Năm 97 rồng đổi màu

Năm 1997, Hoàn Châu Cách Cách bấm máy.

Một năm sau, đài ATV - ông lớn thứ hai của Hong Kong sau TVB - như phần lớn đài truyền hình khác của châu Á giai đoạn đó, nhập bộ phim này về. Năm 1999, lần đầu tiên trong lịch sử, ATV đánh bại TVB về số lượt người xem trong giờ vàng với cuộc phiêu lưu trong hoàng cung của Tiểu Yến Tử và Hạ Tử Vy. Tập cuối của phần 2 đạt rating 58%.

Đó là dấu hiệu cho một thời đại khác trong làng giải trí Hong Kong. Quyền lực gần như tuyệt đối của TVB bị đe dọa. Bởi các thế lực mới, từ Đài Loan và Trung Quốc.

Thập kỷ 90 đã bắt đầu một cách suôn sẻ cho văn hóa Hong Kong. Tứ Đại Thiên Vương làm mưa làm gió trên toàn châu Á. Một ca khúc Cantopop của Lê Minh hay Lưu Đức Hoa có thể có 3, 4 phiên bản lời Việt. Khắp các gia đình Việt Nam là những chiếc đầu bãi Nhật Bản, những cuốn video sao lậu, và trên màn hình là Trần Cẩm Hồng đang khám phá “Hồ sơ trinh sát”, hay là Âu Dương Chấn Hoa đang lần theo “Hồ sơ công lý”.

Những năm đó, ở châu Á, không hiếm những người như Lam Trường. Anh đã xây dựng những bước đầu của sự nghiệp, mà sau này đạt đến vị thế ngôi sao của một quốc gia, bằng việc cover các bản Cantopop. Dẫu sao, nếu không đi theo phong cách Hong Kong trong thập kỷ 90, người ta cũng chẳng biết đi theo gì khác. Làn sóng Hàn Quốc lúc đó vẫn còn là một giấc mơ chưa thành hình của Seoul.

Cũng những năm đó, Ngô Vũ Sâm “đặt gạch” cho sự nghiệp lừng lẫy của ông sau này tại Hollywood bằng Điệp huyết song hùng, với diễn xuất của Châu Nhuận Phát. Thập kỷ 90 là quãng thời gian mà những người như họ Ngô hay là Từ Khắc giáo dục Hollywood về cách làm phim hành động, về việc một anh hùng cơ bắp với khẩu súng ngắn có thể mang vũ đạo đẹp mắt ra sao. Và khi hai người chĩa súng vào nhau, không chỉ là đối đầu, có cả sự cân não sâu sắc kiểu Á Đông.

Không thể quên Jackie Chan và Châu Tinh Trì - đó là quãng thời gian thăng hoa của cặp đôi mà sau này trở thành biểu tượng của văn hóa Hong Kong trên toàn cầu.

Nhưng năm 1997, rồng đổi màu.

Thập kỷ 90 không chỉ đến cùng với việc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc đại lục. Nó đến cùng với nhiều biến động của thế giới. Hollywood bắt đầu tấn công mạnh vào thị trường châu Á. Trung Quốc đại lục bắt đầu nghĩ về “quyền lực mềm” và lần đầu tiên, họ có thể chinh phục khán giả Hong Kong, vốn nằm ở “chiếu trên” trong các sản phẩm văn hóa đại chúng, bằng Tam Quốc Diễn Nghĩa hay Hoàn Châu Cách Cách (đều do đài ATV nhập về). Điện ảnh và truyền hình Đài Loan có một sự trở lại ngoạn mục. Các hạ tầng truyền dẫn số, từ vệ tinh đến truyền hình cáp, bắt đầu đưa đến cho chính người dân Hong Kong những lựa chọn mới.

Và nguyên nhân quan trọng nhất của sự sa sút mang tính hệ thống: Tiền.

Ba tháng sau ngày trao trả, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra. Nó giáng một đòn cực mạnh vào nền giải trí Hong Kong - nơi lưu giữ ký ức và bản sắc của thành phố.

Quãng đầu thập kỷ 90, mỗi năm Hong Kong sản xuất 200 bộ phim điện ảnh. Con số này giảm một nửa trong những năm cuối thập kỷ 90 và đầu thế kỷ 21.  Đến năm 2013, con số này chỉ còn hơn 40. Dịch SARS năm 2003, với những rạp phim trống hoác, bồi thêm một đòn trời giáng vào nền giải trí Hong Kong sau năm 1997.

Sự lao dốc bắt đầu, từ biểu tượng lớn nhất, TVB. Mặc dù gần như độc quyền về thị trường truyền hình Hong Kong, đài này vẫn tỏ ra đuối sức trong hai thập kỷ qua. Trong khi đó, theo công thức của nền công nghiệp giải trí Hong Kong, thì truyền hình là nơi cung cấp các tài năng cho điện ảnh. Có đến 90% đạo diễn và biên kịch của điện ảnh Hong Kong đến từ truyền hình.

Nhiều năm độc quyền đã tạo ra cho TVB những thói quen. Kịch bản của họ được xây dựng theo “công thức TVB”, với bất kể loại phim nào, từ hiện đại đến cổ trang, từ hình sự đến tâm lý, đều mang những diễn tiến giống nhau: tranh chấp tài sản trong gia đình, con rơi, tù tội, bệnh hiểm nghèo và tình yêu tay ba... “Công thức” này đã ám cả vào truyền hình Hàn Quốc trong những năm đầu của Hallyu - nhưng người Hàn Quốc đã thoát ra bằng sự sáng tạo, còn TVB thì không.

Những tác phẩm đáng kể nhất của TVB trên sóng truyền hình Việt Nam hôm nay, vẫn phải kể đến “Sức mạnh tình thân” hay là “Tiềm hành truy kích”. Và chúng không thay đổi gì so với 20 năm trước.

Nguồn cung tài năng cho làng giải trí Hong Kong cũng trở nên hạn hẹp. Đòi hỏi phải đánh vào thị trường Trung Quốc và tìm kiếm nguồn tài chính từ đại lục đã tạo ra những nhà sản xuất thỏa hiệp. Ở đại lục, việc kiểm duyệt gắt gao hơn rất nhiều. Đặc biệt là khi bàn đến phim gangster.

Điện ảnh và truyền hình Hong Kong - biểu tượng của châu Á một thời đại - chỉ là một phần quan trọng gặp rắc rối trong “bản sắc Hong Kong” sau năm 1997.

“Hong Kong không chỉ là cái tên”

Đài ATV - đài truyền hình lâu đời nhất tại Hong Kong - đóng cửa vào năm 2015.

Chỉ trích mạnh mẽ nhất mà đài này nhận trong những ngày hấp hối, là họ mang thiên hướng ủng hộ đại lục. Đó chính là đài truyền hình đã nhập về Hoàn Châu Cách Cách và Tam Quốc diễn nghĩa trong thập kỷ 90.

Nền điện ảnh sa sút vì cùng một lý do, theo Ross Chen, thành viên Hiệp hội phê bình điện ảnh Hong Kong. Những người trẻ không còn muốn đến rạp xem phim nội địa, vì “họ cảm thấy chúng bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc”. “Điều này là không thể tránh khỏi vì đó là nơi cung cấp phần lớn nguồn tài chính. Nhưng người trẻ Hong Kong thì không muốn định danh là người Trung Quốc” - Ross nói.

Ảnh hưởng tài chính và chính trị của đại lục với bản sắc Hong Kong - thứ mà những công dân của đặc khu muốn lưu giữ - tạo ra sự khó xử trên mọi lĩnh vực.

Người ta có thể nhìn thấy ảnh hưởng của đại lục ở khắp nơi trên đất Hong Kong. Trên một bến cảng ở Tân Giới - nơi mà trong suốt nhiều thập kỷ, các “anh hai” trong phim TVB đã đứng đó, bên bờ biển, suy tính về việc buôn ma túy hay buôn người từ đại lục sang, giờ chỉ thấy cờ của CHND Trung Hoa phất phới. Không có một lá cờ hoa dương tử kinh nào của Hong Kong. Lý do đơn giản, là bởi các nhà hàng bên bờ biển, giờ phục vụ phần lớn du khách từ đại lục. Đó là tập khách quan trọng nhất trên thế giới, chứ không chỉ có Hong Kong.

Mâu thuẫn giữa “tiền của đại lục” và “bản sắc của Hong Kong” - tất nhiên - cũng là một phần kịch tính của phong trào thanh niên Hong Kong từ năm 2014. Phong trào được biết đến dưới cái tên "Cách mạng dù".

Hoàng Chi Phong và những đồng đội thanh niên của anh, giơ cao những chiếc dù vàng rực ở khu Trung Hoàn. Họ chiếm đường phố, và đòi hỏi quyền được bầu cử "thực thụ" - tức là người dân được đề cử người giữ chức Trưởng đặc khu. Trước đó, vào tháng 9/2014, Quốc hội Trung Quốc khẳng định rằng người dân sẽ chỉ được bầu chức đặc khu trưởng theo danh sách của Ủy ban bầu cử đưa ra.

Nhưng quanh đó, ở trung tâm thành phố, là các thương nhân đang khao khát thị trường đại lục. Họ mâu thuẫn với nhau. Không phải người Hong Kong nào cũng có khao khát được phân định với Bắc Kinh, và có thiện cảm với những chiếc dù vàng đòi dân chủ. Họ còn cần làm ăn.

Cuộc biểu tình năm 2014 đã chia rẽ sâu sắc đời sống xã hội và chính trị Hong Kong. Nhiều thủ lĩnh sinh viên, như Chan Chak-to và Edward Leung hay tiêu biểu hơn là Hoàng Chi Phong, tin rằng nếu không độc lập về mặt chính trị với Bắc Kinh, Hong Kong sẽ không thể theo đuổi các giá trị dân chủ của họ.

Một số người khác muốn tìm kiếm sự ổn định: họ lên án các thủ lĩnh sinh viên đã làm xáo trộn đời sống xã hội và làm ảnh hưởng tới kinh tế Hong Kong bằng các cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát. Hầu hết các đảng nghiêng về phía hợp tác với Bắc Kinh đều là các đảng có cương lĩnh tập trung cho phát triển kinh tế.

Luận điểm của các đảng “ổn định” thuyết phục được không ít người Hong Kong, đặc biệt là khi vùng đất giàu có này đang chững lại về kinh tế.

“Rất nhiều người Hong Kong vẫn đang trong cảnh khốn khó với những mối lo về điều kiện sống, mức lương và sức khỏe. Còn các nhà dân chủ đang thổi bùng ngọn lửa từ mọi phía” - không khó để bắt gặp những luận điểm như thế tại Hong Kong ngày nay. Nó được đăng trên tờ South Morning China Post, một trong những tờ báo mạnh nhất thành phố. Và tờ này, thì đã được mua lại bởi Jack Ma, ông chủ giàu có đến từ đại lục.

Phe “yên ổn làm ăn”, gắn kết chặt chẽ với Bắc Kinh đang thắng từ màn ảnh cho đến nghị viện. Cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Hong Kong năm 2016 đã diễn ra đầy kịch tính. Những cuộc biểu tình lớn nhỏ liên tục diễn ra. Nhưng đến cuối, những người chiếm đa số, vẫn là phe ủng hộ việc chung sống với Bắc Kinh.

Sau bầu cử, ghế Trưởng đặc khu hành chính thuộc về bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga - một người được cho là có thiên hướng thân Bắc Kinh.

***

Những biểu tượng của thập kỷ 90 giờ cũng chia rẽ.

Jackie Chan được nhìn nhận là một người ủng hộ xu hướng ngả về Bắc Kinh. Huyền thoại điện ảnh này nhiều lần công khai thái độ chống người biểu tình tại Hong Kong. “Hong Kong giờ đã thành một thành phố biểu tình” - ông nói trên báo đại lục.

Báo Người Thượng Hải vẫn “cố” gọi Jackie Chan là “đứa con được yêu quý thứ hai tại Hong Kong” (sau Lý Tiểu Long). Nhưng thực ra, Jackie bây giờ bị ghét bỏ ở nhiều nơi. Người Hong Kong không chịu được hình ảnh biểu tượng của mình một thời, giờ thân thiết với chính quyền Trung Quốc, và bước ra từ những chiếc xe biển công vụ của Bắc Kinh.

“Tôi nghe rằng thiệt hại kinh tế mà các cuộc biểu tình tạo ra đã lên đến 45 tỷ USD” - Jackie Chan nói về phong trào “Chiếm Trung Hoàn”, hay là cuộc cách mạng dù năm 2014, bằng một lập luận rất quen thuộc.

Bất chấp những gì mà Jackie đã cống hiến cho điện ảnh Hong Kong, trên mạng xã hội bây giờ, có thể dễ dàng bắt gặp những lời nhục mạ diễn viên này. Trong cuộc biểu tình năm 2014, người ta nhìn thấy những biểu ngữ đòi tẩy chay Jackie Chan, và chào đón Edward Snowden.

Châu Nhuận Phát chọn một lối ứng xử khác. Ông công khai ủng hộ phong trào thanh niên Hong Kong.

Họ là những người dũng cảm, và thật xúc động khi chứng kiến họ đấu tranh cho những gì mình muốn

Châu Nhuận Phát

Người ta đồn rằng các nhà sản xuất tại đại lục đã đưa Châu Nhuận Phát vào một “danh sách đen” vì lý do này. Ông đón nhận tin đó một cách hết sức bình thản: “Nếu thế, thì tôi sẽ kiếm ít tiền đi”.

Châu Nhuận Phát và Jackie Chan, những người Hong Kong đầu tiên “xâm lấn” Hollywood, bây giờ trở thành hai biểu tượng cho những mâu thuẫn mà mảnh đất này đang trải qua.

Trong suốt 20 năm qua, câu “Tôi là người Hong Kong” trở thành một dạng ý niệm sâu sắc - để phân định mình với phần còn lại của Trung Quốc. Hay nói theo cách của Hoàng Chi Phong, họ "không muốn Hong Kong chỉ còn là một cái tên gọi".

Giữ định danh là người Hong Kong - theo đuổi những giá trị của một chế độ chính trị khác, một nền văn hóa khác, kiếm ít tiền đi, hay là tìm kiếm “ổn định và thịnh vượng” theo cách nói của những người như Jackie Chan.

Tuế nguyệt phong vân

Năm tháng trôi cùng mây gió, như tên của bộ phim mà TVB và CCTV - đài truyền hình trung ương Trung Quốc - cũng hợp tác để làm kỷ niệm 10 năm trao trả Hong Kong hồi 2007.

Những sự thay đổi sau 20 năm không khó để nhận ra ngay cả khi bạn chỉ là một vị khách qua đường ở thành phố này. Tiếng phổ thông có thể được nghe thấy ở khắp nơi, từ trên đường phố xuống đến tàu điện ngầm: dẫu sao, người Trung Quốc cũng có thói quen nói to ở không gian công cộng, hơn là dân Hong Kong. Theo số liệu của Bloomberg, năm 1997, chỉ có 23% số các dự án bất động sản là của các nhà đầu tư đến từ đại lục. Năm 2017, con số này, là 100%. China Mobile giờ sở hữu 1/5 thị trường viễn thông tại Hong Kong. 75% các vụ IPO trên sàn chứng khoán Hong Kong giờ được tư vấn bởi các ngân hàng đại lục.

 Nguồn tiền từ đại lục đổ vào Hong Kong tạo ra một sức mạnh chi phối cả kinh tế và văn hóa. Nhiều người, như là nhà báo Yi-Zheng Lian của The New York Times, tin rằng nó chi phối cả đời sống chính trị.

Ký ức về một Hong Kong trước năm 1997, và những di sản văn hóa của Hong Kong thời kỳ thịnh vượng, không chỉ tồn tại ở những con người nơi này. Nó sống cùng ký ức của một thế hệ cư dân châu Á. 

Sau năm 1997, Vương Gia Vệ vẫn làm “Tâm trạng khi yêu”, Hollywood vẫn phải cúi đầu trước “Vô gian đạo” và Châu Tinh Trì vẫn thăng hoa với “Tuyệt đỉnh Kung-fu”. Hong Kong vẫn là một quyền lực về văn hóa tại châu Á, nhưng đã thấp bé hơn trước rất nhiều, so với Hallyu, sự trỗi dậy của Đài Loan, đại lục hay Ấn Độ.

Không thể phủ nhận rằng mọi thứ đã phai nhạt. Chúng chỉ còn đẹp đẽ vì đã xuất hiện đúng vào thời điểm Việt Nam mở cửa, là những ký ức đầu tiên về một nền văn hóa đại chúng đồ sộ. Những năm tháng mà Lam Trường hát Cantopop, còn lũ trẻ đứng tần ngần trước cửa hàng thuê băng tìm chọn một bộ “xã hội đen” mới.

Hong Kong giờ được nhớ đến, ngoài vị thế lâu đời là trung tâm tài chính thế giới, còn là sự vật lộn giữa các giá trị và những cuộc biểu tình, chứ không còn là một thủ đô văn hóa của châu Á.

 

Bài: Đức Hoàng

Ảnh: Flickr.com

Bình luận
Ý kiến của bạn