Sukhoi Su-35S (NATO định danh: Flanker-E) là tiêm kích chiếm ưu thế trên không hàng đầu của Nga hiện nay, đại diện cho đỉnh cao của dòng tiêm kích thế hệ 4. Nó sẽ giữ vững vị trí này tới khi Nga hoàn tất dự án tiêm kích thế hệ 5 mang tên PAK-FA.
Ngoài khả năng cơ động vượt trội, Su-35 còn có nhiều hệ thống điện tử và vũ khí ngang ngửa tiêm kích tối tân của phương Tây. Tuy nhiên, hiệu quả của nó trước các máy bay tàng hình thế hệ 5 như F-22 và F-35 vẫn là một câu hỏi chưa lời đáp, theo National Interest.
Su-35 được phát triển từ tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-27 (NATO định danh: Flanker), vốn được thiết kế nhằm đối đầu với tiêm kích chủ lực F-15 Eagle của Mỹ. Cả hai dòng máy bay đều ra đời dựa trên yêu cầu về mẫu tiêm kích hạng nặng hai động cơ, kết hợp tốc độ, khả năng mang nhiều vũ khí và linh hoạt trong không chiến.
Tiêm kích Su-27 gây ấn tượng tại Triển lãm hàng không Le Bourget, Paris năm 1989 với màn phô diễn khả năng cơ động. Phi công thử nghiệm Viktor Pugachev đã thực hiện động tác "Cobra" (Rắn hổ mang), trong đó mũi máy bay lật ngược về phía sau, tạo góc tấn 110-120 độ so với hướng di chuyển, trong khi vẫn giữ nguyên độ cao và hướng bay.
Màn biểu diễn "rắn hổ mang" của Viktor Pugachev.
Chiếc Su-35 đời đầu làm bệ thử vũ khí cho dự án PAK-FA.
Lịch sử phát triển của tiêm kích Su-35 khá phức tạp. Mẫu đầu tiên ra mắt năm 1989, bản chất là phiên bản đa nhiệm hiện đại hóa từ nền tảng khung thân tiêm kích Su-27S. Viện thiết kế Sukhoi đặt tên mã dự án là T-10M, mẫu tiêm kích thành phẩm ban đầu được đặt tên là Su-27M, sau đó được đổi thành Su-35.
Đặc trưng của Su-35 chính là cặp cánh phụ (canards) ở phía trước. Các nhà thiết kế phải bổ sung đôi cánh này nhằm bảo đảm lực nâng và khả năng cơ động cho máy bay, do radar và hệ thống điện tử mới nặng hơn Su-27S nguyên bản.
Do khó khăn về kinh tế sau khi Liên Xô tan rã, Nga chỉ sản xuất 15 chiếc Su-35 loại này. Một số máy bay vẫn được tận dụng để làm nền tảng thử nghiệm cho dự án tiêm kích tàng hình PAK-FA sau này.
Công nghệ từ dự án T-10M cũng được áp dụng cho dòng Su-30MK hai chỗ ngồi cùng hàng loạt phiên bản xuất khẩu bán cho hàng chục quốc gia trên thế giới.
Chiếc Su-35S đầu tiên mang số hiệu 901.
Mẫu Su-35 hiện nay không còn cánh phụ, mang tên mã T-10BM và định danh sản phẩm Su-35S. Đây là mẫu tiêm kích tiên tiến nhất dựa trên nền tảng Su-27, được thiết kế lại gần như toàn bộ.
Dự án này khởi động từ năm 2003, các máy bay đều được sản xuất tại Nhà máy chế tạo máy bay Komsomolsk-na-Amure (KnAAz), một trong ba đơn vị sản xuất máy bay cho Sukhoi. Nguyên mẫu đầu tiên ra mắt năm 2007, bay thử chuyến đầu vào ngày 19/2/2008 và sản xuất hàng loạt từ năm 2009.
Su-35S là dòng tiêm kích siêu cơ động, có khả năng thực hiện những động tác bay bất khả thi nếu chỉ áp dụng các cơ chế khí động học thông thường. Điều này đạt được một phần nhờ sử dụng động cơ đẩy vectơ (TVC), miệng xả của động cơ phản lực Saturn AL-41F1S có thể di chuyển độc lập theo các hướng khác nhau trong khi bay để hỗ trợ cơ động. Hầu hết các tiêm kích hiện đại của Nga đều ứng dụng công nghệ TVC ba chiều, như Su-30SM/MKI/MKM, Su-35S, PAK-FA, MiG-29OVT, MiG-35...
Trong khi đó, F-22 là tiêm kích duy nhất trong biên chế của phương Tây được trang bị TVC để tăng khả năng cơ động, tuy nhiên nó chỉ giới hạn ở hai chiều. Các mẫu X-31, F-15 ACTIVE, F-16 VISTA và F-18 HARV chỉ là máy bay thử nghiệm, còn siêu tiêm kích F-35 chỉ sử dụng TVC cho chức năng cất hạ cánh thẳng đứng.
Thử nghiệm động cơ đẩy vectơ cho tiêm kích Su-35S.
Nhờ thiết kế động cơ này, Su-35 có thể di chuyển theo một hướng trong khi mũi máy bay chĩa về hướng khác. Góc tấn cao cho phép chiếc máy bay dễ dàng hướng vũ khí vào mục tiêu đang lẩn tránh và thực hiện các động tác cơ động khó. Những thao tác như vậy có thể hữu ích trong việc tránh tên lửa hoặc không chiến tầm gần, mặc dù chúng khiến máy bay mất tốc độ và dễ bị tấn công hơn.
Chứng kiến các động tác cơ động "không tưởng" của Su-35, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây đã ví mẫu tiêm kích này với UFO, hay vật thể bay không xác định của người ngoài hành tinh.
Su-35S có tốc độ tối đa 2.780 km/h ở độ cao lớn, gấp 2,25 lần âm thanh, tương đương tiêm kích F-22 và nhanh hơn F-35 hay F-16. Nó cũng được cho là có khả năng siêu hành trình, đạt tốc độ siêu âm mà không cần bật chế độ đốt tăng lực (afterburner). Trần bay thực tế của Su-35S là 18,3 km, tương đương F-15 và F-22, cao hơn 3 km so với F/A-18E/F Super Hornet, Dassault Rafale và F-35.
Khả năng cơ động không tưởng của Su-35S.
Su-35 được tăng sức chứa nhiên liệu lên gần 10 tấn, đem lại tầm hoạt động 3.541 km với khoang nhiên liệu trong thân và 4.500 km với hai thùng dầu phụ. Khung máy bay làm từ vật liệu titan nhẹ, có tuổi thọ khoảng 6.000 giờ bay so với mức 2.000 giờ của Su-27. Để so sánh, mẫu F-22 và F-35 có tuổi thọ khoảng 8.000 giờ bay.
Khung thân Su-35S không thực sự tàng hình. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cửa hút khí động cơ và kính buồng lái, cũng như sử dụng vật liệu hấp thụ radar đã giảm một nửa diện tích phản xạ radar (RCS) của Su-35S so với dòng Su-27 trước đó. Mức RCS thực tế của dòng máy bay này được cho là khoảng 1-3 m2. Điều này có thể làm giảm tầm phát hiện và nhắm bắn của đối phương, nhưng Su-35S vẫn không phải là một tiêm kích tàng hình thực sự.
Su-35 có 12 giá treo, mang được tổng cộng 8 tấn vũ khí, vượt trội so với 8 giá treo trên tiêm kích F-15C và F-22, hay 4 tên lửa trong thân của F-35.
Ở tầm xa, Su-35 có thể sử dụng tên lửa radar dẫn đường RVV-AE (AA-12 Adder), được cho là có tầm bắn 110-200 km. Khi cận chiến, tên lửa hồng ngoại R-73 (AA-11 Archer) có khả năng khóa mục tiêu nằm lệch 60 độ so với hướng mũi tên lửa. Kính ngắm gắn trên mũ (HMS) cho phép phi công khóa mục tiêu theo hướng nhìn, thay vì phải hướng mũi máy bay về phía mục tiêu.
Tên lửa R-27 tầm trung (AA-10 Alamo) và R-37 tầm cực xa (AA-13 Arrow) có thể đối phó với với máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AEW&C) và phi cơ tiếp dầu. Su-35S còn được trang bị pháo GSh-30-1 cỡ nòng 30 mm với 150 viên đạn để không chiến hoặc tấn công mặt đất.
Ngoài vũ khí đối không, Su-35S có thể sử dụng toàn bộ kho bom và tên lửa đối đất trong biên chế quân đội Nga, bao gồm nhiều loại vũ khí có độ chính xác cao và uy lực như bom laser/quang truyền hình KAB-1500L/Kr, tên lửa Kh-29TE, Kh-59 hay tên lửa chống hạm Kh-31 và Kh-35.
Những cải tiến quan trọng nhất của Su-35S so với Su-27 nằm ở hệ thống cảm biến và điện tử.
Radar Irbis-E trên Su-35S.
Radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N035 Irbis-E của Su-35 được cho là có khả năng phát hiện và bám bắt máy bay tàng hình tốt hơn các loại radar đời cũ. Nó có thể bám bắt 30 mục tiêu cùng lúc với RCS 3 m2 ở khoảng cách 400 km, hoặc mục tiêu có RCS 0,1 m2 từ cách 80 km.
Tuy nhiên, radar PESA bị cho là dễ gây nhiễu hơn các phiên bản radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) được trang bị trên tiêm kích phương Tây. Nga hiện không có kế hoạch trang bị radar AESA cho Su-35S, nước này dự kiến chỉ phát triển phiên bản AESA mang tên N036 Byelka cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 T-50.
Tổ hợp OLS-35 trước kính buồng lái.
Bổ sung cho radar là hệ thống bám bắt hồng ngoại và đo xa laser OLS-35, được cho là có tầm hoạt động tới 90 km. Tuy tầm bám bắt mục tiêu thua kém radar Irbis-S, tổ hợp OLS-35 có thể khóa mục tiêu mà không đánh động máy bay đối phương, giúp Su-35S tiến hành những cuộc tấn công bất ngờ.
Máy bay cũng được trang bị hệ thống tác chiến điện tử L175M Khibiny uy lực, giúp gây nhiễu radar và làm lệch hướng tên lửa đối phương. Điều này sẽ gây khó khăn cho bất kỳ tên lửa nào muốn khóa mục tiêu và bắn hạ mẫu tiêm kích này.
Không quân Nga là lực lượng vận hành nhiều tiêm kích Su-35S nhất thế giới với 48 máy bay trong biên chế. 50 chiếc khác được đặt hàng từ tháng 1/2016 và sẽ được sản xuất với tiến độ 10 chiếc/năm. Nga cũng triển khai nhiều phi đội Su-35S tới Syria sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay Su-24M của nước này. Sự xuất hiện của Su-35S là thông điệp răn đe, cho thấy Nga sẵn sàng ra tay đáp trả nếu như bị tấn công. Bên cạnh đó, Su-35S còn được triển khai cho một số nhiệm vụ tấn công mặt đất bằng bom và rocket.
Su-35S Nga triển khai chiến đấu tại Syria
Chiếc Su-35S đầu tiên của Trung Quốc.
Trung Quốc đặt mua 24 máy bay Su-35S với tổng trị giá 2 tỷ USD, loạt 4 chiếc đầu tiên được bàn giao vào cuối năm 2016. Sự quan tâm của Bắc Kinh đối với Su-35S được cho là nhằm vào việc sao chép động cơ AL-41F1S, cũng như radar Irbis-E và hệ thống tác chiến điện tử, từ đó ứng dụng lên các dự án tiêm kích nội địa như J-11 và J-16.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc phải thừa nhận những chiếc Su-35S do Nga bàn giao được trang bị công nghệ chống sao chép đặc biệt, có thể gây rất nhiều khó khăn cho các chuyên gia Trung Quốc trong quá trình nghiên cứu.
Theo đó, động cơ Saturn AL-41F1S được phủ lớp vật liệu chặn tia X-quang và các phương pháp soi chiếu khác. Hệ thống động cơ cũng được "hàn chết", khiến chuyên gia Trung Quốc buộc phải phá hủy toàn bộ động cơ nếu muốn tiếp cận phần lõi bên trong.
Moscow từng cáo buộc Bắc Kinh sao chép trái phép tiêm kích Su-27 và tổ hợp phòng không S-300 được nước này chuyển giao trong thập niên 1990.
Năm ngoái, trung tướng Yevgeny P. Buzhinsky, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính sách Nga (PIRC), cho biết Moscow sẽ thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn công nghệ tiêm kích hiện đại của mình rơi vào tay Bắc Kinh. Ông khẳng định phiên bản Su-35 bán cho không quân Trung Quốc cũng khác xa mẫu tiêm kích nội địa biên chế cho không quân Nga.
Không quân Indonesia đang vận hành tiêm kích Su-27SKM và Su-30MK2.
Gần đây, Indonesia tỏ ý muốn mua 8 máy bay Su-35S, dù việc ký kết hợp đồng đã bị trì hoãn nhiều lần. Algeria được cho là đang cân nhắc mua 10 chiếc với giá 900 triệu USD. Một số quốc gia khác như Ai Cập, Venezuela... cũng là những khách hàng tiềm năng.
Chi phí ước tính cho Su-35S vào khoảng 40-65 triệu USD/chiếc, tuy nhiên phiên bản xuất khẩu sẽ có giá hơn 80 triệu USD/chiếc.
Su-35S có tính năng tương đương, thậm chí là vượt trội các tiêm kích thế hệ 4 xuất sắc nhất của phương Tây. Nhưng khả năng đối đầu với những tiêm kích thế hệ 5 như F-22 hay F-35 của dòng máy bay này vẫn là dấu hỏi lớn.
Khả năng cơ động của Su-35 khiến nó chiếm ưu thế rất lớn trong không chiến. Một số chuyên gia quân sự cho rằng tốc độ và khả năng mang nhiều vũ khí của Su-35S vẫn cho phép nó tung đòn đánh từ ngoài tầm nhìn thị giác, trong khi hệ thống tác chiến điện tử tối tân và khả năng cơ động mạnh cũng giúp máy bay né tránh tên lửa đối phương tốt hơn.
Tuy nhiên, đụng độ trong tương lai được cho là diễn ra chủ yếu ở tầm xa, không đòi hỏi khả năng cơ động quá cao, trong khi cận chiến dựa vào tên lửa như AIM-9X và R-73M khiến mục tiêu rất khó chạy thoát.
Siêu tiêm kích F-35 được cho là rất khó sống sót nếu cận chiến với Su-35S, nhưng không có gì bảo đảm tiêm kích Nga có thể áp sát đối phương để tận dụng ưu thế cơ động của mình.
F-22 và F-35 có thể phóng loạt tên lửa từ cách 160 km mà phi công Su-35 không có cách nào đáp trả. Những người ủng hộ Su-35S cho rằng nó có thể dựa vào mạng lưới radar mặt đất, cảm biến OLS-35 và radar PESA để phát hiện mục tiêu tàng hình. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng chúng khó có thể cung cấp tham số chính xác của mục tiêu để dẫn bắn cho tên lửa trên Su-35S.
Các yếu tố khác như phi cơ hỗ trợ, cơ cấu nhiệm vụ, trình độ phi công và số lượng máy bay cũng đóng vai trò lớn trong việc xác định kết quả không chiến.
Su-35 có thể là tiêm kích cận chiến tốt nhất từng được chế tạo, cũng là một bệ phóng tên lửa đầy uy lực. Nhưng lợi thế này chưa chắc đã đủ cho một tiêm kích chiếm ưu thế trên không trong kỷ nguyên công nghệ tàng hình.
Chuyên gia quân sự Sebastien Roblin
Hòa Việt