sùng lối chơi tấn công. Ông ném sự thực dụng vào sọt rác để truy tầm cái đẹp. Nếu tỷ số đang là 1-0 và trận đấu chỉ còn lại ba phút, ông vẫn sẽ xua quân tràn lên như thể bảng điện tử đang là 0-0. Cầu thủ của Zeman đã vào sân là phải chạy thật nhiều, tấn công liên tục. Điều đó cần một nền tảng thể lực rất sung mãn. Zeman từng bị chỉ trích dữ dội vì những bài tập theo kiểu bào sức các cầu thủ, nhưng ông đáp: "Đã có ai chết vì mấy bài tập ấy đâu?". Zeman không bao giờ hiểu được tại sao người Italy lại thích thắng với tỷ số 1-0 hơn là 5-4. Ông nói với Corriere dello Sport: "0-0 là một tỷ số tẻ nhạt. Thà thua 4-5 còn có chút hào hứng".

Trong quan niệm của Zeman, bóng đá là một môn thể thao rất đẹp, nhưng đã bị làm hỏng bởi chiến thuật hiện đại. Khi tiền đổ vào bóng đá nhiều hơn, đồng nghĩa với nhiều toan tính hơn. Ông ghét tiền bạc và chính trị, ông quy cho chiến thuật là tên đao phủ, đã hạ sát thứ bóng đá đẹp mà ông từng tôn sùng. Thế nên, khi đánh giá Zeman, giới chuyên môn không thể dựa trên những danh hiệu hay số trận thắng. HLV nổi tiếng là nhờ tư tưởng. Người ta làm phim tài liệu về ông, Zemanlandia. Người ta viết bài hát về ông, La coscienza di Zeman (Ý thức của Zeman). Người ta đưa ông vào những quyển sách. Còn về những danh hiệu thì từ khi cầm quân lần đầu trong thập niên 1970 đến nay, Zeman chỉ một lần vô địch Serie C2 (giải hạng Tư) và hai lần vô địch Serie B.

Hè 2006, khi bóng đá Italy nổ ra vụ Calciopoli, Zeman buồn như con thú bị thương. Người ta không chỉ chơi phòng ngự, mà còn vấy bẩn môn thể thao này. Ngày Zeman đến tòa để lấy lời khai, La Repubblica tóm tắt sự nghiệp của ông trong một dòng tiêu đề: "Một HLV đẹp của những giá trị đã mất". Về phần ông, Zeman chưa từng cảm thấy hối hận vì thành tích nghèo nàn, lại bị sa thải thường xuyên như cơm bữa. "Đâu có gì phải xấu hổ khi về chót, vì ta đã cống hiến với trọn vẹn phẩm giá của mình", Zeman từng nói.

Zeman thời dẫn dắt Licata.

Zeman chào đời tại Prague năm 1947. Ông chưa từng là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Sau năm 16 tuổi, ông thậm chí ngưng đá bóng. Zeman giỏi môn khúc côn cầu trên băng, bóng chuyền, bóng chày và bóng rổ, tức là những môn dùng tay thay vì chân. Năm 1968, ông có bốn tháng nghỉ hè tại Sicily, Italy với ông cậu Cestmir Vycpalek, một cựu tiền vệ Juventus, Palermo và Parma (Vycpalek từng cùng Juventus đoạt hai scudetto vào các năm 1971, 1972 rồi rời đội năm 1974, hai năm trước khi Juve bổ nhiệm Giovanni Trapattoni).

Trong thời gian Zeman lưu lại Sicily, quân đội Liên Xô tràn vào Tiệp Khắc. Thế nên thay vì trở về nhà sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc, Zeman ở hẳn luôn Italy với ông cậu. Rồi ông có được hộ chiếu Italy, thành hôn với một phụ nữ Sicily và theo học ngành y học thể thao. Ở tuổi 27, Zeman được nhận vào làm ở trung tâm đào tạo của CLB Palermo. Chín năm sau đó của Zeman trôi qua ở đấy, khởi đầu là công việc ở đội U12. Cứ mỗi buổi tập, ông lại được nhận mức thù lao chưa đến 40 xu.

Năm 1983, Zeman trở thành HLV trưởng của Licata, một CLB nhỏ tại Sicily. Trong mùa bóng thứ hai ở đây, ông cùng Licata về nhất ở một trong bốn bảng đấu tại Serie C2 và giành quyền thăng hạng Serie C1. Ngay lúc đó, Zeman đã cho thấy ý chí lãng mạn của ông. Trong 34 trận đấu, Licata ghi 58 bàn, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào ít nhất 20 bàn. Đội về nhì sau Licata mùa ấy - Sorrento - chỉ ghi có 28 bàn, tức bình quân 0,82 bàn/trận.

Zeman không thể thành công trong một môi trường chống lại ông. Nếu cầu thủ chịu theo ông ấy, Ban lãnh đạo chịu tin ông ấy, đội bóng sẽ chơi rất quyến rũ và thành công. Nhưng Zeman làm gì có sự toàn tâm ủng hộ ấy trong thời buổi này. Đấy là lý do ông ấy làm việc với các cầu thủ trẻ tốt hơn là với các ngôi sao.

Giuseppe Sansonna (đạo diễn phim tài liệu Zemanlandia)

Sau chút tiếng vang ở Licata, Zeman được mời về dẫn dắt Foggia ở Serie C1 năm 1986, rồi làm một năm trước khi bị sa thải. Nhưng cũng chỉ một năm sau đó, Zeman đến dẫn dắt Parma ở Serie B thay Arrigo Sacchi. Khi Sacchi rời đi, nhiều cầu thủ cũng theo chân ông. Chật vật với việc tái xây dựng đội bóng, Zeman lại bị sa thải sau bảy trận. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Zeman ở Parma là trận giao hữu thắng lợi trước Real Madrid của "bộ ngũ kền kền". Emilio Butraguneo sau này vẫn nhớ trận đấu ấy. Ông bảo chưa thấy đội bóng nào mà ngay cả giao hữu cũng đá kiểu "cảm tử quân" như thế.

Năm 1988, Zeman trở lại Sicily để cầm quân cho Messina. Họ ghi bàn nhiều nhất Serie B, nhưng cũng lọt lưới nhiều thứ nhì và kết thúc mùa giải ở giữa bảng điểm. Trong thời gian này, Zeman đã trau dồi rất nhiều cho một tiền đạo về sau trở thành người hùng của Italy ở World Cup 1990: Salvatore Schillaci.

Schillaci không phải là tài năng hiếm hoi thành danh nhờ Zeman. Trong chín năm của ông ở Palermo trước đó, đã có tổng cộng 60 cầu thủ dưới trướng Zeman trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Mùa cuối cùng của ông ở đội trẻ, có sáu cầu thủ tự đào tạo giành được vị trí ở đội một tại Serie B. Ông luôn coi trọng việc phát triển kỹ năng cho những cầu thủ. Ông từng tâm sự trên Neue Zurcher Zeitung (Đức): "Ngày nay nhiều HLV chỉ biết huấn luyện chiến thuật, chẳng quan tâm gì đến việc giúp cầu thủ của họ chơi hay hơn, trong khi cầu thủ lại làm nên tên tuổi cho họ. Tôi là một trong số rất ít người còn sót lại".

Hút thuốc là thói quen đi cùng Zeman suốt chiều dài sự nghiệp cầm quân. Ảnh: La Presse.

Có một thứ gì đó mâu thuẫn ở Zeman, khi ông làm mọi cách để cải thiện thể lực cho các học trò, trong khi bản thân là một người hút thuốc như ống khói. Khi trả lời phỏng vấn tạp chí Blizzard, phóng viên để ý cứ sáu phút là ông đốt thuốc một lần. Trong chính bài phỏng vấn ấy, Zeman nói: "Tôi chưa từng để ý xem mình hút bao nhiêu điếu một ngày. Nếu để ý, tôi sẽ căng thẳng, và có khi còn hút nhiều hơn".

Theo đạo diễn Guiseppe Sansonna, người làm bộ phim tài liệu về Zeman, thói quen hút thuốc của Zeman khởi nguồn từ việc ông rất thích đánh bài, mà đánh bài thâu đêm thì rất cần thuốc lá. Một lần, Zeman nhìn thấy các học trò của ông đánh bài thay vì đi ngủ. Ông đã không quở phạt họ, mà xách ghế lại "xin một chân". Họ chơi cho đến khi mặt trời lên, sau khi Zeman phạt tất cả, bao gồm... chính ông!

Năm 1989, Zeman trở lại Foggia, lúc này vừa thăng hạng Serie B. Những năm sau đó rất hào hứng, và câu chuyện thần tiên ấy sau này trở thành nguồn cảm hứng cho bộ phim tài liệu Zemanlandia. Foggia vô địch Serie B ở mùa thứ hai, ghi nhiều hơn mọi đối thủ ít nhất 14 bàn (đồng thời cũng để lọt lưới 36 bàn sau 38 vòng). Khi đã lên Serie A, họ làm sửng sốt tất cả với lối đá tấn công cuồng loạn. CLB trở thành bệ phóng cho những cầu thủ trẻ như Luigi Di Biagio, Francesco Baiano, Jose Antonio Chamot và Dan Petrescu. Mùa giải đầu tiên ở Serie A, Foggia về thứ chín, ghi bàn chỉ kém mỗi AC Milan của Fabio Capello.

Hai mùa tiếp theo sau, Foggia về thứ 12 và thứ 9. Zeman rời đội sau ba mùa. Chỉ một năm sau, Foggia phải xuống hạng. Một lần được hỏi về phong cách chiến thuật của ông, Zeman cho biết ông bị ảnh hưởng bởi trường phái Danubian: một phong cách chiến thuật lãng mạn cổ điển được sáng tạo bởi những nhà trí thức Đông Âu trong thập niên 1930. Trong những buổi gặp gỡ bên bàn cà phê ở Vienna, Budapest và Prague, họ đề cao kỹ thuật hơn sức mạnh, họ thích chuyền ngắn hơn là phát bóng dài rồi chạy theo kiểu Anh.

Và cách chơi ấy đã gây tiếng vang khi đội tuyển Áo vào bán kết của kỳ World Cup 1934 và giành HC bạc ở Olympic 1936. Đại diện hoàn hảo nhất cho lối chơi theo "trường phái Danubian" chính là tiền đạo mảnh khảnh Matthias Sindelar, được mệnh danh là "Mozart của bóng đá". Zeman chỉ đơn giản là phục dựng lại một lối chơi ngỡ như đã thất truyền. "Tôi chỉ thay đổi nhịp điệu một chút", ông nói với tờ Blizzard.

Theo sơ đồ 4-3-3 và triết lý tấn công của Zeman, rất nhiều cầu thủ hoặc vô danh, hoặc còn chưa thật sự nổi tiếng, đã toả sáng, trở thành những tên tuổi lớn về sau của Serie A và thế giới.

Zeman mê nhất sơ đồ 4-3-3, với bộ tứ hậu vệ đứng dâng cao, hàng tiền vệ chia nhiệm vụ theo khu vực và các tiền đạo chạy không ngừng nghỉ để gây sức ép lên đối phương. Đấy là khi không có bóng. Còn khi đã đoạt được bóng, sơ đồ chiến thuật không còn ý nghĩa gì nhiều. Những lúc ấy, Zeman như  chiến tướng, vung gươm lên và hét: "Tràn lên hết đi". Khi có bóng, các hậu vệ của Zeman cũng trở thành tiền đạo.

Zeman nói: "Khi chúng tôi tấn công, cả ba tiền đạo đều phải túc trực trong khu vực 16m50. Hai trong số ba tiền vệ phải xâm nhập vòng cấm thật nhanh. Nhờ vậy mà khi rót bóng vào vòng 16m50, chúng tôi có đông quân số hơn cả đối phương. Và đông hơn thì cơ hội ghi bàn cao hơn. Có gì là phát kiến vĩ đại đâu, chỉ là một phép toán đơn giản", Zeman nói trên Wall Street Journal.

Zeman chọn sơ đồ 4-3-3 có lẽ là học theo thần tượng của ông, Stefan Kovacs, người đã kế nhiệm Rinus Michels để mang Ajax đến hai chiếc Cup C1 năm 1972 và 1973. Zeman vẫn nhớ lời Stefan Kovacs: "Cách phòng ngự hay nhất là dâng lên. Tội vạ gì phải chạy sau lưng đối phương, cứ trực diện mà tranh chấp với họ. Ở Italy, các HLV cứ sợ thua trận là mất việc. Thành ra họ toàn phá lối chơi của đối thủ chứ chẳng chịu chơi cách của riêng mình. Với tôi, đá bóng là phải làm mọi cách để thắng, chứ không phải để tránh thua".

La Coscienza di Zeman - bài hát của một fan Roma viết tặng Zeman
 
 

Ca sĩ Antonello Venditti, CĐV ruột của AS Roma, sáng tác một bài hát dành tặng cho Zeman năm 1999. Bài hát ấy có tựa La Coscienza di Zeman với câu hát kết bài lặp đi lặp lại: "Perche non cambi mai" (có nghĩa là: "Bởi vì ông chẳng bao giờ thay đổi").

Khi bóng ở vạch giữa sân, các đội bóng của Zeman thường có đến tám cầu thủ đứng tại đó. Chỉ cần chờ tiếng còi là đồng loạt tràn sang phần sân đối phương như thác lũ. Zeman không đổi sơ đồ chiến thuật, càng không thay đổi triết lý. Ông bảo ông không thể hiểu nổi những HLV có thể luân phiên dùng ba hay bốn sơ đồ khác nhau. Bởi vì chính Zeman, suốt 40 năm ròng rã huấn luyện, thấy "chỉ có mỗi sơ đồ 4-3-3 thôi mà còn chưa hiểu hết sự tinh diệu của nó".

Cách chuyền bóng của Zeman gần với Marcelo Bielsa hơn là Johan Cruyff, tức là chuyền nhanh, trực diện, tiếp cận khung thành đối phương cấp kỳ. "Tôi luôn thích loại bỏ những thứ dư thừa trong bóng đá. Tôi ghét chuyền ngang, có khác gì chơi với nhau trong vườn đâu", Zeman nói với Football Italia. "Vì thế, tôi luôn yêu cầu cầu thủ của mình phải chuyền cho thật hiệu quả và sáng tạo. Mạo hiểm tý cũng được".

Chuyền nhiều thì phải chạy nhiều, mà chạy nhiều thì bào thể lực. Zeman luôn chú trọng đến những bài tập nâng cao sức bền. Ông lôi cầu thủ vào rừng, kéo ra bãi biển, đến khi vào sân tập thì không chạy vòng quanh mà phải chạy lên xuống những bậc thang. Một cầu thủ cũ của Zeman đã dùng từ "sống sót" sau một mùa bóng mà anh gọi là "kinh hoàng tột độ". Khi báo chí dần chỉ trích phong cách huấn luyện hành xác của Zeman, ông đáp: "Các buổi tập có thể rất nặng, nhưng vui phết. Mà khi mình vui thì mình đâu thấy mệt. Anh có thấy bọn trẻ chạy nhảy cả ngày trời mà không bao giờ than mệt không? Vì chúng vui đấy".

Những đội bóng của Zeman như một bản giao hưởng của sự hài hòa và vẻ đẹp. Cầu thủ của Zeman chơi bóng tự do và đầy cá tính. Các trận đấu của Zeman luôn ngập tràn năng lượng, đầy tính giải trí. Ông cấm tiệt các cầu thủ câu giờ. Zeman không tạo ra điều kỳ diệu, nhưng là một trong số ít thiên tài trong bóng đá

Arrigo Sacchi

Điều kiện tập luyện hạn chế không thể ngăn trở Zeman. Ở Foggia, Zeman chỉ có duy nhất một sân tập. Khi không thể dùng sân, ông kéo cả đội ra... bãi giữ xe bên ngoài sân tập. Ngay cả với những HLV xây dựng đội bóng theo trường phái tấn công, Zeman vẫn có chỗ đứng không thể nhầm lẫn. Arsene Wenger, Pep Guardiola và Bielsa xem tấn công là con đường tốt nhất để chiến thắng. Với Zeman, đó là con đường duy nhất.

Với Zeman, bóng đá trước hết là phải vui. Ông ngưỡng mộ những đội bóng ở La Liga, sẵn sàng đá đôi công với những đội mạnh hơn mình gấp bội. Ông căm ghét những người theo trường phái thực dụng. Ông từng mỉa mai Jose Mourinho và Capello khi họ vô địch: "Với những cầu thủ họ có, ông nội tôi cầm quân cũng còn chiến thắng". Năm 2009, ông gọi Mourinho là "một tay giao tiếp xuất sắc rất biết cách che giấu sự xoàng xĩnh của mình". Mourinho hồi đáp: "Zeman là ông nào vậy, để tôi tra Google xem ông ta giành mấy Cup rồi".

Zeman tất nhiên không có nhiều Cup. Nhưng ông chưa từng xem đấy là một thất bại. Trong mùa bóng đầu tiên của ông ở Serie A với Foggia, ông chứng kiến đội nhà hạ Verona 5-0, hòa 3-3 với Napoli và Fiorentina, hòa 4-4 với Atalanta, thua Lazio 2-5 và thua AC Milan 2-8. Những trận đấu của Zeman luôn sôi động, hấp dẫn và có bất ngờ để chờ đợi. "Người vào sân xem bóng đá thấy vui là tôi vui", Zeman nói trên Neue Zurcher Zeitung. "Khán giả vào sân để được hào hứng, phấn khởi sau khi đã quá mệt mỏi với cuộc sống ngoài kia. Vậy mà nhiều đội bóng nỡ nào ru cho họ ngủ luôn".

Thành công tại Foggia đưa Zeman đến đội bóng lớn đầu tiên trong sự nghiệp. Năm 1994, ông ký hợp đồng dẫn dắt Lazio, đội bóng sẽ về thứ hai và thứ ba trong hai mùa đầu tiên cùng Zeman. Trong mùa bóng đầu tiên, họ đè bẹp Milan 4-0, Napoli 5-1, Padova 5-1, hạ đội bóng cũ Foggia 7-1 và thắng Fiorentina với tỷ số đậm nhất mùa: 8-2.

Serie A 1994-1995: Lazio 4-0 Milan
 
 

Trận Lazio thắng AC Milan hùng mạnh 4-0 là một trong những ví dụ tiêu biểu về thứ bóng đá tấn công mà Zeman theo đuổi và tôn thờ.

Các bàn thắng đến liên tục. Trước Napoli, cả sáu bàn đều được ghi trong hiệp một. Trước Foggia, cả tám bàn đều đến trong hiệp hai. Thường một đội bóng ở Italy dẫn bàn thì họ sẽ lui về bảo vệ tỷ số. Zeman thì cứ sau một bàn lại xua quân tràn lên. Đội hình Lazio mùa 1994-1995 ấy có Chamot, Signori, Guiseppe Favalli, Roberto Di Matteo, Paul Gascoigne, Aron Winter, Alen Boksic, Pierluigi Casiraghi và chàng trai trẻ Alessandro Nesta.

Nhưng mùa bóng thứ ba thì không như ý, và Zeman bị sa thải vào tháng Giêng. Ban lãnh đạo không nói với Zeman mà thông báo với truyền thông trước. Và chính Zeman cũng chỉ biết tin khi phóng viên cho ông hay trong cuộc họp báo ở Coverciano. Zeman tức giận tuyên bố sẽ giành scudetto ở một CLB khác. Ông giận đến mức không thèm đếm xỉa đến lời mời làm việc ngay sau đó, dù nó đến từ AS Roma.

Nhà báo James Horncastle ghi lại cuộc điện thoại ngày ấy.

"Xin chào. Tôi là Franco Sensi, Chủ tịch Roma".

"Ồ thế hả? Còn tớ là Napoleon Bonaparte". Nói đoạn, Zeman cúp máy.

Zeman sau đó vẫn đến Roma vào năm 1997, huấn luyện một tập thể có Cafu, Marco Delvecchio, Abel Balbo và chàng trai 22 tuổi Francesco Totti. Zeman rất thích Totti và đến giờ vẫn vậy. Ông đặt Totti lên vị trí cầu thủ hay nhất của Italy trong vòng 50 năm, cùng với Gianni Rivera và Roberto Baggio. "Totti như con trai tôi vậy", Zeman nói. Khi được yêu cầu nêu tên ba cầu thủ Italy hay nhất đương thời, ông đáp: “Totti, Totti và Totti.”

Với Zeman, Totti được đặt vào bệ phóng lý tưởng để trở thành biểu tượng chiến thắng của Roma về sau.

Mùa giải đầu tiên ở Roma, ông dẫn dắt CLB đến vị trí thứ tư, vị trí cao nhất của họ suốt 10 năm.

Tháng 8/1998, Zeman trả lời phỏng vấn tạp chí tuần L’Espresso, ngay khi một loạt những vụ gian dối về doping trong làng đua xe đạp nổ ra. Zeman bảo ngay cả Calcio cũng không sạch sẽ gì và kêu gọi các CLB "hãy cùng nhau rời khỏi tiệm thuốc tây". Ông nói cầu thủ bây giờ chịu nhiều áp lực, mà không phải ai cũng đủ dũng khí nói không với những viên thuốc bé nhỏ kỳ diệu. Ông thậm chí còn tỏ ra hoài nghi hai ngôi sao Gianluca Vialli và Alessandro Del Piero.

Câu chuyện trên báo trở thành một quả bom. Người đại diện của Del Piero bảo Zeman đã tạo ra những "tổn thương tinh thần khủng khiếp" cho thân chủ của mình. Vialli gọi Zeman là "kẻ khủng bố". Và cả ba cùng dắt nhau ra tòa.

Phát ngôn ấy khiến Zeman bị Juventus thù ghét, thậm chí các thành viên trong Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) cũng không mấy ưa ông. Khi AS Roma bắt đầu bị trọng tài xử ép trên sân cỏ, Chủ tịch Sensi đã phải lên tiếng hồ nghi về việc FIGC đang trừng phạt Zeman, và vạ lây luôn đội bóng của ông. Họ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ năm. Đấy là một vị trí tốt, và thứ bóng đá tấn công của Zeman rất được các CĐV ưa chuộng. Nhưng sợ "lạc đạn", Sensi đành sa thải Zeman. Có người từ FIGC đánh tiếng với ngài Chủ tịch: "Không sa thải Zeman, Roma sẽ không bao giờ thắng".

Đấy là một bước ngoặt, đánh dấu sự đi xuống của sự nghiệp Zeman. Ông thất bại ở hai đội bóng tiếp theo là Napoli và Fenerbahce. Không thể tìm ở Serie A vì đội nào cũng sợ vạ lây, ông phải xuống Serie B cầm quân cho Salernitana, sau đó là Avellino. Phải đến 2004, Zeman mới trở lại Serie A bởi rốt cục cũng có một đội bóng chấp nhận đánh bạc với ông: Lecce.

Zeman được chào đón khi dẫn dắt Lecce
 
 

Zeman được chào đón nồng hậu khi nhậm chức ở Lecce.

Đấy là một đội bóng trẻ, dẫn đầu bởi một trung phong tươi mới Mirko Vuvinic. Mùa giải đầu tiên cùng Zeman, Lecce về thứ bảy, ghi bàn nhiều hơn tất cả, chỉ kém mỗi Juventus. Nhưng họ để lọt lưới... 72 bàn, tức là gần hai bàn mỗi trận. Atalanta xuống hạng mùa ấy cũng chỉ lọt lưới có 45 bàn. Trong trận đấu ở sân Juventus, ông bị CĐV chủ nhà nhiếc móc cả trận.

Cuối mùa bóng ấy, Zeman từ chức vì có mâu thuẫn với Ban lãnh đạo. Ông mất thêm chín tháng mới tìm được việc mới, lần này là với Brescia ở Serie B. Rồi lại thất bại, lại từ chức và quay trở lại Lecce vào năm 2006, lúc này đã rớt xuống Serie B. Rồi Zeman phiêu bạt sang tận Serbia để cầm quân cho Red Star Belgrade, cũng chỉ được năm trận lại bị sa thải.

Đến năm 2009, Zeman đã trải qua một thập kỷ thất vọng. Năm ấy khi được mời ra tòa làm chứng vụ Calciopoli, ông đã cáo buộc Luciano Moggi, cựu Chủ tịch Juventus và là nhân vật chính của vụ án, đã trù dập mình bằng cách vận động hoặc gây áp lực cho các CLB khác ở Serie A không mời ông về huấn luyện. Ông bảo nếu như được ở lại Roma lâu hơn thay vì bị sa thải một cách đáng ngờ, ông mới là người giành Scudetto cùng Roma chứ không phải Fabio Capello.

Bị sa thải từ chỗ này sang chỗ kia, nhưng lòng yêu nghề của Zeman vẫn cháy bỏng. Năm 2010, ông chấp nhận xuống Serie C1 để lần thứ ba cầm quân cho Foggia. Họ về thứ sáu ở bảng đấu của mình, ghi 67 bàn. Trong đó một mình Lorenzo Insigne, đá theo dạng cho mượn từ Napoli, đóng góp 19 bàn. Một năm sau đó, ông rời Foggia để nhận ghế Giám đốc Kỹ thuật ở Pescara - một CLB ở Serie B. Trên vai trò mới, ông hỏi mượn Insigne lần nữa và ký với một tiền đạo trẻ khác, cũng theo dạng cho mượn: Ciro Immobile. Ông yêu cầu HLV phải dùng sơ đồ 4-3-3. Vì sơ đồ này không có chỗ cho một "số 10", ông đã kéo Marco Verratti về phía sau đá vai trò kiến thiết từ xa, giống như Andrea Pirlo.

Mọi thứ thành công mỹ mãn. Pescara chơi tuyệt hay, vô địch Serie B, ghi 90 bàn sau 42 trận, nhiều hơn đội gần nhất những 27 bàn. Thành công ấy chấp cánh cho ba ngôi sao của đội. Insigne được lên đội một Napoli, Verratti được Paris Saint-Germain chiêu mộ và Immobile sau đó trở thành Vua phá lưới ở Serie A trong màu áo Torino. Cả ba về sau đều lên tuyển Italy, trong đó có Verratti được xem là trụ cột không thể thay thế ở tuyến giữa.

Insigne, Immobile và Verratti được Zeman dẫn đường từ Pescara, trở thành những ngôi sao sáng bậc nhất của bóng đá Italy hiện tại.

Zeman cũng được tái sinh. Và khi thất bại trong việc xây dựng lối chơi quyến rũ kiểu Barcelona cùng với Luis Enrique, AS Roma đã quyết định mời lại Zeman. Dưới đây là vài câu trả lời của ông trong buổi phỏng vấn ra mắt.

"Lần này ông sẽ phòng ngự nhiều hơn chứ?"

"Nếu ghi 90 bàn một mùa thì quan tâm việc lọt lưới mấy bàn làm gì"

"Đá sân khách thì phải toan tính hơn tí chút chứ?"

"Chúng tôi chỉ đá một kiểu. Anh biết Pescara đã ghi 90 bàn mùa vừa rồi chứ? 45 bàn sân nhà, 45 bàn sân khách, đều nhau".

"Nhưng phương pháp tập luyện đã đỡ khắc khổ hơn chưa?"

"Tôi người kiểu cũ. Tập nhiều mới có thành quả được. Vì thế  các cầu thủ chuẩn bị trở lại tập hai buổi một ngày".

Đáng buồn cho Zeman, thành công ở Pescara không lập lại. Ông mâu thuẫn với các trụ cột, đặc biệt là Daniele De Rossi. Tháng 11, Roma đã kém vị trí vô địch 14 điểm. Tờ La Repubblica viết: "Zeman là một kẻ mộng mơ. Vẫn bóng đá ấy, vẫn kiểu thất bại ấy và ông ta dứt khoát không chịu lùi bước".

Tháng Hai, Zeman bị sa thải sau khi để thua Cagliari 2-4. Khi ấy Roma đang ghi bàn nhiều nhất giải, nhưng cũng lọt lưới nhiều thứ nhì. Các tiền đạo của Roma được dịp phát huy hết khả năng. Totti kết thúc mùa ấy với 12 bàn và 12 pha kiến tạo Erik Lamela ghi 15 bàn trong 33 trận, sau khi chỉ ghi vỏn vẹn bốn bàn trong 29 trận mùa giải trước đó. Pablo Daniel Osvaldo cũng ghi 16 bàn.

Lúc này, Zeman gần như vỡ mộng với sự phát triển quá nhanh của chiến thuật, và quyền lực ngày một lớn hơn của cánh cầu thủ. Trả lời phỏng vấn Football Italia, ông nói khi còn ở Roma, bao giờ ông cũng phải khởi đầu buổi tập với 12 cầu thủ trong phòng tập thể lực và hai cầu thủ còn đang trên đường cao tốc. Ông than: "Cầu thủ Roma muốn kết quả tốt nhất với nỗ lực ít nhất".

Ông rời Roma trong tư thế của một người thất bại và một kẻ lỗi thời. Nhiều bài báo tỏ ra chê bai Zeman đã không còn phù hợp cho công việc huấn luyện, và ông chỉ là một tay lãng mạn lạc thời. Người ta hỏi ông: "Thế đã giải nghệ luôn chưa?", ông trả lời: "Lấy súng bắn tôi trước đã".

Năm 2014, Zeman lại được trao một cơ hội nữa, lần này là ở Cagliari. Vẫn là cách tấn công bất chấp đã theo mình suốt sự nghiệp, vẫn là tám cầu thủ đứng ở vạch giữa sân chực chờ tràn sang phần sân đối phương và những điếu thuốc được châm mới và tàn đi trên sân tập. Kết quả không tốt như mong đợi, các ultras thậm chí còn tràn vào sân tập khi cả đội đang ăn tối để truy vấn. Zeman lại bị sa thải. Gianfranco Zola lên thay, không thay đổi được gì. Zeman được mời lại rồi lại từ chức sau năm trận. Cagliari xuống hạng.

Rồi ông khăn khói sang Thụy Sĩ cầm quân cho FC Lugano trước khi trở về lại Italy, tái ngộ với Pescara. Hiện tại, ông vẫn ở đội bóng tỉnh lẻ ấy, say mê làm việc với cái sơ đồ 4-3-3 dùng mãi chưa chán. Ở tuổi 69, Zeman đã thừa nhận ông là một kẻ lạc loài, như con cá anh vũ bơi ngược dòng nước. Nhưng dù lẻ loi, ông không bỏ cuộc, mặc cho đời bao lần chực xô ông xuống vực. Ông bảo ở một thời đại khác, có lẽ ông đã là HLV của Real Madrid. Thế nhưng ngay ở thời đại này, dù có phải làm việc cho Licata, Foggia hay Pescara, ông vẫn sẽ hướng về cái đẹp.

Về vấn đề này, Zeman khá giống với Wenger, khi bóng đá đã thấm vào máu thịt. "Tôi hết thích đi xem phim, từ lúc họ cấm không cho hút thuốc. Nhưng trên băng ghế huấn luyện tôi có thể hút suốt hai tiếng mà không ai nói gì", Zeman nói.

Khi được hỏi đâu là trận đấu yêu thích nhất, Zeman không chọn một trận thắng đậm nào mà chọn một trận hòa: trận derby 3-3 với Lazio. Ông yêu trận đấu ấy không phải vì diễn biến trên sân mà trên khán đài. Ông nói CĐV hôm ấy thật vui, ai về cũng hào hứng pha lẫn một chút tiếc nuối. Niềm vui của CĐV là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời làm việc của Zeman, dù có khi ông bị gán cho cái tính gàn dở, cứng đầu và lạc hậu. Zeman vẫn là kẻ lạc thời vĩ đại, mang hùng tâm tráng chí của ông lang bạt qua Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia, Thụy Sĩ để rồi trở về những vùng quê hẻo lánh của Italy.

Serie A 1998-1999: Lazio 3-3 Roma
 
 

Trận Lazio 3-3 Roma ở vòng 11 Serie A mùa 1998-1999 là trận cầu mà Zeman ấn tượng nhất trong sự nghiệp cầm quân của ông.

Ngày nay, bóng đá ngày càng giống một ngành công nghiệp và càng khác một trò chơi. Người ta quên mất vì sao môn thể thao này lại trở nên phổ biến. Chẳng phải vì món lợi mà nó mang lại, cũng chẳng phải vì những thứ chất cấm tinh vi, mà vì ở bất kỳ một ngõ ngách nào trên thế giới này cũng có một đứa trẻ đang vui đùa cùng quả bóng.

Zdenek Zeman

Để đánh giá Zeman, những danh hiệu là vô nghĩa. Điều làm ông vượt trội chính là sự yêu mến của các CĐV. Họ yêu ông vì ông làm họ cười, khiến họ bật dậy khỏi chỗ ngồi, háo hức theo từng đường bóng và thở dài sau mỗi cơ hội bị bỏ qua. Trận đấu với các HLV bình thường như một cỗ xe ngựa, với Zeman là chiếc roller-coaster (tàu lượn siêu tốc) với đầy đủ những cảm xúc: "Tôi nhớ có những trận đội nhà đá thua, mà chúng tôi vẫn rời sân trong tiếng vỗ tay. Còn gì tuyệt vời hơn thế đâu. Người ta vỗ tay cho một trận thua đẹp. Thua thế thì có đáng để thua không. Còn thắng mà buồn ngủ thì có đáng để thắng không?"

Trong lúc này, ngay thời điểm này, có lẽ Zeman đang phì phèo điếu thuốc dưới ánh mặt trời Pescara. Ông bảo làm việc là hạnh phúc, bất kể là ở Serie A hay Serie C1 hay ở nước ngoài. Nhưng Serie A hẳn rất nhớ ông. Họ nhớ một con người luôn dũng cảm khước từ những thứ được định nghĩa là thời trang, hào nhoáng để trung thành với lý tưởng tấn công đầy mỹ cảm. Một trong rất ít những người vẫn còn nhớ đến lời định nghĩa tuyệt vời: Bóng đá là một trò chơi đẹp (a beautiful game).

Bây giờ, ngoài Zeman, ít ai chịu đá đẹp, lại càng ít ai còn nhớ đấy là một TRÒ CHƠI!

Hoài Thương tổng hợp

Bình luận
Ý kiến của bạn