Viktor Pugachev - phi công Nga chắp cánh cho tiêm kích Su-27 Việt Nam

Viktor Pugachev là phi công thử nghiệm chủ chốt của dự án tiêm kích Sukhoi Su-27, cũng là người huấn luyện 6 phi công Su-27 đầu tiên của Việt Nam.

Viktor Georgiyevich Pugachev sinh ngày 8/8/1948 tại thành phố Taganrog, vùng Rostov thuộc Nga ngày nay. Ông là một trong những phi công thử nghiệm nổi tiếng nhất của Liên Xô, cũng là người đầu tiên biểu diễn động tác "Rắn hổ mang" trước công chúng trên tiêm kích Su-27 vào năm 1989, theo War Heroes.

Màn biểu diễn làm nên tên tuổi Viktor Pugachev
 
 

Màn biểu diễn "rắn hổ mang" làm nên tên tuổi Viktor Pugachev. Video: Wings of Russia.

Pugachev nhập ngũ năm 1966. Hai năm sau, ông tốt nghiệp Trường không quân cao cấp Komarov ở Yeisk và được giữ lại làm giáo viên huấn luyện. Tới năm 1977, Viktor Pugachev được thăng quân hàm đại úy.

Tới năm 1978, Viktor Pugachev tốt nghiệp Trường huấn luyện phi công thử nghiệm. Trong giai đoạn 1978-1980, ông là phi công thử nghiệm trực thuộc Viện Nghiên cứu Hàng không Gromov (LII), đóng tại sân bay Zhukovsky, ngoại ô Moscow. Pugachev tham gia vào quá trình đánh giá hàng loạt tiêm kích siêu âm gồm MiG-21, MiG-23, MiG-25, MiG-31, Su-17, Su-24 và các phiên bản của chúng.

Viktor Pugachev sau màn biểu diễn trên tiêm kích Su-27 với một sĩ quan không quân Mỹ. Ảnh: Livejournal.

Từ năm 1980-2001, Viktor Pugachev trở thành một trong những phi công thử nghiệm chủ chốt của Phòng Thiết kế (OKB) Sukhoi. Ông là người thực hiện chuyến bay đầu tiên của tiêm kích Su-27K (Su-33) và Su-27KUB, thử nghiệm các mẫu Su-9, Su-15, Su-24 và Su-27. Ngoài ra, Pugachev còn tham gia đánh giá hàng loạt máy bay phản lực khác của Sukhoi.

Ngày 28/4/1989, ông trở thành người đầu tiên trình diễn động tác cơ động "Rắn hổ mang" trước công chúng tại triển lãm hàng không Paris, Pháp. Màn biểu diễn làm nhiều khán giả thót tim, được truyền thông phương Tây đặt tên là "Rắn hổ mang Pugachev".

Tới ngày 1/11/1989, Pugachev trở thành phi công Liên Xô đầu tiên điều khiển tiêm kích thông thường hạ cánh xuống một tàu sân bay. Trước đó, các tàu sân bay Liên Xô chỉ được trang bị máy bay cất hạ cánh thẳng đứng.

Pugachev với hàng loạt danh hiệu cao quý của Liên Xô và Nga. Ảnh: War Heroes.

Vì thành tích dũng cảm trong quá trình thử nghiệm máy bay, Viktor Pugachev được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vào ngày 31/10/1988.

Trong sự nghiệp của mình, ông còn nhận được nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lenin, Huân chương Sao vàng, danh hiệu Phi công thử nghiệm công huân Liên Xô...

Viktor Pugachev đang sống tại thành phố Zhukovsky, ngoại ô thủ đô Moscow và giữ vai trò Trưởng nhóm thiết kế phi công tại tập đoàn Sukhoi.

Người chắp cánh cho tiêm kích Su-27 Việt Nam

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn 1990-2000, Việt Nam đã đặt mua tổng cộng 12 tiêm kích Su-27 các loại từ Nga. Việt Nam lựa chọn OKB Sukhoi làm địa điểm huấn luyện chuyển loại cho lớp phi công đầu tiên, vì tin tưởng trình độ các phi công thử nghiệm của phòng thiết kế này.

Đoàn phi công Việt Nam sang học chuyển loại có 6 người, đều là những phi công dày dặn kinh nghiệm trong chiến tranh. Dẫn đầu là đại tá Nguyễn Đức Soát, phi công có thành tích bắn hạ 6 máy bay Mỹ, sau này trở thành trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân. 5 người còn lại bao gồm đại tá Trần Văn Thi, trung tá Võ Văn Tuấn, các thiếu tá Đỗ Văn Đức, Nguyễn Văn Thân và Nguyễn Văn Phương.

Giáo viên Viktor Pugachev cùng 6 phi công Su-27 đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng PKKQ.

Đoàn phi công Việt Nam tham gia chuyển loại ở Viện nghiên cứu hàng không mang tên Gromov (LII), nằm tại sân bay Zhukovsky, ngoại ô Moscow.

Viktor Pugachov dẫn đầu đoàn giáo viên Nga, bao gồm những phi công thử nghiệm giỏi nhất của OKB Sukhoi khi đó. Ông là người trực tiếp bay kèm đại tá Nguyễn Đức Soát, đồng thời xây dựng và giám sát chương trình huấn luyện cho các phi công Việt Nam.

Chuyên gia phá kỷ lục hàng không thế giới

Trong quá trình làm việc tại OKB Sukhoi, Viktor Pugachev đã phá 13 kỷ lục hàng không thế giới trên chiếc Sukhoi P-42, phiên bản Su-27 phát triển riêng cho việc phá loạt thành tích được lập năm 1975 của tiêm kích F-15 "Streak Eagle" Mỹ.

Tiêm kích P-42 giúp Viktor Pugachev lập 13 kỷ lục thế giới
 
 

Viktor Pugachev và chiếc P-42 chuyên lập kỷ lục thế giới. Video: Wings of Russia.

Chiếc P-42 tại sân bay Zhukovsky. Ảnh: Max Bryansky.

Tương tự máy bay Mỹ, toàn bộ hệ thống điều khiển vũ khí, radar và trang thiết bị không cần thiết đều bị loại bỏ khỏi P-42. Cánh đuôi đứng, chót đuôi và giá treo vũ khí đầu cánh cũng bị tháo, trong khi mũi máy bay được làm từ vật liệu nhẹ hơn phiên bản thông thường. Toàn bộ sơn máy bay bị cạo đi, phần vỏ được đánh bóng, các lỗ hổng có thể tạo lực cản đều được bịt kín.

Động cơ cũng được điều chỉnh để tăng lực đẩy. Kết quả là chiếc P-42 có tỷ lệ lực đẩy/khối lượng gần bằng 2, so với mức 1.07 của tiêm kích Su-27 thông thường. Điều này cho phép nó tăng tốc liên tục trong quá trình leo cao, yếu tố quan trọng nhất khi lập kỷ lục hàng không.

Chỉ trong vòng hai năm, các phi công thử nghiệm của Sukhoi đã phá hơn 30 kỷ lục thế giới. Bản thân Viktor Pugachov nắm giữ 13 kỷ lục ở các hạng mục khác nhau, nhiều kỷ lục trong số đó vẫn chưa bị phá cho tới nay.

  • 15/11/1986

    - Thời gian đạt độ cao 3.000 m (hai hạng mục): 25,37 giây

    - Thời gian đạt độ cao 6.000 m (hai hạng mục): 37,05 giây

    - Thời gian đạt độ cao 9.000 m (hai hạng mục): 44,18 giây

    - Thời gian đạt độ cao 12.000 m (hai hạng mục): 55,54 giây

  • 29/3/1990

    - Thời gian đạt độ cao 15.000 m với tải trọng 1.000 kg (hạng mục C-1h): 1 phút 21,71 giây

  • 20/5/1993

    - Thời gian đạt độ cao 15.000 m (hạng mục C-1i): 2 phút 6 giây

    - Thời gian đạt độ cao 15.000 m với tải trọng 1.000 kg (hạng mục C-1i): 2 phút 6 giây

    - Tải trọng tối đa khi đạt độ cao 15.000 m: 1.015 kg

    - Độ cao tối đa với tải trọng 1.000 kg: 22.250 m

Động tác "Rắn hổ mang" làm chấn động phương Tây

Các chuyên gia hàng không phương Tây đã hoàn toàn bất ngờ với sự xuất hiện của tiêm kích Su-27 Liên Xô tại triển lãm hàng không Le Bourget, được tổ chức vào tháng 6/1989 ở ngoại ô Paris, Pháp. Trước đó, Moscow chỉ đưa tới Le Bourget các loại máy bay dân dụng. Sự thay đổi tư duy khiến nước này quyết định trình diễn những tiêm kích hàng đầu trong biên chế như Su-27 và MiG-29, cũng như khả năng cơ động tuyệt vời của chúng.

Tôi sẽ không bao giờ quên màn trình diễn của Su-27 tại Paris. Viktor Pugachev điều khiển chiếc Su-27 lượn 360 độ chỉ trong vòng 10 giây, với tốc độ lượn trung bình 36 độ/giây. Khi đó, chúng tôi chỉ có thể hy vọng dòng tiêm kích thế hệ mới của mình đạt mức 25 độ/giây. Nếu đụng độ Su-27 trong không chiến, chúng tôi sẽ dễ dàng nằm trong tầm ngắm của họ chỉ sau 10 giây.

Phi công thử nghiệm người Anh John Farley.

Bộ đôi tiêm kích Su-27 Liên Xô tại Le Bourget 1989. Ảnh: Paul Schaller.

Một trong những màn biểu diễn gây sốc cho nhiều người chính là "Rắn hổ mang Pugachev". Màn thao diễn này được ví như hình ảnh con rắn hổ mang vươn mình về phía sau, trước khi mổ thẳng về mục tiêu phía trước. Các nhà khoa học tại Viện khí động học trung ương (TsAGI) gọi đây là động tác "cơ động thoát ly khỏi góc tấn cực lớn".

Trong động tác "Rắn hổ mang", chiếc tiêm kích đột ngột kéo mũi lên, đạt góc tấn tối đa 120 độ trong khi vẫn bay theo hướng cũ, khiến máy bay chuyển trạng thái đột ngột. Sau đó, chiếc Su-27 trở về trạng thái ban đầu với tốc độ thấp hơn nhiều, trong khi độ cao gần như không thay đổi.

Vào thời điểm năm 1989, chỉ có những chiếc Su-27 có đủ khả năng thực hiện màn thao diễn này với góc tấn 110-120 độ. Các phiên bản MiG-29 Liên Xô hay F-14 Mỹ chỉ có thể đạt góc tấn tối đa 90 độ.

Góc tấn của một máy bay cánh quạt. Ảnh: Youtube.

Góc tấn là góc giữa hướng chuyển động của dòng khí với trục hướng dọc đặc trưng trên vật thể. Góc tấn lớn giúp tạo thêm lực nâng cho máy bay cho tới khi chạm ngưỡng nhất định.

Khả năng duy trì góc tấn lớn giúp bảo đảm khả năng cơ động của máy bay ở độ cao lớn, hoặc tốc độ thấp ở độ cao nhỏ. Các phi cơ thông thường giới hạn góc tấn ở mức 20 độ, trong khi tiêm kích thế hệ 4 trở lên có thể duy trì góc tấn trên 35 độ.

Động tác này được phi công thử nghiệm Igor Volk thực hiện trước đó vài năm, trong quá trình kiểm tra tính năng khí động học của tiêm kích Su-27. Tuy nhiên, chính Viktor Pugachev là người làm nên tên tuổi cho "Rắn hổ mang", khi ông trình diễn công khai tại triển lãm Le Bourget 1989.

Nhớ lại triển lãm năm 1989, Pugachev cho biết mọi bài biểu diễn phải được ban tổ chức phía Pháp kiểm duyệt và thông qua. Bản mô tả trên giấy không gây bất kỳ sự chú ý nào từ phía người Pháp. Tuy nhiên, họ đã bị sốc và hoàn toàn lúng túng khi nhìn thấy động tác "rắn hổ mang". Ban tổ chức thậm chí còn tưởng chiếc Su-27 của Pugachev đã gặp sự cố nghiêm trọng.

"Cái gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay?", ban tổ chức hỏi dồn dập. "Mọi chuyện đều diễn ra theo đúng kế hoạch", Pugachev đáp sau khi hạ cánh.

"Anh có thể làm lại động tác đó không?", phía Pháp đưa ra yêu cầu. Viktor Pugachev biểu diễn động tác rắn hổ mang thêm ba lần.

"Góc tấn là bao nhiêu? 90 độ? Các anh đã làm động tác này bao nhiêu lần?", ban  tổ chức Pháp vẫn chưa hết ngạc nhiên. "120 độ, chúng tôi đã thực hiện nó cả nghìn lần", đại diện OKB Sukhoi đáp lại.

Viktor Pugachev kể về kỷ niệm tại Le Bourget 1989
 
 

Viktor Pugachev kể về kỷ niệm tại Le Bourget 1989. Video: Wings of Russia.

Trong buổi biểu diễn công khai, không một phi công hay chuyên gia phương Tây nào có thể giải thích điều họ vừa thấy trên bầu trời Paris.

Các quy tắc điều khiển bay thông thường không còn tác dụng trong trường hợp này, khi đuôi chiếc tiêm kích di chuyển trước cả phần mũi.

Một cựu phi công tiêm kích Pháp

Không chỉ có tác dụng phô diễn khả năng cơ động của máy bay, động tác "Rắn hổ mang" còn có thể được vận dụng trong thực chiến. Trong tình huống Su-27 bị bám đuổi, động tác "Rắn hổ mang" được cho là sẽ giúp máy bay đột ngột hãm tốc, khiến tiêm kích đối phương vọt lên phía trước và rơi vào tầm ngắm của chiếc Su-27.

Trên lý thuyết, "Rắn hổ mang" có thể biến Su-27 từ con mồi trở thành kẻ đi săn chỉ trong vài giây. Trong cuộc tập trận Red Flag, tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ từng nhiều lần áp dụng động tác này để cắt đuôi những chiếc F-15 của không quân Mỹ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia hàng không cho rằng Rắn hổ mang gây ra nhiều nguy hiểm cho máy bay. Nếu gặp phải đối thủ giàu kinh nghiệm, chiếc Su-27 có thể không thoát khỏi tầm ngắm, thậm chí tốc độ tụt giảm quá nhanh khiến nó trở thành mục tiêu đứng yên trên không, dễ dàng bị tên lửa tầm gần hoặc pháo bắn trúng. Trong trường hợp này, phi công Su-27 gần như không có cơ hội cứu máy bay.

Cũng trong tập trận Red Flag, việc phi công Ấn Độ quá lạm dụng động tác Rắn hổ mang khiến họ bị phía Mỹ bắt bài, nhanh chóng chịu thua trong giai đoạn sau của những trận không chiến.

Tiêm kích Su-57 biểu diễn động tác 'Rắn hổ mang'
 
 

Tiêm kích Su-57 biểu diễn động tác "Rắn hổ mang". Video: Wings of Russia.

Nếu nhìn qua loa, không khó để thực hiện "Rắn hổ mang Pugachev". Nhưng trong thực tế, phi công phải kiểm soát chặt chẽ mọi chuyển động của máy bay, sẵn sàng điều chỉnh nếu xảy ra hiện tượng nghiêng lệch, bảo đảm chiếc tiêm kích bay thẳng về phía trước. Đây là động tác thao diễn cực kỳ nguy hiểm và rất ít người làm được thuần thục.

Phi công thử nghiệm, Anh hùng Liên bang Nga Sergey Bogdan

Người góp phần làm nên tiêm kích hạm Su-33

Su-33 (NATO định danh: Flanker-D) là tiêm kích hạm phát triển từ nền tảng Su-27, có nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, phòng thủ hạm đội và sở hữu khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Biến thể này có càng đáp và khung thân được gia cố vững chắc hơn tiêm kích Su-27, trang bị cánh gấp để tiết kiệm diện tích trên tàu sân bay.

Bên cạnh đó, nó được bổ sung móc hãm đà, một cặp cánh trước (canards) và mở rộng diện tích cánh để tăng lực nâng, thích hợp với hoạt động trên tàu sân bay. Su-33 cũng trang bị động cơ nâng cấp, có khả năng tiếp dầu trên không để tăng tầm bay và thời gian hoạt động.

Tổ hợp NITKA tại Crimea. Ảnh: Wikipedia.

Ban đầu, phiên bản này được mang định danh "Su-27K". Quá trình phát triển, thử nghiệm máy bay và huấn luyện phi công được tiến hành ở Tổ hợp Nghiên cứu và Huấn luyện hàng không (NITKA), đặt tại bán đảo Crimea. Hải quân Liên Xô đã xây dựng khu vực mô phỏng tàu sân bay, với đầy đủ cầu nhảy, sàn đáp với cáp hãm để đánh giá khả năng của tiêm kích Su-27K và MiG-29K.

Ba nguyên mẫu T-10 cùng một bản Su-27UB được OKB Sukhoi đưa tới NITKA. Thử nghiệm trên mặt đất đầu tiên do phi công Nikolai Sadovnikov thực hiện ngày 28/8/1982. Kết quả thử nghiệm giúp OBK Sukhoi điều chỉnh thiết kế tiêm kích, trong khi hải quân Liên Xô cũng cải tạo thiết kế cầu nhảy để phù hợp với hoạt động trên tàu sân bay.

Quá trình hoàn thiện thiết kế tiêm kích Su-33 tại NITKA
 
 

Quá trình hoàn thiện thiết kế tiêm kích Su-33 tại NITKA. Video: Wings of Russia.

Chuyến bay đầu tiên của phiên bản Su-27K hoàn chỉnh được Viktor Pugachev thực hiện vào ngày 17/8/1987 tại NITKA, ông tiếp tục bay thử chuyến thứ hai vào ngày 22/12 cùng năm. Các phi công tiêm kích hạm Liên Xô liên tục huấn luyện cất hạ cánh ở NITKA trong hai năm liền, cho tới khi tàu sân bay Tbilisi, sau này đổi tên thành Đô đốc Kuznetsov, được hạ thủy.

Viktor Pugachev trở thành phi công đầu tiên hạ cánh theo phương pháp thông thường trên tàu sân bay Liên Xô, thay vì cất hạ cánh thẳng đứng như các thế hệ máy bay trước đó. Sự kiện diễn ra một cách bất ngờ vào ngày 1/11/1989. Theo kế hoạch, Pugachev sẽ lái chiếc Su-27K hạ cánh xuống tàu sân bay Tbilisi sau phi công Toktar Aubakirov trên tiêm kích MiG-29K.

Chuyến cất hạ cánh đầu tiên của tiêm kích Su-33 trên tàu sân bay
 
 

Chuyến cất hạ cánh đầu tiên của tiêm kích Su-33 trên tàu sân bay. Video: Wings of Russia.

Ngày hôm sau, khi chuẩn bị cất cánh rời khỏi tàu Tbilisi, hàng loạt vấn đề xảy ra. Tấm chắn luồng xả động cơ phải nâng ở góc 45 độ, thay vì 60 độ như thiết kế, để tránh gây hư hại cho động cơ chiếc Su-27K. Khi Pugachov tăng lực đẩy trong vòng hơn 6 giây, ống dẫn nước trên tấm chắn nổ tung.

Ông lập tức giảm ga, khiến khối chặn giữ máy bay hạ xuống và chiếc Su-27K bắt đầu tăng tốc. Nhưng Viktor Pugachev đã nhanh chóng phản ứng và dừng máy bay trước khi nó lao đi quá xa. Sau đó, ông cất cánh từ vị trí gần đuôi tàu mà không cần tấm chắn hay khối chặn giữ.

Trong vòng ba tuần kế tiếp, Viktor Pugachev và các đồng nghiệp đã tiến hành 227 chuyến bay cùng 35 lần hạ cánh xuống tàu sân bay Tbilisi. Giai đoạn thử nghiệm nội bộ kéo dài tới ngày 26/9/1991, khi phi công không quân hải quân Nga bắt đầu làm quen với Su-27K. Tới năm 1994, máy bay hoàn tất thử nghiệm cấp quốc gia và đi vào biên chế hải quân Nga.

Chiếc Su-33UB do Viktor Pugachev điều khiển. Ảnh: Blogspot.

Tới tháng 4/1999, Viktor Pugachev và Sergey Melnikov thực hiện chuyến bay thử đầu tiên của phiên bản Su-27KUB (Su-33UB) từ sân bay Zhukovsky. Đây dự kiến là biến thể huấn luyện cho phi công Su-33, với thiết kế buồng lái tương tự dòng Su-34 sau này. Tuy nhiên, chỉ có một bản mẫu Su-33UB được chế tạo, phi công tiêm kích hạm Nga được huấn luyện trên những chiếc Su-25UTG.

Trong sự nghiệp phi công thử nghiệm của mình, Viktor Pugachev đã ghi dấu ấn không nhỏ trong việc hoàn thiện, mang lại tên tuổi cho những mẫu tiêm kích nổi tiếng nhất của Liên Xô và Nga như Su-27, Su-33 và Su-35.

Khi được phỏng vấn, ông cho biết mình đã học được rất nhiều điều từ phi công thử nghiệm Vladimir Illyushin, người thực hiện chuyến bay thử đầu tiên của tiêm kích Su-27. Pugachev khẳng định Illyushin đã giúp đỡ ông trong rất nhiều tình huống phức tạp và nghiêm trọng, cũng như để lại một câu nói làm kim chỉ nam cho sự nghiệp của ông.

Phi công không chỉ bay bằng đôi tay, mà còn phải biết sử dụng cái đầu.

Pugachev nhắc lại lời nói của Illyushin.

Tử Quỳnh

Bình luận
Ý kiến của bạn