Một số cơ sở lưu trú trên đảo Cát Bà ngày 17/9 thông báo mở cửa nhưng thực trạng vẫn còn ngổn ngang. Kiều Thị Ngần, quản lý khách sạn Thu Hà, nói cơ sở mới khắc phục 20%, chỉ mở một phần, còn lại chưa thể sửa chữa. Chi phí nhân công, nguyên liệu tăng 70-100% sau bão. Thợ sửa chữa rất thiếu dù đã được thuê thêm từ đất liền.
"Nhiều nhà chỉ ưu tiên sửa những phần cần thiết trước. Chi phí leo thang nên ai cũng khó khăn", chị Ngần nói, cho biết thêm phần lớn khách trong tháng 9 đã hủy đặt phòng; tháng 10 mới có lác đác vài khách lẻ.
Nhiều cơ sở lưu trú trên đảo cũng chung tình trạng, thông báo không thể đón khách tới hết tháng 9. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty Du lịch Aroma, sở hữu hai khách sạn trên đảo với 48 phòng, nói tiền sửa chữa ước tính vài trăm triệu đồng. Hiện ông khắc phục dần các phần như cửa kính, thang máy. Nếu nhanh, hết tháng 9 khách sạn mới có thể mở lại.
Flamingo Cát Bà, cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng, dừng hoạt động từ 11/9 để khắc phục hậu quả thiên tai. Đại diện cơ sở cho biết tiến độ còn phụ thuộc vào tình hình cung ứng vật liệu.
"Chúng tôi muốn đảm bảo đón khách trong điều kiện an toàn nhất nên cần kiện toàn mọi chi tiết trước khi mở", đại diện cơ sở nói. Việc sửa chữa có thể hoàn tất trước khi mùa khách quốc tế bắt đầu vào tháng 10.
Nhân lực sửa chữa trên đảo Cát Bà khan hiếm do người dân chủ yếu làm du lịch hoặc nuôi trồng, đánh bắt hải sản. Nhiều cơ sở du lịch huy động nhân viên tự sửa chữa để đẩy nhanh tiến độ mở lại. Ngoài ra, nguồn cung thợ, vật liệu từ đất liền ra đảo cũng hạn chế vì chi phí vận chuyển cao trong khi thành phố Hải Phòng cũng thiệt hại nặng sau bão.
Khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng ngày 7/9, bão Yagi có sức gió cấp 12-13, giật cấp 15. Nhiều người cao tuổi trên đảo nói chưa từng chứng kiến cơn bão mạnh tương tự suốt 80 năm qua. Đa số cơ sở kinh doanh du lịch trên đảo bị thiệt hại, ít khoảng 300-500 triệu đồng, nhiều lên tới vài tỷ đồng.
Lux Group khai thác chương trình tour du thuyền 4 ngày 3 đêm, có lịch trình tham quan đảo Cát Bà và được khoảng 20% khách quốc tế lựa chọn từ cuối năm ngoái. Tuy nhiên, đơn vị này đã tạm bỏ Cát Bà khỏi lịch trình sau khi khảo sát sau bão, rút ngắn tour còn hai ngày một đêm hoặc ba ngày hai đêm.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, nói cảnh tượng trên đảo "tan hoang, ngổn ngang và ô nhiễm môi trường". Do đó, Cát Bà cần khắc phục cảnh quan sớm để các đơn vị lữ hành yên tâm đưa khách trở lại.
Đại diện UBND huyện Cát Hải nói công việc khắc phục hậu quả sau bão "còn bề bộn" và thiệt hại rất lớn. Hiện tại, huyện tập trung vệ sinh môi trường, khôi phục hệ thống điện và viễn thông.
Ông Nguyễn Văn Cảng, Phó giám đốc công ty du lịch Thành Công Cát Bà - chuyên cung cấp dịch vụ landtour trên đảo - nói khách ra đảo lúc này hầu như "không có gì trải nghiệm". Dịch vụ tour bị huỷ đến hết tháng 9, trong khi tháng 10 "còn chờ cập nhật".
Theo đại diện Aroma Nguyễn Thành Trung đánh giá tới tháng 10, Cát Bà "may ra" mới hồi phục 70% dịch vụ du lịch.
Tú Nguyễn - Lê Tân