Từ Hà Nội, bạn có thể đi theo đường cao tốc hoặc quốc lộ 5 để đến Hải Phòng. Sau đó nối tuyến vào cầu vượt biển Tân Vũ để đến bến phà Gót. Từ đây du khách bắt phà ra Cái Viềng để lên đảo Cát Bà. Phà thường hoạt động từ sáng sớm đến chiều tối. Ngày cao điểm chạy liên tục 24/24.
Nếu đi phà thì du khách mất ít nhất khoảng 2 tiếng để chờ phà và di chuyển. Giá phà với khách đi bộ là 7.000 đồng/người. Khách đi xe máy và một người là 25.000 đồng, ôtô dưới 9 chỗ là 95.000 đồng/xe.
Nếu đi tàu cao tốc, bạn có thể đến bến tàu Bính. Tàu thường chạy từ 8 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Từ Cát Bà về Hải Phòng tàu hoạt động từ 8h sáng đến 16h. Cách khoảng 2 tiếng có một chuyến. Giá tàu từ 200-250 nghìn đồng/người, thời gian di chuyển khoảng 45 phút.
Giá vé xe khách trọn gói từ Hà Nội đi Cát Bà hiện khoảng 260.000 đồng/người. Bạn có thể dễ dàng đặt vé hoặc mua tại bến xe Gia Lâm, Giáp Bát. Thời gian xuất bến lần lượt từ 7h, 10h và 14h.
Du khách cũng có thể đến Cát Bà từ vịnh Hạ Long. Đầu tiên bạn bắt phà tại đảo Tuần Châu để đến cảng Gia Luận. Từ đây có thể đi taxi về trung tâm thị trấn Cát Bà. Nhiều du khách được khuyên đi du lịch trọn gói để tham quan vịnh Hạ Long, ngủ trên tàu một đêm sau đó đi Cát Bà để ngủ thêm một đêm ở thị trấn Cát Bà hoặc trên một bãi biển riêng.
Di chuyển đến Cát Bà, cắm trại trên bãi biển Tùng Thu.
Đi thuyền ra vịnh Lan Hạ. Khám phá các đảo hoang, tắm biển, lặn ngắm san hô, chèo thuyền kayak, tham quan bè nuôi cá, làng chài nổi.
Tham quan hang động trong vườn Quốc gia Cát Bà. Nghỉ ngơi, về lại thành phố.
Khi đã lên đảo, du khách có 2 lựa chọn là đi theo đường biển quanh đảo hoặc xuyên rừng để đến trung tâm thị trấn Cát Bà. Nhiều người chọn đi theo hướng Cát Hải - Cát Bà, xuyên rừng quốc gia Cát Bà để tận hưởng không khí trong lành nơi đây.
Nếu đi xe máy, du khách có thể dành ra vài tiếng để tham quan vườn quốc gia Cát Bà, giá vé 40.000 đồng/người. Khu du lịch sinh thái Quốc Hưng được nhiều bạn trẻ dừng chân vì phong cảnh đẹp và hoàn toàn miễn phí.
Sau khi nghỉ trưa trên trung tâm thị trấn Cát Bà, du khách có thể tham quan các bãi tắm. Bãi Cát Cò 1, Cát Cò 3 là những bãi tắm nổi tiếng nhưng đông khách. Cách trung tâm thị trấn khoảng một km, bạn có thể hỏi đường đến bãi tắm Tùng Thu. Bãi biển ở đây chủ yếu là người dân địa phương sử dụng, không nhiều du khách biết đến.
Bãi biển Tùng Thu khá sạch và yên tĩnh, du khách có thể tắm biển, cắm trại qua đêm. Nếu muốn cắm, du khách nên đi theo nhóm hoặc thuê hướng dẫn viên địa phương để đảm bảo an toàn.
Buổi tối bạn có thể ra chợ đêm Cát Bà để thưởng thức hải sản tươi ngon với giá thành phải chăng. Sau đó du khách có thể dạo chơi trên bãi biển, thuê xe đạp chạy quanh đảo hoặc ngồi xích lô mini để tận hưởng không khí trong lành.
Ngày thứ 2 bạn sẽ bắt đầu hành trình khám phá các hoang đảo. Trên trung tâm thị trấn nhiều hướng dẫn viên địa phương tổ chức các tour đảo hoang theo nhóm nhỏ. Du khách có thể liên hệ trước để đặt chỗ hoặc ghép đoàn. Giá tour trọn gói dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/người cho một ngày khám phá hoang đảo trên vịnh Lan Hạ.
Khoảng 8 giờ sáng, tàu sẽ đón khách ra vịnh Lan Hạ. Khu vực này được bao bọc bởi hơn 400 hòn đảo lớn nhỏ, hầu như không có dân sinh sống nên còn nguyên nét hoang sơ.
Trên đường ra đảo, du khách có thể dừng lại ở các bè nuôi cá. Ngoài các loài cá phổ biến phục vụ du khách, ở đây cũng nuôi thả nhiều loại cá đặc sản của Cát Bà như cá song, cá giò, cá sủ, cá vược...
Tàu sẽ chở khách đi tham quan các đảo hoang sơ như đảo Khỉ, bãi lụt, đảo hai trái đào, đảo Long Châu và một số hoang đảo chưa được đặt tên trong khu vực vịnh Lan Hạ. Đa số đảo ở đây đều có bãi tắm, cát trắng, nước trong sóng nhẹ thích hợp cho các hoạt động bơi lội.
Tour khám phá hoang đảo cũng đưa du khách đi lặn biển, ngắm san hô. Nếu thích khám phá, mạo hiểm, bạn nên thử chèo thuyền kayak khám phá các hang động.
Buổi trưa du khách sẽ dựng trại, nhóm bếp lửa trên đảo để nướng hải sản. Du khách được tự tay nướng mực, hàu, cá biển, bề bề, ghẹ, tất cả đều là đồ tươi ngon.
Buổi chiều bạn có thể khám phá tiếp các hoang đảo hoặc chèo thuyền, tắm biển, ngắm san hô. Trước khi quay lại thành phố, du khách đừng quên ghé thăm làng chài Cái Bèo. Đây là một trong những làng chài cổ nhất Việt Nam, và được xem như bảo tàng sống động về văn hóa biển của ngư dân Việt xưa.
Chiều tối, nếu còn thời gian, du khách có thể ghé thăm pháo đài Thần Công. Nằm trên cao điểm 177, pháo đài Thần Công nổi tiếng với hệ thống đài quan sát và hầm hào phức tạp. Du khách phải mua vé để vào tham quan pháo đài, giá vào cổng hiện tại là 50.000 đồng/người.
Ngày cuối cùng trên đảo, du khách có thể tham quan các hang động và rừng Quốc gia Cát Bà hoặc nghỉ ngơi, dạo biển sớm và tìm mua quà đem về.
Ngoài hải sản, Cát Bà còn nổi tiếng với nước mắm Cát Hải. Nước mắm ở đây đậm đà, hương vị thơm đặc trưng của vùng biển.
Mật ong vườn Quốc gia Cát Bà cũng nổi tiếng về độ tinh khiết và giá trị dinh dưỡng cao. Mật ở đây có màu vàng đậm, đặc sáng, vị thơm. Giá mật ong ở đây khoảng 500-600 nghìn đồng, cao hơn so với các nơi khác do ong được nuôi hoàn toàn trong tự nhiên với thảm thực vật phong phú của khu bảo tồn thiên nhiên Cát Bà.
Để tránh kẹt đường, chờ phà, du khách nên về đất liền từ đầu giờ chiều. Khoảng chiều tối phà thường quá tải. Nếu bị kẹt lại, du khách có thể đi tàu cao tốc để vào bờ. Mùa du lịch cao điểm, tàu và phà đều hoạt động 24/24.
Một số đặc sản bạn nhất định phải thử khi đến Cát Bà là tu hài, sam biển, bún tôm. Quà mua về thì không thể thiếu mật ong rừng và mực khô.
Đặc sản của Cát Bà là bún tôm được chế biến theo công thức riêng. Tôm được đánh bắt từ ngoài khơi xa còn nguyên độ tươi ngon, chả cá dai và thơm được trộn trong nước lèo ngọt lịm rắc thêm vài lát lá lốt dậy mùi tạo thành một hương vị đặc trưng của bún tôm Cá Bà.
Tiếp đến là tu hài hay gọi là ốc vòi voi. Loại nhuyễn thể này nổi tiếng với độ dinh dưỡng cao. Tu hài có ở nhiều vùng biển nhưng tu hài trên đảo Cát Bà được du khách yêu thích hơn cả. Bạn có thể chế biến tu hài thành nhiều món nướng, gỏi, nấu cháo hoặc hấp giòn. Đây là một trong những đặc sản nhất định phải thử khi đến Cát Bà.
Cá song nấu cháo, làm gỏi, hấp, sốt, nướng hay nấu lẩu đều rất ngon. Ở Việt Nam có khoảng 30 loài cá song khác nhau, riêng Cát Bà có 3 loại nổi danh là cá song mỡ, song đen và song cáo. Câu cá song trong đêm cũng là một trong những hoạt động được du khách đặc biệt yêu thích.
Sam biển là món ngon được nhiều người tìm mua khi đến Cát Bà. Sam trưởng thành thường nặng khoảng một ký. Các món đặc biệt chế biến từ sam phải kể đến sam nướng và sam xào chua ngọt. Gia vị đi kèm không thể thiếu riềng, sả, ớt, giấm, lát lốt, hành va rau răm.
Bề bề (tôm tít) Cát Bà to, mẩy và bóng. Bề bề rang muối là đặc sản nổi tiếng nơi đây. Món này được chế biến công phu từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến ướp, rang để có được đúng vị đặc trưng.
- Mùa hè du khách không nên tắm biển sau 6 giờ tối vì thuỷ triều rất cao.
- Đường ra Cát Bà thường quá tải ở khu vực bến phà Gót vào 3 ngày cuối tuần. Du khách có thể gửi xe trên đất liền và đi tàu cao tốc ra đảo để tiết kiệm thời gian.
- Mùa du lịch cả phà và tàu cao tốc đều hoạt động 24/24. Giờ cao điểm từ Cát Bà vào thành phố thường rơi vào khoảng 13h-21h, du khách có thể gọi trước ra bến tàu, bến phà để đặt chỗ hoặc cập nhật tình hình để chủ động việc đi lại.
- Du khách nên đặt phòng trước để tiết kiệm, tránh tình trạng hết phòng. Nếu không tìm được nhà nghỉ, khách sạn, bạn có thể chọn homestay.
- Trước khi mua sắm, du khách nên tham khảo giá.
Ảnh: Thân Trọng Hiếu, Nguyễn Thùy Vân, Hoàng Mạnh Cường, Nguyễn Thế Hưng, Discovery, Trekking Island - Cát Bà