Đế chế kinh doanh của 4 'ông trùm' châu Á

Li Ka-Shing, Henry Sy, Robert Kuok và Dhanin Chearavanont là thế hệ tỷ phú đầu tiên của châu Á và hiện thuộc nhóm những người giàu cao tuổi nhất thế giới. Được gọi với những biệt danh như "Siêu nhân" hay "Vua" trong các lĩnh vực, những doanh nhân này đều có tầm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế khu vực.

4 ông trùm kinh doanh châu Á
 
 

Điểm chung của 4 "ông trùm" là họ đã mất hàng chục năm để gây dựng nên các đế chế kinh doanh trị giá nhiều chục tỷ USD, đi qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 và thế giới năm 2007. Các tập đoàn này hiện hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, viễn thông, logistics, cảng biển, sản xuất dược phẩm, thức ăn chăn nuôi...

Gần đây, các "ông trùm" đều có những động thái chuyển giao dần quyền lực cho thế hệ con cháu, sau nhiều thập kỷ lăn lộn trên thương trường.

Li Ka-Shing - 'Siêu nhân' châu Á

Người đàn ông giàu nhất Hong Kong khởi nghiệp với công việc sản xuất hoa nhựa từ những năm 1950. Sau đó, doanh nhân này phát triển kinh doanh sang các lĩnh vực bất động sản, siêu thị, dược phẩm và viễn thông.

Ông được mệnh danh là "Siêu nhân" vì sự nhạy bén trong kinh doanh và nhiều năm liền là người giàu nhất châu Á. Hiện tại, tỷ phú là người giàu thứ hai châu lục và thứ 19 thế giới, với tổng tài sản trị giá 31,2 tỷ USD

Các công ty nằm trong "đế chế" CK Hutchison Holdings của tỷ phú Li Ka-Shing

Đơn vị: triệu USD

Ở tuổi 88, Li Ka-Shing hiện vẫn là Chủ tịch CK Hutchison Holdings. Tập đoàn này hoạt động ở hơn 50 quốc gia trong các lĩnh vực viễn thông, cảng biển, hạ tầng, bán lẻ và năng lượng.

CK Hutchison Holdings cũng đã đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển các thị trường Mỹ, Canada và Australia. Sau khi ông Li Ka-Shing nghỉ hưu, con trai cả Victor sẽ tiếp quản chức Chủ tịch tập đoàn vào năm sau.

Đế chế CK Holdings của tỷ phú Li Ka-shing
 
 

Henry Sy - 'Vua' bán lẻ Philippines

Henry Sy chuyển từ Trung Quốc sang Philippines để gặp cha năm 12 tuổi. Ngay sau đó, ông bắt đầu bán giày trên nhưng con phố Manila. Năm 1958, Sy tự mở cửa hàng giày đầu tiên mang tên Shoe Mart.

Trong giai đoạn bất ổn chính trị, kinh tế 1970 - 1980, Henry Sy đẩy mạnh phát triển hệ thống Shoe Mart khắp Philippines khi mà các nhà đầu tư khác chững lại. Trên đà thành công, tập đoàn SM Investments của ông tiếp tục khai trương cửa hàng bách hoá và trung tâm mua sắm đầu tiên tại nước này.

Các công ty thuộc sở hữu của SM Investments

Đơn vị: triệu USD

Tỷ phú 92 tuổi này hiện là người giàu nhất Philippines, với tổng giá trị tài sản hơn 12,7 tỷ USD. Ông đã nắm giữ danh hiệu này 9 năm liên tiếp.

Ngoài bán lẻ, SM Investments còn hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính tại Philippines và Trung Quốc. Tập đoàn này đang sở hữu ngân hàng lớn nhất nước - BDO Unibank và là hãng bất động sản hàng đầu châu Á.

Cả 6 người con của tỷ phú này đều được thừa kế tập đoàn. Teresita Sy Coson - con gái cả của ông thường đại diện cho SM tại các sự kiện quốc tế và được xem là người sáng giá nhất điều hành tập đoàn.

Robert Kuok - 'Vua' đường

Robert Kuok khởi nghiệp với công việc buôn bán đường, gạo và lúa mỳ tại Malaysia từ năm 1949 và Singapore từ năm 1953. Ông được mệnh danh là "Vua đường châu Á" từ những năm 1970.

Sau đó, ông đã mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực khác từ khách sạn cho tới dịch vụ hậu cần. Ông nhanh chóng đạt được thành công với chuỗi khách sạn Shangri-La và nhiều bất động sản khác tại châu Á. Ông hiện là người giàu nhất Malaysia với tổng tài sản trị giá 11,4 tỷ USD. Tập đoàn Kerry của ông hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khách sạn, logistics và bất động sản tại Trung Quốc, Hong Kong và Malaysia.

Các công ty thuộc sở hữu của Kerry Group

Đơn vị: triệu USD

Ngoài các thị trường châu Á, tỷ phú này còn xây dựng thêm các khách sạn tại London (Anh), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ)... đầu tư vào ngành logistics tại Nam Phi và Châu Đại Dương trong thời gian gần đây.

Hiện tại, tỷ phú 93 tuổi này vẫn chưa công bố người sẽ kế nhiệm mình trong 8 người con. Tuy nhiên, theo một nguồn tin thân cận với gia đình, 2 người con trai Hua Kuok và Beau Kuok là những ứng viên sáng giá.

Chuỗi khách sạn cao cấp Shangri-La

Dhanin Chearavanont - 'Ông trùm' thức ăn chăn nuôi

Năm 1969, Dhanin Chearavanont kế nhiệm cha để trở thành Chủ tịch Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group). Sau đó, doanh nhân này mở rộng từ kinh doanh hạt giống lâu năm sang chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm.

Hiện tại, tỷ phú 78 tuổi này sở hữu khối tài sản trị giá 9,7 tỷ USD, còn CP Group đã có mặt tại 18 quốc gia với 200 công ty con và 300.000 nhân viên.

Các công ty thuộc sở hữu của CP Group

Đơn vị: triệu USD

Tập đoàn này hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như sản xuất thức ăn chăn nuôi, viễn thông, dược phẩm, tài chính... CP Foods là một trong những mảng kinh doanh nổi tiếng nhất. Trong khi đó, CP All hiện cũng vận hành hàng nghìn cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Thái Lan.

Ông Chearavanont có 3 người con trai và 2 con gái. Hiện tại, tỷ phú này để cho người con cả Soopakij tiếp quản chức Chủ tịch CP Group và người con trai út Suphachai giữ vai trò Giám đốc điều hành.

Anh Tú (theo WSJ)

Bình luận
Ý kiến của bạn