Năm 1960 dân số Việt Nam 30,2 triệu người. Dân số tăng nhanh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong bối cảnh 2 miền Nam Bắc có những nhiệm vụ chiến lược riêng.
Tranh cổ động của những năm 1960-1980 về lợi ích sinh đẻ kế hoạch.
Ngày 26/12/1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành quyết định về việc "sinh đẻ có hướng dẫn". Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình.
Chính sách thời gian này chủ yếu mang tính chất vận động, thuyết phục người dân tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình để đạt mục tiêu hạn chế sinh. Đối tượng chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có đông con, trước hết là cán bộ, công nhân, viên chức, bộ đội; sau đó mở rộng trong dân.
Cuộc vận động sinh đẻ kế hoạch được phát động với mục tiêu Vì sức khỏe của người mẹ, vì hạnh phúc và hòa thuận của gia đình; vì để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo.
Giai đoạn này còn rất nhiều khó khăn nhưng công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đã đạt được kết quả ban đầu đáng khích lệ:
Tỷ lệ tăng dân số năm 1960 rất cao, 3,8% một năm, hệ quả của mức sinh quá cao.
Năm 1975 tỷ lệ tăng dân số đã giảm từ 3,8% năm 1961 xuống còn 2,5%.
Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 6,3 con năm 1961 xuống còn 5,25 con năm 1975.
Lần đầu tiên các chỉ tiêu về dân số được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Quy mô dân số thời kỳ này xấp xỉ 48 triệu người và tăng lên 52,7 triệu năm 1979. Do hiện tượng dân số tăng bù sau chiến tranh và di cư Bắc - Nam nên tỷ lệ tăng dân ở các tỉnh miền Nam cao 3,2%.
Chính sách sinh đẻ kế hoạch khuyến khích các vợ chồng hạn chế sinh đẻ và chỉ nên có từ 1 đến 2 con, dừng lại ở mức 2 con trừ một số trường hợp đặc biệt như con bị dị tật, miền núi... Chính sách này áp dụng với toàn bộ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và nam giới có vợ trong tuổi sinh đẻ, nhấn mạnh với công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang. Với các dân tộc ít người không đặt vấn đề giảm tốc độ gia tăng dân số mà là bảo vệ bà mẹ và trẻ em.
Cán bộ, cộng tác viên dân số đạp xe, mang loa đến các xóm làng tuyên truyền vận động kế hoạch hóa gia đình.
Thời kỳ này bắt đầu áp dụng chính sách khen thưởng và phạt. Gia đình có hai con được cấp đất, làm nhà và phân phối nhà. Gia đình có ba con trở lên không được phép nhập khẩu vào nội thành, nội thị và khu công nghiệp tập trung. Gia đình có số con vượt số quy định thì phải đóng góp kinh phí bảo trợ xã hội. Vợ chồng không thực hiện các quyền quy định về số con, cơ quan quản lý trực tiếp có hình thức xử phạt thích đáng.
Một buổi tuyên truyền vận động người dân xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, sinh đẻ có kế hoạch.
Phương tiện tránh thai chủ yếu cấp phát miễn phí cho dân, đồng thời cho phép thị trường hóa.
Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 2,4% năm 1975 xuống còn 1,9% năm 1990. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 5,25 xuống 3,8. Kết quả này góp phần hạ thấp tỷ lệ tăng dân số nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.
Năm 1991 dân số 67,2 triệu người, nếu vẫn tiếp tục đà tăng 2% thì sau khoảng 30 năm dân số sẽ tăng gấp đôi.
Hội nghị ban chấp hành trung ương khóa 5 đề ra mục tiêu “thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh tạo điều kiện để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, “mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con”. Đất canh tác được cấp trên cơ sở quy mô gia đình 2 con, sửa chính sách cấp nhà theo số nhân khẩu, lấy tiêu chuẩn 2 con làm định mức cấp nhà cho cán bộ công nhân viên, không xét duyệt đề bạt, thăng quân hàm, cách chức; không đề cử vào cấp ủy, HĐND…
Cuộc vận động “Dừng ở hai con để nuôi và dạy cho tốt” lan rộng và được nhân dân hưởng ứng. Tháng 6/1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định thành lập một bộ phận chuyên trách làm công tác dân số.
Giai đoạn 1991-2000 vượt các chỉ tiêu, tổng tỷ suất sinh giảm nhanh từ 3,8 con năm 1991 xuống 2,3 năm 2000, thấp hơn 0,6 con so với mục tiêu 2,9. Quy mô dân số tăng 67,2 triệu người năm 1991 lên 77,6 triệu người năm 2000, thấp hơn mục tiêu 4,4 triệu người.
Việt Nam bước vào thế kỷ 21 khi đã tiến gần đến mức sinh thay thế. Mục tiêu duy trì mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con để ổn định quy mô dân số, đảm bảo cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý.
Nghị định nghiêm cấm các hành vi cản trở hay cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình và lựa chọn giới tính thai nhi. Những điều này đã thật sự chấm dứt một thời kỳ áp dụng sự gò ép và chuyển sang khuyến khích tự nguyện của người dân trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Việt Nam đạt mức sinh thay thế về đích sớm 10 năm so với mục tiêu đề ra.
Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Điều này xảy ra khi cứ hai người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) thì có một người trong độ tuổi phụ thuộc là trẻ em hoặc người cao tuổi (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Thời kỳ cơ cấu dân số vàng là một cơ hội hiếm hoi chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, cơ hội lớn để phát triển đất nước nếu tận dụng tốt.
Hoàn thành chỉ tiêu giảm sinh. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm được 4,3 con, từ 6,3 con năm 1960 xuống còn 2,0 con vào năm 2010, trong khi trung bình trên toàn thế giới giảm được 2,5 con từ 5 con xuống còn 2,5 con.
Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Pháp lệnh khiến nhiều người dân hiểu sai là nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con, khiến mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba tăng mạnh trở lại. Năm 2009 quy định này được sửa lại thành "Mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con". Sau đó do xu hướng giảm sinh tại một số tỉnh thành, ngành dân số có thông điệp linh hoạt hơn thay đổi sang "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con".
Năm 2007 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
Tuổi thọ bình quân người Việt tăng thêm 33 tuổi, từ 40 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi năm 2010, trong khi tuổi thọ trung bình của thế giới chỉ tăng thêm 21 tuổi, từ 48 tuổi lên 69 tuổi. Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 3,8% năm 1960 xuống còn 1,05% năm 2010.
20 năm trước đó, các nhà khoa học dự báo đến năm 2010 dân số Việt sẽ lên tới 105,5 triệu người. Trên thực tế quy mô dân số năm 2010 là 87 triệu người, thấp hơn so với dự báo 18,5 triệu người.
Năm 2011 Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Một quốc gia được coi là già hóa dân số khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10% tổng số dân số hoặc tỷ lệ người trên 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng số dân. Nếu tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20% tổng số dân hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số thì quốc gia đó được gọi là dân số già.
Năm 2017 dân số Việt Nam khoảng 93,4 triệu người. Trong 25 năm qua, Việt Nam đã hạn chế, tránh sinh hơn 27 triệu người, xu hướng mức sinh thấp hiện hữu ở nhiều tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long. 12 năm nay Việt Nam đã duy trì được mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 2,1 con.
Các nước phát triển phải mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già, còn Việt Nam chỉ khoảng 20 năm.
Lo ngại mức sinh có thể xuống quá thấp, chuyên gia đề nghị Việt Nam nới lỏng, thậm chí bỏ chính sách 2 con trước khi quá muộn. Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội cho rằng, kinh nghiệm của nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… cho thấy nếu mức sinh giảm quá sâu sẽ không phục hồi được, dân số trở nên già hóa và thiếu hụt nguồn lao động.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Dân số Việt Nam cho biết nhiều nước thành công trong giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc nâng mức sinh. Khi người dân quen lối sống ít con, dành thời gian cho công việc, đối phó áp lực cuộc sống... thì việc khuyến khích đẻ và nuôi con sẽ rất khó. Do đó nếu xu thế sinh thấp thì cần phải có chính sách kịp thời.
Dự thảo Luật Dân số đang được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2018. Theo đó Bộ Y tế đề xuất cho phép các cặp vợ chồng có quyền quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách sinh và số con. Quy định này nhằm duy trì mức sinh thay thế trong phạm vi cả nước. Chính phủ quy định số con cụ thể trong từng giai đoạn, giảm sinh ở những tỉnh thành có mức sinh cao, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp.
Nam Phương - Lê Phương