Ông Lê Trọng Phong đội một chiếc mũ bảo hiểm có 5 vết xước mờ - như 5 ngón tay in trên mặt người sau cái tát. Chiếc mũ do anh con rể tặng, đã “cứu mạng” ông ba năm trước, được nâng niu như bảo vật trong nhà.
Đó là một buổi sáng mùa Đông, ngày 6/11/2014, ông Phong chở vợ từ Yên Nghĩa lên bệnh viện Tuệ Tĩnh khám bệnh. Ngày 14 Âm lịch, ông đã chần chừ vì tin “mùng 5, 14, 23” không nên xuất hành, nhưng vì vợ đã kêu cổ họng đau rát suốt mấy ngày trước, ông vẫn đi. Khi chiếc xe máy sang đến làn đường xe bus, còn cách cổng viện vài chục mét thì trước mặt ông Phong lủng lẳng một sợi chão...
Một tiếng “Uỳnh” vang lên.
Bó sắt từ trên trời rơi xuống, đầu những thanh sắt quệt trúng chiếc mũ bảo hiểm, va vào ngực, trượt xuống tay rồi đập vào đầu chiếc xe máy khiến vợ chồng ông ngã lăn ra đường. Người chồng chỉ kịp nâng xe máy để vợ gỡ chiếc chân bị kẹt ra, trước khi ngất ra đường vì mất máu.
Ở làn đường phía trong, hướng đi Hà Đông, thượng úy Nguyễn Như Ngọc đã không may mắn như thế. Chiếc xe máy màu đỏ nằm chỏng chơ, anh sinh viên an ninh tử vong tại chỗ, tay che mặt, thi thể nguyên vị trí trên yên xe.
Nơi thượng úy Ngọc nằm, cách cổng Học viện An ninh khoảng 500m. Chỉ còn ít ngày nữa là anh hoàn thành khóa học văn bằng 2 tại ngôi trường này. Chàng lính trẻ ra đi, để lại vợ và hai con nhỏ. Đứa lớn mới 4 tuổi, đứa nhỏ 13 tháng.
Hôm đó là thứ năm, một ngày mưa gió, vừa qua giờ cao điểm nên tuyến đường huyết mạch nối phía Tây với trung tâm thành phố nhiều xe cộ đi lại. Trong số 3 xe máy gặp nạn, 2 chiếc bị bó sắt đè lên.
Chiếc mũ bảo hiểm có 5 vết xước như 5 ngón tay in được ông Phong giữ làm kỷ niệm.
Thỉnh thoảng, ông Phong vẫn cho rằng mình gặp nạn vì bước chân ra đường vào ngày xấu. Còn bà Hằng tin vì cái tuổi 49 hay gặp nhiều vận hạn. Nhưng đó không phải là vận số: tổ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã nâng cẩu cao quá mức khiến mối hàn không chịu được lực bung ra, các thanh sắt rơi xuống người qua lại - trên một đoạn đường không rào cảnh báo, không phân luồng phương tiện.
Tại cuộc họp một ngày sau đó, Bộ trưởng Giao thông thời ấy - ông Đinh La Thăng đã yêu cầu Hội đồng quản trị Cienco 1 kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên vì không ra hiện trường xử lý ngay sau tai nạn. Ông Phạm Dũng đã cử người khác vì bận giao ban.
Nếu là con em các ông chắc các ông đã nhao ra rồi, vô cảm với tính mạng người dân vậy à?
Bộ trưởng GTVT, Đinh La Thăng
Gần hai tháng sau, giàn giáo đoạn ga bến xe Hà Đông (tuyến 2A) đổ sập vào rạng sáng 28/12/2014, khi công nhân đang đổ bê tông. Một chiếc taxi bị chôn vùi giữa đống sắt thép. Tài xế và ba nữ hành khách may mắn thoát chết.
Tháng 5/2015, chiếc ôtô vừa qua nút giao Nguyễn Trãi thì bị thanh sắt dài hơn một mét từ công trường nhà ga vành đai 3 tuyến đường sắt rơi trúng cửa bên trái, gây hư hỏng nhẹ.
Tháng 5/2016, một thanh niên đi xe máy bị thanh sắt dài hơn 40 cm rơi trúng tay khi đi qua đoạn xây dựng nhà ga trên đường Hoàng Cầu.
Tháng 10/2016, Lê Văn Linh (19 tuổi, Hà Tĩnh), công nhân thi công nhà ga trên cao Hà Đông rơi từ giàn giáo cao 5 mét xuống đường, tử vong.
Sau mỗi lần rơi bó thép, rơi thanh sắt, sập giàn giáo… là mỗi lần phía cơ quan có trách nhiệm lại rút kinh nghiệm.
Năm 2007, Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô đến năm 2020 (HAIDEP) đề xuất: Hà Nội sẽ có 5 tuyến vận tải đô thị khối lượng lớn, tốc độ cao. Đó là lần đầu tiên "đường sắt đô thị" xuất hiện trên giấy.
Năm 2009, Cục đường sắt Việt Nam và Cục 6 đường sắt Trung Quốc đặt bút ký hợp đồng (EPC) dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông, chính thức mở ra viễn cảnh về các tuyến đường sắt đô thị giảm tải cho giao thông thành phố. Khi đó, Hà Nội đã mơ đến năm 2014 có đường sắt trên cao.
Hai siêu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tổng thầu Trung Quốc) và Nhổn - ga Hà Nội (tổng thầu Pháp) là các tuyến thí điểm đầu tiên. Sau nhiều lần thay đổi, lỡ hẹn, chậm giải phóng mặt, tổng mức đầu tư hai tuyến đã lên tới hơn 2 tỷ USD.
"Cái hẹn" mới nhất được đưa ra là tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ hoạt động năm 2018. Tính riêng thời gian thi công, bắt đầu từ 2011, để có tuyến đường đầu tiên Hà Nội mất gần 8 năm - một kỷ lục mới của đường sắt đô thị Đông Nam Á.
Mười một năm từ chủ trương, chín năm từ lúc có dự án và tám năm thi công, chúng ta sẽ có 13,1 km đường sắt đô thị đầu tiên đi vào hoạt động.
Và cái giá Hà Nội phải đánh đổi gần một thập niên chờ đợi không chỉ là sự an toàn của người đi đường.
Sau vụ tai nạn, ông Phong phải khâu 9 mũi ở lông mày, giãn tủy sống, trái gió trở trời là đau nhức. Năm đầu, công ty còn vào thăm, biếu giỏ quà. Hai năm nay, họ cũng không đến nữa, sau khi ông Phong đồng ý không khởi kiện, không truy cứu.
Còn chiếc mũ, đã mấy lần ông thử cầm bàn chải cọ kỹ càng nhưng không làm mờ được vết xước. “Nếu không có chiếc mũ thì có khi tôi đã chết hẳn”, ông nói.
Nhưng dù đội mũ, ông vẫn thấp thỏm lo âu mỗi lần có việc đi dưới công trường xây dựng đường sắt. Bà Hằng thì luôn sợ hãi khi đi qua những công trình xây dựng, nơi có giàn giáo hay bất cứ thứ gì lủng lẳng trên đầu.
Hằng ngày con gái đi làm, bà đều dặn tránh những đoạn đường có công trường xây dựng.
Nguyệt, con gái ông Phong, một bác sĩ làm việc ở bệnh viện Tuệ Tĩnh nói rằng hồi mới ra trường đi làm, chị luôn tự hào “đường Hà Đông không bao giờ tắc, lại có cây xanh tỏa bóng ven đường”, nhưng giờ đó chỉ là một đoạn ký ức xa.
Đại công trường đường sắt đô thị đã biến Hà Đông - Nguyễn Trãi trở thành một trong những tuyến ùn tắc nhất thủ đô. Mỗi ngày đi về mấy lượt, chị mệt mỏi như đánh trận, về nhà là “tả tơi không còn manh giáp”.
Đó cũng là cảm giác chung của rất nhiều cư dân sống trên con đường này.
Dọc đại công trường ấy, từ Hà Đông lên trung tâm, giàn giáo phủ kín mặt đường, đặc biệt những đoạn thi công nhà ga. Trông thấy hàng cọc thép tua tủa, mạt hàn đỏ rực bắn ra, Nguyệt dự cảm về những hiểm nguy rình rập, chị chỉ không ngờ tai nạn lại rơi trúng bố mẹ mình.
Đối diện với bệnh viện Tuệ Tĩnh là một nhà ga trên cao. Ca trực hàng đêm của Nguyệt chìm trong tiếng đe, tiếng búa đập, xe chở vật liệu chạy rung mặt đường, rung cả giường bệnh viện. Bệnh nhân toàn người già, nhiều đêm than thở không ngủ được.
"Thấy thật khâm phục sức chịu đựng của dân mình khi bao nhiêu năm qua sống trong cảnh tắc đường khủng khiếp như vậy”, chị nói.
Cuối năm 2014, Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép chặt hạ hơn 400 cây xà cừ, hàng chục cây khác trên tuyến đường Nguyễn Trãi với lý do đảm bảo an toàn cho đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông và xây dựng nút giao thông 4 tầng đầu tiên.
Nhưng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2008, đại diện Tổng cục môi trường cho biết không có nội dung chặt cây xanh. “Theo quy định, muốn chặt hạ cây thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, nhưng dự án chưa thực hiện”, Phó tổng cục trưởng Hoàng Dương Tùng khi đó cho biết.
Việc chặt cây này sau đó được xác định là "đúng quy trình", nhưng cũng đã gây không ít tranh cãi.
Ở tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, nơi hàng cây cũ quanh Thủ Lệ giờ quây kín tôn, bạt công trình. Người đi đường giờ không còn thấy bóng dáng ông cụ tóc bạc ngồi dưới những tán xà cừ, bên sạp vé số nhỏ. Sạp vé số giờ đã chuyển về dưới gốc đa còn sót lại trước cổng đền Voi Phục. Hơn ba thập kỷ, ông chứng kiến từng đổi thay của hàng xà cừ, cũng là một phần diện mạo của thủ đô.
“Làm đường sắt trên cao là hợp lý, nhưng Hà Nội cũng cần tính kỹ các phương án để ít ảnh hưởng tới cây xanh. Nếu nói không tiếc là nói dối", người bán vé số già hy vọng.
Những hàng xà cừ và tranh cãi quanh chúng, chỉ là một biểu hiện rất nhỏ trong sự xáo trộn đời sống người dân sống dọc các đại công trường.
Đến nay, các dự án đường sắt đô thị đều đội vốn từ 1,5 đến 2 lần. Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng thời ấy đã nhận xét vì thiếu người có kiến thức để nghiên cứu thấu đáo nên việc chuẩn bị đầu tư sơ sài.
Riêng tuyến Nhổn - ga Hà Nội chậm trễ, khởi công lần đầu năm 2006, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Tháng 9/2010, dự án phải khởi công lần hai và tiến độ được lùi tới năm 2018.
Sau vụ sập giàn giáo đè bẹp chiếc taxi trên tuyến Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Đinh La Thăng trong cuộc làm việc với phía nhà thầu Trung Quốc đã giận dữ, chỉ thẳng vào nhóm Tổng thầu người Trung Quốc lớn tiếng không hài lòng. Ông Thăng cũng ra những điều kiện buộc tổng thầu thực hiện và xem đây là cơ hội cho tổng thầu, nếu không sẽ kiến nghị Chính phủ chấm dứt hợp đồng.
Theo ông Thăng, năng lực của tổng thầu dẫn đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông làm ảnh hưởng môi trường, đi lại, tai nạn gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Dù Bộ Giao thông đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía tổng thầu không thực hiện.
Sau những lần tổng thầu thất hứa, ông Thăng nói bản thân ông không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của tổng thầu nữa.
Không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được
Bộ trưởng GTVT, Đinh La Thăng
Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cho đến nay hoàn thành khoảng 30% khối lượng xây lắp các trụ đoạn đường sắt trên cao. Một số đoạn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Vì chậm tiến độ thi công, Ban quản lý đường sắt đô thị tuyến Nhổn – ga Hà Nội cũng bị UBND TP Hà Nội phê bình. Một trong các vướng mắc là việc giải phóng mặt bằng và thi công chậm chạp tại các gói thầu chính. Điển hình là gói thầu số 1 khu depot, chủ đầu tư đã nhiều lần thay đổi đơn vị thi công do năng lực kém. Hạ tầng kỹ thuật khu depot chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng sau nhiều năm.
Cuối năm 2016, liên danh Hyundai E&C - Ghella S.p.A - nhà thầu thi công gói thầu số 3 dự án Nhổn – ga Hà Nội đã yêu cầu đàm phán lại, phạt khoảng 40 triệu USD vì chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng.
Nhưng ngay cả khi nhà thầu doạ phạt, hồi âm từ Ban Quản lý dự án vẫn chỉ là "đang trong quá trình giải phóng mặt bằng".
Câu hỏi đặt ra: nếu phát sinh khoản phạt, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp, chuẩn bị chạy thử vào cuối năm 2017, khai thác thương mại từ quý 2/2018.
Cuộc đợi chờ sắp tới ngày hái quả. Trung tuần tháng 2, toa tàu đầu tiên tuyến Cát Linh - Hà Đông được cẩu lên đường ray tại nhà ga La Khê. Không khí những buổi đầu mở cửa để người dân tham quan là sự phấn khởi và hy vọng.
Tôi thấy nó rất đẹp
Ông Đỗ Thế Lợi, 80 tuổi, Hà Nội
Dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội vẫn được trông chờ là lời giải cho vấn đề lớn hơn: tình trạng ách tắc giao thông ở trục giao thông phía Tây, nơi có mật độ xây dựng tăng nhanh nhất thành phố hiện nay.
Để có được hình dạng đầu tiên của Hanoi Metro, thành phố đã phải trả giá cao hơn nhiều so với dự kiến. Đó là cái giá về tài chính; giá về xã hội; về những tháng ngày ách tắc. Và đắt hơn cả là niềm tin vào năng lực của cơ quan công thực hiện các đại dự án hạ tầng đầy tham vọng - đã bị bào mòn.
Khi được hỏi về kỳ vọng tương lai với dự án đường sắt đô thị, ông Phong ngần ngừ, rồi nói “tin tưởng vào những người có đầu óc tính toán, hy vọng đều là đúng, là tốt cho dân”.
Nhưng vợ ông, bà Hằng, vẫn chưa vượt qua nỗi sợ, để bước lên đoàn tàu mới.
Bài: Đoàn Loan - Hoàng Phương
Ảnh: Giang Huy - Bá Đô - Quý Đoàn